Pleiku với phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) luôn đi đầu thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và các quy định pháp luật liên quan, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách tại địa phương.

Tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Những năm qua, hệ thống chính trị của TP. Pleiku cũng như các xã, phường thường xuyên quan tâm triển khai nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, đại diện cán bộ, Nhân dân thành phố tham gia lễ dâng hoa, dâng hương viếng các liệt sĩ tại các công trình ghi công liệt sĩ. Các tổ chức đoàn thể, các xã, phường, đơn vị, trường học tổ chức nhiều hoạt động về nguồn như thăm các di tích lịch sử cách mạng, thắp nến tri ân liệt sĩ, chăm sóc cảnh quan các công trình di tích, tổ chức kết nạp đội viên và đoàn viên, nói chuyện giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các hội thi văn hóa văn nghệ về chủ đề biết ơn, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân (bên trái) thăm, tặng quà ông Lê Tranh là thương binh hạng 1/4 ở xã Trà Đa. Ảnh: Thanh Nhật

Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân (bên trái) thăm, tặng quà ông Lê Tranh là thương binh hạng 1/4 ở xã Trà Đa. Ảnh: Thanh Nhật

Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: “Phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành phố đã tiến hành nhiều đợt trùng tu, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ như Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú, Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, Nhà bia ghi công liệt sĩ xã Gào, Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku ở phường Thống Nhất… Qua đó, đáp ứng nhu cầu thăm viếng của thân nhân liệt sĩ, du khách và người dân, bày tỏ lòng tri ân các Anh Hùng liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập tự do cho dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Còn hòa thượng Thích Từ Vân-Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Quan âm (phường Trà Bá) chia sẻ: “Tăng ni và bà con phật tử luôn ghi ơn các thế hệ Anh Hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống người dân được ấm no hạnh phúc…Dịp đại lễ Phật đản và đại lễ Vu lan hàng năm, tăng ni và phật tử tổ chức lễ viếng và cử hành khóa lễ cầu nguyện cho hương hồn các Anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó, khi địa phương diễn ra sự kiện quy tập và an vị hài cốt liệt sĩ, Ban Trị sự phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đại lễ cầu siêu cho anh linh các Anh hùng liệt sĩ...Đó là việc làm thực hiện tinh thần báo hiếu Tứ Trọng Ân trong giáo lý của Phật giáo”.

Thực hiện tốt chính sách người có công

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku, địa bàn thành phố hiện có 2.295 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng. Trong đó có 3 cán bộ lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang, trên 1.000 thương binh, 147 bệnh binh, 66 người có công với cách mạng, 140 thân nhân liệt sĩ, 154 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, 466 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 140 người là con đẻ của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND thành phố-cho biết: Thành phố chỉ đạo củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo, Hội đồng thực hiện chính sách của thành phố và các xã, phường, tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chính sách người có công. Bố trí nhân sự, biên chế công chức thực hiện công tác người có công đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. "Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công”-ông Sung nói.

Hàng năm, thành phố và các xã, phường đều có kế hoạch vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2018 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố vận động được khoảng 5 tỷ đồng, trong đó các xã, phường hơn 4 tỷ đồng. Quỹ được sử dụng đúng mục đích như hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người có công, thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết, ốm đau… Riêng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố đã xây dựng và sửa chữa 9 căn nhà, các xã, phường đã vận động xây dựng được 10 căn nhà và sửa chữa 11 căn, tặng gần 30 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách khó khăn. Các ngành chuyên môn cũng đã tham mưu UBND thành phố thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho 42 trường hợp người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố-cho hay: “Phòng phối hợp với các xã, phường và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ chính sách, trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho đối tượng được hưởng theo quy định. Thành phố có 6 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được địa phương và các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Cùng với đó, gần 100 trường hợp người có công đã được hỗ trợ cấp phương tiện và tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng theo chỉ định của ngành y tế. Hàng ngàn lượt người được chi trả đầy đủ tiền chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà, hơn 80 lượt người có công đi điều dưỡng ngoại tỉnh theo chế độ. 100% đối tượng đang hưởng chế độ ưu đãi người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế".

Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thuê (phường Hoa Lư). Ảnh: Thanh Nhật

Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thuê (phường Hoa Lư). Ảnh: Thanh Nhật

Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa tiêu biểu ở cơ sở có các phường: Hoa Lư, Tây Sơn, Ia Kring, Yên Thế... Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư thông tin: “Phường đang quản lý và thực hiện các chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 200 đối tượng hưởng chính sách, người có công. Hàng năm, phường duy trì hoạt động thăm hỏi, gặp mặt thân mật, tặng quà các gia đình chính sách vào dịp lễ, tết, đồng thời thường xuyên vận động các doanh nghiệp chung tay chăm lo đời sống vật chất và tinh thần các gia đình chính sách trên địa bàn”.

Đề cập về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Sung nhấn mạnh: Thành phố xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài. Địa phương chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính về người có công. Thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với các gia đình đối tượng chính sách và người có công cách mạng. Làm tốt công tác xã hội hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, đảm bảo đời sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình ở khu dân cư...Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục truyền thống yêu nước, biểu dương nhân rộng những đơn vị điển hình thực hiện tốt chính sách người có công, những thương-bệnh binh, gia đình chính sách và con em gương mẫu trên các lĩnh vực góp phần xây dựng địa phương phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.