Phạm Thị Thú: Cán bộ “nói được, làm được”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Bà Phạm Thị Thú-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) được cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn đánh giá là người “nói được, làm được”.

Gương mẫu đi đầu

Bà Phạm Thị Thú sinh năm 1962 ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, năm 1978, bà viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đến năm 1988, do sức khỏe suy giảm, bà xin nghỉ theo chế độ bệnh binh, sau đó cùng chồng con chuyển từ TP. Đà Nẵng đến An Khê sinh sống.

Trên quê hương thứ hai, bà Thú tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do chính quyền địa phương, đoàn thể phát động và lần lượt được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 4. Ở bất cứ vị trí công tác nào, bà Thú đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động.

Hàng ngày, bà Thú chứng kiến người dân vất vả di chuyển từ quốc lộ 19 xuống con hẻm chật chội nơi mình đang ở. Vì vậy, khi làm nhà, bà chủ động xây lùi vào trong và đổ đất cho hẻm cao thêm, rộng ra.

Năm 2004, thị xã An Khê có chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng, bê tông hóa một số đường hẻm trên địa bàn. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, bà Thú tự nguyện đập tường, hiến toàn bộ phần đất đường luồng bên hông nhà để con hẻm thêm rộng rãi, sạch đẹp, người dân đi lại thuận lợi hơn. “Tôi rất vui vì đã góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng”-bà Thú chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thú (bìa trái) cùng cán bộ tổ dân phố 4 tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia nhóm Zalo để cập nhật các thông tin của tổ. Ảnh: N.M

Bà Phạm Thị Thú (bìa trái) cùng cán bộ tổ dân phố 4 tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia nhóm Zalo để cập nhật các thông tin của tổ. Ảnh: N.M

Việc làm của bà Thú khiến nhiều người cảm phục, tạo sự đồng thuận trong người dân khi tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ông Lê Văn Ánh (hẻm 13 Lý Thường Kiệt, tổ 4) kể: “Tháng 8-2023, phường tiến hành đổ bê tông con hẻm. Gia đình tôi phá bỏ cổng ngõ, tường rào kiên cố, các hộ còn lại chặt bỏ hàng chục cây ăn quả đang kỳ thu hoạch để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chỉ gần 1 tháng, con hẻm đã thi công xong. Hai bên đường, bà con còn trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan phố phường xanh-sạch-đẹp”.

Từ ngày hẻm Nguyễn Văn Trỗi được mở rộng, bê tông hóa, cuộc sống người dân nơi đây như bước sang trang mới, tốt đẹp hơn. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: Đoạn đường từ nhà bà đến đường Nguyễn Văn Trỗi vốn nhỏ hẹp, thường xuyên lầy lội. Mỗi lần đau ốm, con cháu phải cõng bà ra xe đậu đầu hẻm rất vất vả.

Nhờ bà Thú vận động các hộ dân tự nguyện hiến một phần đất, con hẻm đã được mở rộng. Năm 2022, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân chung tay đóng góp kinh phí, công sức để thảm bê tông hẻm.

Bà Nguyễn Thị Lan (bìa phải, ở hẻm Nguyễn Văn Trỗi, tổ 4, phường An Bình) phấn khởi trò chuyện với hàng xóm về việc đổ bê tông, mở rộng hẻm. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Nguyễn Thị Lan (bìa phải, ở hẻm Nguyễn Văn Trỗi, tổ 4, phường An Bình) phấn khởi trò chuyện với hàng xóm về việc đổ bê tông, mở rộng hẻm. Ảnh: Ngọc Minh

“Những lúc vợ chồng tôi ốm đau đột xuất, bà Thú còn cho tiền, vận động người dân trong tổ hỗ trợ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Không chỉ gia đình tôi, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác đều được bà Thú tìm cách giúp đỡ, động viên. Tôi cũng như bà con trong tổ rất quý bà Thú”-bà Lan tâm sự.

Theo Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 4: Thực hiện chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025, bà phối hợp rà soát những con hẻm chật hẹp, lầy lội và xây dựng kế hoạch triển khai. Từ năm 2021 đến 2023, bà đã tích cực vận động người dân hiến đất làm đường. Đối với những gia đình còn băn khoăn, chưa đồng tình, bà Thú vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tìm cách tiếp cận, gặp gỡ nhiều lần để phân tích, giải thích, giúp người dân hiểu, đồng tình ủng hộ.

“Những năm qua, tổ 4 đã có 5 đường hẻm được mở rộng, bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Tôi còn vận động cán bộ, đảng viên, người dân đóng góp kinh phí lắp đặt đường điện chiếu sáng tại 4 con hẻm và sửa chữa nhà văn hóa”-bà Thú phấn khởi nói.

Xây dựng chi bộ, tổ dân phố vững mạnh

Tổ dân phố 4 có 390 hộ/1.631 khẩu. Chi bộ tổ có 37 đảng viên. Là người “đứng mũi chịu sào”, bà Thú luôn đề cao tinh thần kỷ luật, gương mẫu, trách nhiệm cao trong công việc; chú trọng triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới nội dung và hình thức nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Bà Thú cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, Chi bộ luôn hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới; 100% cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác giao quân của tổ dân phố hàng năm đạt 100%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững; các tệ nạn xã hội được kéo giảm; các mâu thuẫn nảy sinh trong dân được tập trung giải quyết kịp thời”.

Nhờ sự tích cực tuyên truyền vận động của bà Phạm Thị Thú-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 4 nhiều hẻm được mở rộng, bê tông hóa người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Ngọc Minh

Nhờ sự tích cực tuyên truyền vận động của bà Phạm Thị Thú-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 4 nhiều hẻm được mở rộng, bê tông hóa người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Lưu Trung Dũng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Bình: “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bà Thú có nhiều kinh nghiệm, được cán bộ, đảng viên và người dân tin tưởng, đánh giá cao. Những năm qua, bà Thú cùng tập thể Chi bộ, tổ dân phố đoàn kết, nỗ lực triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng ủy, UBND phường giao. Với những đóng góp của mình, bà Thú được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp”.

Xác định phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng, bà Thú cùng với Mặt trận, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, tổ 4 chỉ còn 3 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Hơn 98% hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Ông Trương Quang Thiết-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 4-nhận xét: Trên cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố, bà Thú chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ mọi nhiệm vụ. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cùng sự đoàn kết đồng lòng quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, năm 2023, Chi bộ và tổ dân phố đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có thể bạn quan tâm

Ký ức khó quên những năm tháng làm chuyên gia ở Campuchia

Ký ức khó quên những năm tháng làm chuyên gia ở Campuchia

(GLO)- Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng những ngày gian khổ tham gia đoàn chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố chính quyền, hồi sinh đất nước đã trở thành ký ức khó quên trong tâm khảm ông Nguyễn Đăng Sơn (157 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku).
Người dân đang làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh Hà Duy

Tăng cường hợp tác để quản lý hiệu quả cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav

(GLO)- Công tác quản lý cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav thời gian qua đã đạt nhiều kết quả phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn niều vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên để công tác quản lý thuận lợi, tạo môi trường thông thoáng cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Thăm nơi Bác Hồ bị giam giữ tại Hồng Kông

Thăm nơi Bác Hồ bị giam giữ tại Hồng Kông

(GLO)- Chuyến du lịch của chúng tôi đến Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây đúng vào những ngày mưa gió tầm tã. Trong suốt lịch trình bận rộn của tour, tôi và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm bảo nhau hãy dành 1 ngày để tìm và thăm nơi đã giam giữ Bác Hồ trên đảo Hồng Kông cách đây gần 1 thế kỷ.