Cựu chiến binh lặng thầm tìm kiếm thông tin về hài cốt liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước sang tuổi 70 nhưng cựu chiến binh (CCB) Lý Văn Mười (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin về hài cốt liệt sĩ để cung cấp cho các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ký ức không quên

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào phòng khách của gia đình CCB Lý Văn Mười là hàng loạt huân-huy chương, bằng khen, giấy khen các loại cùng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng được treo trang trọng trên tường. Đó là những nỗ lực của ông suốt 34 năm công tác trong quân đội và gần 10 năm tham gia công tác Hội CCB.

Rót ly trà nóng mời khách, ông Mười kể: Năm 1976, ông tình nguyện tham gia quân ngũ và được biên chế về Trung đoàn 93, Đoàn Kinh tế 33, Quân khu 5. Gần 2 năm tham gia xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ dân sinh, tháng 8-1978, ông được điều động về Sư đoàn 2 (Quân khu 5) huấn luyện bổ sung 2 tháng để tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Đối với ông Mười, 10 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế là những năm tháng không thể nào quên. “Ngoài đánh nhau với địch, chúng tôi còn phải đối diện với vô vàn hiểm nguy và khó khăn”-ông Mười hồi nhớ.

Ông bồi hồi kể: “Mùa khô, cả cánh rừng trở nên khô khốc, tìm không ra một chiếc lá xanh. Các con suối trơ đáy, đào sâu cũng không tìm được mạch nước. Chúng tôi từng nói với nhau rằng chẳng may có cháy cũng không biết trốn ở đâu. Ngược lại, mùa mưa thì chỉ trong phút chốc nước suối đã dâng cao, chảy xiết.

Có lần, chúng tôi dừng chân bên con suối cạn để nấu ăn, xong xuôi thì xoong nồi để hết trên bờ. Sau đó, chúng tôi mắc võng nghỉ qua đêm lấy sức mai tiếp tục hành quân, ai ngờ trận mưa đêm làm nước suối dâng cao cuốn trôi mọi thứ”.

o-tuoi-70-ong-muoi-da-nghi-cong-tac-vui-thu-dien-vien-va-van-tran-tro-voi-viec-tim-kiem-thong-tin-liet-si.jpg
Ở tuổi 70, ông Mười đã nghỉ công tác, vui thú điền viên và vẫn trăn trở với việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Ảnh: P.D

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế, ông kể: “Tháng 10-1978, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đóng chốt ở khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh với tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia). Hai chốt cách nhau chỉ một cánh đồng đang mùa nước nổi. Hai tháng ở chốt, trừ lúc ngủ, thời gian còn lại, chân chúng tôi lúc nào cũng ngâm trong nước nên ai cũng mắc bệnh về da”.

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, năm 1990, ông về làm Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 2; năm 1992, làm Chủ nhiệm Chính trị và sau đó là Chính ủy Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2). Giai đoạn 2003-2009, ông làm Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa, rồi Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro.

Từ năm 2013 đến 2017, ông tham gia công tác tại địa phương trong vai trò Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB phường An Phú; từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2022 làm Chủ tịch Hội CCB thị xã An Khê.

Trăn trở tìm kiếm thông tin liệt sĩ

Sau khi nghỉ hưu (năm 2009), ông Mười dành phần lớn thời gian tham gia tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Ông quê ở xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong kháng chiến, quê ông là vùng liên tục xảy ra giao tranh giữa ta và địch. Từ nhỏ, ông đã chứng kiến nhiều bộ đội hy sinh được người dân trực tiếp chôn cất.

“Trong 10 năm tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, tôi nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh. Hình ảnh những người mẹ liệt sĩ đau đáu tìm kiếm thông tin của con thúc giục tôi phải làm điều gì đó”-ông Mười chia sẻ.

Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh: Đồng chí Lý Văn Mười rất năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào, công tác Hội. Song song với việc tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cung cấp thông tin về hài cốt liệt sĩ, đồng chí còn trực tiếp tìm kiếm, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cơ quan chức năng có thêm cơ sở củng cố hồ sơ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Thế rồi, ông tìm đến những CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp đang sinh sống ở thị xã An Khê; CCB ở các ban liên lạc truyền thống trung đoàn, sư đoàn và các đơn vị trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở An Khê như: Tiểu đoàn Đặc công 405, Tiểu đoàn Đặc công 407 và Tiểu đoàn Đặc công 408 của Quân khu 5 để tìm kiếm thông tin. Tiếp đến, ông tìm gặp những người từng tham gia bên kia chiến tuyến để thuyết phục cung cấp thông tin liệt sĩ và ghi chép cẩn thận.

