Căn nhà sàn gỗ nằm gần mặt đường chính vào buôn Sô Ma Lơng (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) vừa được ông Siu Á nới rộng phần bếp, giúp việc nấu nướng của gia đình thuận tiện hơn. Cạnh nhà là nơi sinh hoạt tôn giáo của gần 300 tín đồ Tin lành Việt Nam (miền Nam) do ông làm trưởng điểm nhóm. Ấy vậy mà có một thời gian dài, bản thân ông Á đã tin lời kẻ xấu nhồi nhét vào đầu tư tưởng “không phải làm việc vất vả mà vẫn có cái ăn, cái mặc, cuộc sống sung sướng”. Vì thế, ông đã từng bỏ bê vườn rẫy, thậm chí từ bỏ tôn giáo đang sinh hoạt để tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”. Mãi rồi ông nhận ra đó chỉ là những lời lừa bịp.
Hiểu rõ những luận điệu phi lý của kẻ xấu, ông từ bỏ “Tin lành Đê ga” và vận động nhiều người từng lầm lỡ trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận. Trong quá trình sinh hoạt, ngoài việc truyền giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, ông còn vận động bà con chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Siu Đương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Yeng-phấn khởi nói: “Trước đây, Ia Yeng từng là “điểm nóng” về an ninh trật tự khi hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” len lỏi khắp các buôn làng. Đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng FULRO lưu vong đã sử dụng chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin tham gia hoạt động “Tin lành Đê ga” với hình thức núp bóng tu tại gia, lén lút nhóm họp nhằm phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh trật tự. Nghiêm trọng hơn, các năm 2001, 2004, nhiều người bị FULRO lưu vong kích động, xúi giục tham gia hoạt động biểu tình, bạo loạn.
Đến giữa năm 2023, Ia Yeng vẫn còn 11 hộ (67 khẩu) hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” thuộc diện quản lý. Nhưng giờ đây, câu chuyện này đang dần trở thành quá khứ khi Ia Yeng là xã đầu tiên trong tỉnh xóa bỏ hoàn toàn cái gọi là “Tin lành Đê ga” trên địa bàn”.
Kể về hành trình gian nan trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tiến tới việc xóa bỏ “Tin lành Đê ga”, ông Đương cho biết: Thời gian đầu khi tổ công tác của xã tổ chức tuyên truyền, vận động, một số hộ thuộc thành phần cốt cán tỏ ra bất hợp tác, đóng cửa không tiếp hoặc tránh mặt.
Cũng theo ông Đương, vấn đề quan trọng là thành viên tổ công tác và đối tượng tuyên truyền phải phù hợp lứa tuổi thì mới có thể gần gũi, chia sẻ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, từ câu chuyện bên bếp lửa cho đến việc nương rẫy rồi mới từng bước tác động tư tưởng, nhận thức, tiến tới giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti.
Bà con cũng dần hiểu chuyện, từ bỏ hành vi sai trái, tự nguyện trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Đơn cử trường hợp ông Ksor Khíu ban đầu công khai chống đối, lén lút nhóm họp “Tin lành Đê ga” thì nay đã từ bỏ hành vi sai trái, trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.
Còn ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake thì thông tin: Giữa năm 2023, qua rà soát trên địa bàn xã có 87 hộ (380 khẩu) nghe theo kẻ xấu nhóm họp “Tin lành Đê ga” dưới hình thức tu tại gia. Từ khi triển khai mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” đến nay, Ban Chỉ đạo của xã đã vận động được 51 hộ (240 khẩu) tự nguyện từ bỏ “Tin lành Đê ga” để quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.
Chủ tịch UBND xã Ia Ake cho rằng, để xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê ga”, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Công an các cấp thì cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, chức sắc, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn, đặc biệt là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư và người thân trong gia đình, dòng họ của các đối tượng này.
Khởi điểm mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” ra đời tại địa bàn huyện Phú Thiện, sau đó là các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Đak Đoa và đang được mở rộng triển khai trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-cho biết: Trước khi triển khai mô hình, địa phương có 312 hộ (1.299 khẩu) tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đến nay, huyện đã vận động được 114 hộ (499 khẩu) tự nguyện quay về sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Đáng chú ý, việc các đối tượng tự nguyện từ bỏ “Tin lành Đê ga” đã góp phần xóa bỏ tư tưởng chống đối, âm mưu, ý đồ tái hoạt động FULRO, giúp địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động.
Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-trao đổi về kết quả thực hiện mô hình "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng". Clip: V.H - M.N |
Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga” trên địa bàn, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21-8-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng”. Qua đó, hệ thống chính trị từ huyện đến các thôn, làng cùng đánh giá về hiệu quả các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nêu quan điểm: “Tuyên truyền thuyết phục chính là bài học kinh nghiệm được đúc kết qua quá trình triển khai thực hiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở phải thật gần gũi, giúp đỡ, chia sẻ để họ tự cảm nhận và thay đổi, kể cả đối tượng đang quản lý và người thân, họ hàng của họ. Trên tinh thần không đối đầu, đối kháng bởi họ là công dân của mình, ở thời điểm nào đó nhận thức chưa đúng, bị các đối tượng bên ngoài kích động, dụ dỗ lôi kéo nên lầm đường lạc lối thì mình phải gần gũi chia sẻ và định hướng giúp đỡ”.
Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Trưởng ban Chỉ đạo mô hình "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng" của huyện-trao đổi về một số giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Clip: V.H - M.N |
Ông Thảo nêu minh chứng cụ thể: Một đối tượng lầm lỡ bị cháy nhà, mất hết tài sản, huyện đứng ra vận động kinh phí, xã hỗ trợ vật liệu, người dân ủng hộ ngày công xây nhà. Chúng tôi luôn coi những người lầm lỡ trở về như những công dân bình thường, đối xử công bằng, khách quan. Chính vì thế, họ sẽ tự thấy được chính quyền, cộng đồng không phân biệt đối xử, kỳ thị và nhận ra ai hỗ trợ, giúp đỡ mình, ai hứa suông. Từ đó, không những họ tự nguyện từ bỏ “Tin lành Đê ga” mà còn vận động người thân, họ hàng và các đối tượng khác không tiếp tục hành vi sai trái.