Kinh tế tập thể gặp khó trong việc tiếp cận vốn tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Luật Hợp tác xã (HTX) kiểu mới thì hiện nay các HTX được tổ chức hoạt động như mô hình của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại của HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang (huyện Kông Chro) đi vào hoạt động từ năm 2021 với 40 thành viên để trồng hơn 76 ha cây ăn quả theo hướng hữu cơ, VietGAP. Sản phẩm trái cây của HTX không chỉ phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang một số nước Trung Đông và Trung Quốc. “Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX đang rất cần có nguồn vốn để đầu tư vào diện tích cây trồng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, do HTX không có tài sản thế chấp”-ông Trịnh Xuân Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang cho biết.

Sản phẩm nấm linh chi đỏ Núi Cờ đạt OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam
Sản phẩm nấm linh chi đỏ Núi Cờ đạt OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: Lê Nam

Thành công với mô hình trồng nấm linh chi đỏ và chăn nuôi dê, HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. Song “bài toán” về vốn vẫn là vấn đề gây đau đầu cho HTX trong thời gian qua. Ông Hồ Văn Hiếu-Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ cho biết: HTX đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai được khoảng hơn 2 năm, và sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Cùng với mô hình chăn nuôi dê, HTX đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện HTX cũng đang gặp khó khăn lớn là thiếu vốn.

Cũng giống 2 HTX trên, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đều gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Liên quan đến vấn đề vốn vay, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiện tại, Liên minh HTX có 2 nguồn vốn cho vay ưu đãi để các HTX tiếp cận vay vốn. Cụ thể, là nguồn vốn vay giải quyết việc làm 360 triệu đồng (từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Liên minh HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh Gia Lai quản lý và sử dụng) luân phiên cho các thành viên HTX vay bằng hình thức tín chấp thông qua ủy thác tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, với mức vay 40-50 triệu đồng/1 thành viên HTX để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, lãi suất vay 7,92%/năm.

Nguồn thứ 2 là nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Quỹ Gia Lai) hiện đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục tổ chức lại nên chưa thực hiện cho các HTX vay vốn. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ tiến hành thủ tục cho vay. Còn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (gọi tắt là Quỹ Trung ương) thì Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn cho 5 lượt HTX tiếp cận được nguồn vốn này với số tiền là 11,1 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ phát triển sản xuất bằng hình thức thế chấp tài sản.

“Theo Quy chế cho vay số 16/QĐ-HĐQL ngày 10-12-2007 của Quỹ Trung ương, mức cho vay tối đa là 80% vốn của dự án. Hiện tại chỉ cho vay đầu tư tài sản cố định, chưa cho vay vốn để bổ sung vốn lưu động. Tất cả các HTX vay vốn phải có tài sản thế chấp và phải trả lãi vay hàng tháng với thời hạn vay tối đa là 5 năm, lãi suất 5.13%/năm”-ông Phong cho hay.

Thời gian qua, để hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, trong đó HTX, liên hiệp HTX được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, hình thức tín chấp rất hạn chế và điều kiện kèm theo vô cùng khắt khe, như: Hồ sơ pháp lý rõ ràng, chứng minh được thu nhập ổn định, lịch sử tín dụng, HTX cần chứng minh được nguồn để trả lãi vay và gốc vay trong phương án vay và trả nợ… là những quy định gây khó khiến các HTX không thể tiếp cận được nguồn vốn vay.

Mới đây, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại công văn số 4785/VPCP-NN ngày 8-7-2024 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo kết quả hội thảo về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX, UBND tỉnh cũng ban hành công văn số 2019/UBND-KTTH đề nghị các sở, ban, ngành, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Liên minh HTX tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh.

Nhiều HTX mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Hà Duy

Nhiều HTX mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Hà Duy

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX tiếp cận được vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường tín dụng từ phía tổ chức tín dụng đối với khu vực KTTT, HTX. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, tranh thủ vốn từ hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương nhằm huy động, hỗ trợ vốn cho khu vực KTTT, HTX. Đồng thời, tích cực hướng dẫn cho các tổ chức KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn và đảm bảo đủ các điều kiện quy định được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.

Trên cơ sở đề xuất cấp vốn điều lệ bổ sung của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng lớn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Duy

Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Sáng 22-11, Viện Sinh thái học Miền nam, Trung Tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) cao nguyên Kon Hà Nừng tổ chức hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng đến năm 2030.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.