Lợi ích mang lại cho nông dân Gia Lai khi tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên tinh thần tự chủ, tự nguyện, thời gian qua, nhiều nông dân tỉnh Gia Lai đã chủ động gắn kết trong sản xuất bằng việc tích cực tham gia các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Với mô hình kinh tế vườn-chuồng, mỗi năm gia đình ông Ksor Lưih (làng Pok, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) thu về hơn 200 triệu đồng. Ông tập trung trồng, chăm sóc 2 ha lúa nước, 1 ha cây bời lời, 5 sào cây cà phê và duy trì đàn bò sinh sản 20 con.

Ông Lưih cho hay: “Mình làm chuồng nuôi nhốt nên thu gom được phân bò, bón cây trồng rất tốt. Có chuồng nuôi nhốt, bò khỏe mạnh, còn mình tiết kiệm chi phí, cây trồng thì phát triển và cho năng suất tốt”.

Ngoài duy trì đàn bò sinh sản, ông Lưih còn trồng, chăm sóc 3,5 ha lúa nước, bời lời và cà phê. Ảnh: A.H
Ngoài duy trì đàn bò sinh sản, ông Lưih còn trồng, chăm sóc 3,5 ha lúa nước, bời lời và cà phê. Ảnh: A.H

Ông Lưih chia sẻ: “Tham gia tổ chức, buổi sinh hoạt nào mình cũng có mặt để được cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Mình nuôi bò nhiều năm rồi nên cũng có kinh nghiệm để trao đổi chia sẻ cùng mọi người. Mình quan tâm kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò”. Bình quân mỗi năm, đàn bò của gia đình ông Lưih sinh sản khoảng 10 con bê.

Theo ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, nên ngày càng nhiều hội viên nông dân tham gia các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Giai đoạn 2022-2024, các cấp Hội nông dân trong huyện đã thành lập mới 61 tổ hội nông dân nghề nghiệp (35 tổ hội trồng trọt và 21 tổ hội chăn nuôi) và 2 chi hội nghề nghiệp (trồng và chăm sóc cây sầu riêng quy mô 10 ha, sản xuất cà phê chất lượng cao quy mô 40 ha); phối hợp thành lập 5 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 3 nông hội. Đến nay, toàn huyện có 114 tổ hội, 6 chi hội nghề nghiệp, 27 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 6 nông hội.

Chi hội Nông dân làng A (xã Gào, TP. Pleiku) ra mắt tổ hội nghề nghiệp đổi công. Ảnh: A.H
Chi hội Nông dân làng A (xã Gào, TP. Pleiku) ra mắt tổ hội nghề nghiệp đổi công. Ảnh: A.H

Tương tự, nhiều hội viên nông dân xã Gào (TP. Pleiku) mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn phát triển kinh tế khi chủ động gắn kết với các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trên địa bàn xã có 7 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, trong đó 3 tổ hội nghề nghiệp đổi công với 41 thành viên ở làng B, làng C và thôn 5.

Ông Nguyễn Văn Ánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Gào (TP. Pleiku)-cho biết: “Thấy được lợi ích nên hội viên nông dân quyết tâm xây dựng các tổ hội nghề nghiệp. Ngoài giúp nhau ngày công lao động nhằm giảm chi phí sản xuất, họ còn chủ động kết nối, tìm kiếm việc làm, thêm cơ hội gắn kết, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Thống kê từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thành lập mới 1.357 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Hiện, toàn tỉnh có 1.425 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; tập hợp hàng trăm hội viên nông dân liên kết để nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm. Thành viên các chi, tổ hội gắn kết với nhau dựa trên nguyên tắc “5 tự”: tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng”: cùng lĩnh vực ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi.

Tổ hội nghề nghiệp đổi công làng B (xã Gào) xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh: A.H
Tổ hội nghề nghiệp đổi công làng B (xã Gào) xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh: A.H

Nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp tại một số địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực và là cơ sở vững chắc để xây dựng kinh tế tập thể. Như chi hội nghề cá giống xã Ia Peng (huyện Phú Thiện) với 31 thành viên, diện tích 17,5ha, sản lượng cá giống đạt 60 tấn/năm, doanh thu 4 tỷ/ năm, lợi nhuận đạt 700-800 triệu đồng/năm. Chi hội trồng dâu, nuôi tằm thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) với 185 thành viên, thu nhập 20 triệu đồng/tháng/thành viên. Tổ hội trồng sầu riêng xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) với 21 thành viên, doanh thu 1,85 tỷ đồng,...

Trao đổi với P.V, bà Chu Thị Thu Hương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-đánh giá: “Mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới về nội dung, phương thức tập hợp hội viên nông dân, góp phần xây dựng hình người nông dân thế hệ mới năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên, nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Hội tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi, tổ hội; đa dạng hóa mô hình chi, tổ hội ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa ở địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.