“Công việc này đòi hỏi sự kiên trì. Quá trình thu thập thông tin, không chỉ nghe một người mà qua người thứ 2, thứ 3 để đối chiếu, xác minh cho thật đầy đủ, chính xác. Khi có thông tin tin cậy, tôi đi cùng người báo tin đến địa điểm nghi có mộ liệt sĩ đánh dấu và chụp ảnh lưu trữ. Thông tin được cập nhật vào mẫu tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ do Trung ương Hội CCB ban hành, sau đó gửi về Ban Chỉ đạo 24 thị xã, Hội CCB tỉnh và Ban Chỉ đạo 515 tỉnh”-ông Mười cho hay.

1-8678.jpg
Ông Lý Văn Mười kiểm tra thông tin về hài cốt liệt sĩ đã thu thập. Ảnh: P.D

Tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước CCB gương mẫu lần thứ VII (2024-2029), ông Mười thông tin: Từ năm 2017 đến tháng 8-2022, ông đã có hàng trăm ngày đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, thu thập 187 thông tin, phối hợp tham gia quy tập 245 hài cốt liệt sĩ, có 2 mộ tập thể (tính đến tháng 8-2022).

Ngoài ra, ông còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro tìm kiếm mộ liệt sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Sao Vàng) khi đánh cắt đèo An Khê tháng 4-1972 nhưng chưa có kết quả; tiếp nhận 67 thư, ảnh bia mộ liệt sĩ chưa có thông tin thuộc Sư đoàn 2.

Hàng năm, ông đón, đưa hàng chục gia đình liệt sĩ đến thắp hương cho người thân các nghĩa trang ở thị xã An Khê, huyện Đức Cơ và tỉnh Kon Tum. Mặt khác, ông chuyển 9 thông tin mộ liệt sĩ cho các huyện: Kông Chro, Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) và 2 tỉnh Quảng Nam, Bình Định để địa phương phối hợp tìm kiếm.

Ông được Trung ương Hội CCB Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2020.

Hiện nay, dù đã nghỉ công tác Hội song ông Mười vẫn luôn trăn trở tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ và xác minh để củng cố hồ sơ; nhất là thông tin về các liệt sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 đã hy sinh ở địa phận giáp ranh huyện Kông Chro và huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định).

“Cậu họ tôi từng là Chính ủy Trung đoàn 12 cùng chỉ huy trận đánh cắt đường 19 hồi tháng 4-1972. Sau giải phóng, tôi có dịp theo cậu từ quê lên TP. Pleiku, khi ngang qua đèo An Khê, cậu dừng lại để thắp nhang khấn những đồng đội đã hy sinh. Cậu bảo đã mất 2 tiểu đoàn ở đây năm 1972.

Tiếc là cậu tôi đã mất, một số người biết thông tin trận đánh đó nhưng không nhớ chính xác địa điểm. Tôi muốn tiếp tục tìm kiếm để đưa các anh hùng liệt sĩ về với quê hương, an nghỉ bên cạnh đồng đội của mình”-ông Mười trăn trở.

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo chợ chiều Pleiku

Độc đáo chợ chiều Pleiku

(GLO)- Tuy chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ, nhưng những phiên chợ chiều trên phố núi Pleiku vẫn đông đúc kẻ bán, người mua. Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi để những ai khi đến mua sắm hiểu hơn về văn hóa và cư dân của vùng đất cao nguyên này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế kiểm tra tiến độ thi công đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa

Gia Lai tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc các dự án trọng điểm

(GLO)- Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm là yêu cầu cấp bách đang được lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo quyết liệt. Với quyết tâm cao, các sở, ngành và địa phương đang nỗ lực đưa các dự án về đích theo kế hoạch.

Sau buổi phát động, người dân làng làng Đăk Hlá-Tơ Drăh đã ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường và khu vực công cộng. Ảnh: Nhật Hào

Mang Yang: Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo vệ môi trường

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian gần đây, người dân ở nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang đã có ý thức tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa và cây xanh tại các khu vực công cộng để góp phần cải thiện cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang. Ảnh: An Phát

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hiện có 76 người có uy tín. Nhiều năm qua, đội ngũ người có uy tín trở thành "những cánh chim đầu đàn" trong các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt sứ mệnh tập hợp đoàn kết nhân dân chung tay xây dựng buôn làng ngày càng phát triển.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng làm theo Bác. Ảnh: Ngọc Minh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng học tập và làm theo Bác

(GLO)- Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn nêu gương sáng trong học tập và làm theo Bác, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi và giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai Nay Hứ tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

(GLO)- Gần 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, ông Nay Hứ luôn gương mẫu, tận tụy và nhiệt tình trong công việc. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, nghĩa tình trong các phong trào, hoạt động công tác Hội.