Ông Lê Văn Kỳ (bìa phải) kiểm tra vườn dâu của gia đình mình. Ảnh: R.H |
Ông Lê Văn Kỳ (thôn Ia Sâm) cho biết: Năm 2018, gia đình ông có 8 sào hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt khiến cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Sau khi tham quan, tìm hiểu và học hỏi một số mô hình trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Đak Nông, ông mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng hồ tiêu sang trồng dâu nuôi tằm. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, ông đã nắm vững kiến thức nên đã chuyển đổi toàn bộ 8 sào hồ tiêu bị bệnh hại sang trồng dâu nuôi tằm.
“Với 8 sào dâu, mỗi tháng, gia đình tôi duy trì nuôi 2 hộp tằm giống và thu được từ 1,4-1,6 tạ kén. Với giá bán kén hiện nay ở mức 200.000 đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí. Tôi thấy trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định hơn nhiều các loại cây trồng khác. Sản phẩm làm ra được Hợp tác xã Dâu tằm Minh Hóa (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) thu mua nên không lo về đầu ra”-ông Kỳ bộc bạch.
Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi tháng gia đình bà Đàm Thị Thanh thu nhập hơn 40 triệu đồng từ việc trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: R.H |
Tương tự, hộ gia đình bà Đàm Thị Thanh cũng trồng dâu nuôi tằm từ nhiều năm nay. Bà Thanh cho hay: Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình dựa vào 8 sào hồ tiêu. Tuy nhiên từ năm 2015, vườn hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt nên gia đình bà rơi vào cảnh lao đao. Cuộc sống khó khăn, bà phải xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út để có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống. Năm 2018, thấy người dân trong vùng trồng dâu nuôi tằm hiệu quả, gia đình bà đã chuyển đổi 3 sào đất sang trồng dâu. Sau khi cây dâu phát triển, bà nhập giống tằm từ các cơ sở uy tín ở Lâm Đồng về nuôi. Đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 8 sào, mỗi tháng nuôi 4 hộp tằm, thu được 2,8 tạ kén, sau khi trừ chi phí gia đình bà thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng.
"Để nuôi tằm hiệu quả phải đảm bảo khu vực nuôi thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, tránh ẩm ướt; lá dâu cho tằm ăn phải sạch và cho tằm ăn đều đặn. Đối với cây dâu nên bón phân chuồng, tránh phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu và cung cấp đủ lượng nước tưới cho cây xanh tốt. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dâu và quy mô nhà xưởng để nâng cao thu nhập cho gia đình”-bà Thanh bày tỏ.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Văn Hảo-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rong, huyện Chư Pưh-thông tin: Mô hình trồng dâu nuôi tằm của các hộ dân thôn Ia Sâm đã mang lại hiệu quả, đây cũng là mô hình điểm của huyện. Để nâng cao sản xuất, năm 2021, Hội Nông dân xã Ia Rong đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm gồm 40 thành viên, với tổng diện tích 30 ha dâu. Mục đích là tập hợp, kết nối các hộ dân trồng dâu nuôi tằm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn toàn xã, nhất là tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân về giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”-ông Hảo nhấn mạnh.