Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện.

Khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất

Nghị quyết số 06-NQ/TU đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, trồng mới 40.000 ha rừng; đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 49,2%, tiếp tục trồng mới và trồng rừng luân canh 40.000 ha. Trên cơ sở nghị quyết này, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 16.721 ha rừng. Cùng với tổ chức trồng rừng, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đã có nhiều chuyển biến, góp phần khuyến khích hộ nghèo người dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế, giảm áp lực lên rừng.

Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Huyện đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU với mục tiêu thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp thật sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Trong đó, chú trọng việc liên kết theo chuỗi phát triển chế biến và thương mại lâm sản; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân tuần tra khu vực rừng nhận khoán bảo vệ. Ảnh: M.N

Người dân tuần tra khu vực rừng nhận khoán bảo vệ. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 515 tỷ đồng, đến năm 2030 tăng gấp 1,25 lần so với năm 2025; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng đạt 7.850 ha; nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 70,13% năm 2020 lên 70,5% vào cuối năm 2025 và đến năm 2030 đạt trên 71%.

“Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch trồng 1.000 ha rừng tập trung và cây phân tán từ nay đến năm 2025; đồng thời, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết.

Tại làng Blà (xã Đak Song, huyện Kông Chro), gia đình ông Đinh Văn Toech là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ trồng rừng. Trước đây, gia đình ông chủ yếu sống dựa vào việc trồng mì, bắp nhưng do đất bạc màu, địa hình lại nhiều đồi dốc nên hiệu quả kinh tế không cao. Giữa năm 2016, ông Toech đầu tư trồng hơn 1 ha keo lai rồi dần dần mở rộng dần lên đến 9 ha. Đầu năm 2023, ông bán 2 ha keo trồng từ năm 2016-2017 được hơn 80 triệu đồng. Ông Toech dự tính: Năm 2024, ông sẽ thu hoạch xoay vòng diện tích rừng còn lại. Với kiểu thu hoạch cuốn chiếu này, gia đình ông luôn có thu nhập ổn định.

Cây giống keo lá tràm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị đem trồng rừng. Ảnh: M.N

Cây giống keo lá tràm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị đem trồng rừng. Ảnh: M.N

Ông Huỳnh Văn Cư-Chủ tịch UBND xã Đak Song-khẳng định: Xã có 4 làng đồng bào Bahnar với 480 hộ dân thì có đến 80% tham gia trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, xã được ngân sách hỗ trợ trồng gần 1.300 ha rừng sản xuất theo Dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Dự án bảo vệ và phát triển rừng (Quyết định số 496/QĐ-UBND của UBND tỉnh).

Đáng chú ý, nhiều hộ đầu tư trồng rừng với diện tích lớn như: ông Đinh Gui trồng 17 ha; Đinh Ương, Đinh Roch trồng 10 ha; Đinh Dôm, Đinh Vố trồng 7 ha… Bình quân 1 ha keo cho thu nhập 40-45 triệu đồng sau 5 năm.

Chủ tịch UBND xã Đak Song nhấn mạnh: “Người dân đã dần thấy được hiệu quả nên tích cực đăng ký tham gia trồng rừng, tích lũy thu nhập lâu dài và xem đây là giải pháp để có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi về công tác trồng rừng trên địa bàn, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Từ năm 2017 đến 2022, toàn huyện đã trồng hơn 6.707 ha rừng với tổng kinh phí trên 23,7 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc rừng trồng hơn 15,3 tỷ đồng. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, địa phương tiếp tục vận động người dân đăng ký trồng hơn 2.000 ha rừng, đồng thời tiếp tục vận động, khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị cũng như thu nhập.

“Huyện đã chủ động làm việc với các sở, ngành của tỉnh nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ băm dăm. Nếu có nhà máy chế biến hỗ trợ thu mua tại chỗ thì người dân tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thu nhập sẽ tăng thêm và sinh kế bền vững hơn từ trồng rừng sản xuất”-ông Ẩn khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhấn mạnh: “Sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị tập trung vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đạt kế hoạch 8.000 ha/năm. Cùng với đó, Sở hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của các địa phương, đơn vị chủ rừng trong quá trình thực hiện, nhất là công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân”.

Mở rộng diện tích khoán bảo vệ rừng

Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã triển khai khoán quản lý, bảo vệ hơn 720,3 ngàn ha rừng với hơn 50 ngàn lượt hộ tham gia nhận khoán. Việc giao khoán đã giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị chủ rừng được tốt hơn, hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy và những tác động khác có hại đến tài nguyên rừng. Mặt khác, công tác giao khoán còn giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ và phòng cháy rừng.

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới là đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; phấn đấu duy trì hàng năm trồng mới 8.000 ha rừng và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh chú trọng huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng, nhất là việc triển khai có hiệu quả chính sách bảo vệ, phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2022 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho rằng: Việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng sinh sống gần rừng không những giúp họ nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn cải thiện thu nhập. Huyện Kbang có hơn 130.000 ha đất lâm nghiệp. Hiện có 36.000 ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ cho cộng đồng, các nhóm hộ với mức chi trả bình quân 400 ngàn đồng/ha/năm. Mặc dù là địa phương có đến 70% diện tích rừng, tiềm năng lớn về phát triển du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch sinh thái nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý là các xã trong khu vực vùng lõi như: Đak Rong, Krong và Kon Pne có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, từ 32% đến 47%. Do vậy, huyện phấn đấu 100% diện tích rừng do UBND xã đang quản lý được giao cho cộng đồng, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ.

Tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%; đến năm 2030 đạt 49,2%. Ảnh: M.N

Tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%; đến năm 2030 đạt 49,2%. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nêu giải pháp: “Huyện rất mong các sở, ngành quan tâm nâng diện tích và mức khoán cho người dân. Đặc biệt là thông qua các mô hình, dự án cụ thể để khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các chuỗi giá trị nông nghiệp, sản xuất dưới tán rừng và du lịch sinh thái, cũng như hỗ trợ sinh kế từ rừng cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, huyện cũng đang thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng; khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào hoạt động du lịch… để tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân”.

Huyện Krông Pa cũng có diện tích rừng tương đối lớn. Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của huyện là 102.462 ha, trong đó có 75.698 ha rừng với độ che phủ đạt 50,39%. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2021, huyện đã triển khai giao đất, giao rừng cho 440 hộ dân của xã Ia Hdreh với diện tích 995,7 ha và 432 hộ dân xã Uar với diện tích 478,2 ha. Năm 2022, huyện tiếp tục triển khai giao đất, giao rừng cho 87 hộ dân ở xã Đất Bằng với diện tích 1.318,5 ha và 6 hộ dân ở xã Chư Drăng với diện tích 172,7 ha.

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho rằng: Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư là chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Từ năm 2021, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giao 15.650 ha rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư ở các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông và Krông Pa để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giúp người dân có thêm thu nhập từ rừng nhằm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, trong 2 năm (2022-2023), UBND tỉnh cũng phê duyệt kế hoạch giao rừng của các địa phương, mỗi năm gần 7.000 ha.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia kiểm tra thực tế ở các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là công tác trồng rừng từ nguồn ngân sách hỗ trợ trong các năm qua để từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.