Chình hoa là đối tượng nuôi rất có giá trị kinh tế, giàu dinh dưỡng, thịt thơm ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, có tiềm năng xuất khẩu. Tỉnh Phú Yên là một trong số ít địa phương trên cả nước có điều kiện khí hậu, nguồn nước rất thuận lợi cho nghề nuôi cá chình...
Tỉnh Phú Yên cũng có nguồn cá chình bột trắng tự nhiên rất lớn, tạo điều kiện cho nghề nuôi cá chình phát triển với các hình thức nuôi đa dạng, phù hợp với chủ trương phát triển thủy sản, đa dạng hóa đối tượng và mô hình nuôi, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập cho nông hộ ở vùng nông thôn trong tỉnh Phú Yên.
Những năm gần đây, các hộ dân trong tỉnh đã tiến hành ương dưỡng và nuôi thương phẩm cá chình ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế.
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do con giống được đánh bắt không đảm bảo chất lượng, việc ương dưỡng con giống cỡ nhỏ đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao mà không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện được.
Thêm vào đó, nếu nguồn nước nuôi cá chình bông không được xử lý đúng cách, chất lượng nước không phù hợp cho chình phát triển, thức ăn không đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng chình nuôi lâu lớn, dễ bị bệnh tật, tỷ lệ sống thấp.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhằm phát huy lợi thế nguồn giống chình tại địa phương, tạo công ăn việc làm, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã xây dựng mô hình nuôi chình hoa thương phẩm trong giai đoạn 2018-2021 với nhiều hình thức nuôi như nuôi trong lồng, bè trên hồ chứa mặt nước lớn, nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng có bùn, không bùn tại thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, huyện Tây Hòa, thành phố Tuy Hòa.
Bài viết này xin gửi đến quý cô, bác nông dân kỹ thuật nuôi chình thương phẩm trong bể với ưu điểm dễ chăm sóc, cho ăn, thay nước và phòng trị bệnh.
1. Lựa chọn địa điểm nuôi cá chình
Nguồn nước sạch, dồi dào, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Nhiệt độ của nước 26 – 30oC, hàm lượng oxy hòa tan 5 mg/l và độ pH 7,5 – 8,5.
2. Xây dựng bể nuôi cá chình
- Bể xi măng hoặc bể lót bạt có diện tích từ 10 m2 trở lên, hình chữ nhật hoặc hình tròn, bên trong láng nhẵn, sâu 1,2-1,5 m.
-Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m. Ống cấp nước cách mặt bể 50 cm để dễ thay nước trong quá trình nuôi.
-Để tránh tạp chất gây ô nhiễm bể nuôi, cần cho nước qua một bể lọc hoặc túi lọc nước trước khi cấp vào bể. Nên chuẩn bị một bể nhỏ khoảng 5 m2 để lựa chọn giống, phân cỡ, phòng trị bệnh.
-Nếu bể mới xây cần phải chà trơn láng, ngâm xả nước nhiều lần với chuối cây hoặc phèn chua. Đối với bể lót bạt cần cấp nước, chà rửa nhiều lần cho bay hết mùi nhựa.
-Trên bể có mái che, lưới để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn không cho ánh nắng rọi vào nhiều và để tránh cá thất thoát.
-Lắp đặt hệ thống cấp và thoát nước thích hợp để tạo dòng chảy nhẹ trong bể; ngoài ra cần phải lắp thêm hệ thống sục khí để cung cấp oxy cho chình.
h2 Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi chình thương phẩm trong bể tại Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
3. Chọn cá chình giống
Kích cỡ giống từ 100 g/con là tốt nhất để đưa vào nuôi thương phẩm, con giống phải đồng cỡ, không bị sây xát, bơi lội bình thường, phản ứng nhanh nhẹn. Mật độ nuôi 10 con/m2. Thao tác thả giống nhẹ nhàng để tránh gây sốc cho chình.
Cá chình hoa lúc mới thả giống |
4. Thức ăn của cá chình và cách cho cá chình ăn
Thức ăn là cá tạp, cá biển, trùn quế cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Cho ăn ngày 1-2 lần, chủ yếu vào ban đêm, lượng thức ăn bằng 5% trọng lượng chình nuôi. Thức ăn được xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ vừa cỡ miệng cá. Ngoài ra người nuôi có thể mua thức ăn bột chuyên dùng để cho chình ăn. Thức ăn được cho vào nhá để dễ quản lý thức ăn dư thừa.
5. Cách chăm sóc cá chình và quản lý
Duy trì các yếu tố môi trường nước trong khoảng thích hợp để cá sinh trưởng tốt: pH từ 7,5 - 8,5; nhiệt độ 26-30oC; DO >5 mg/L, mực nước trong bể từ 80-100 cm, cá càng lớn mực nước duy trì càng sâu hơn.
Không gian phải yên tĩnh: hạn chế tối đa sự tác động của tiếng ồn, ánh sáng, các chấn động khác, khi cho cá ăn phải yên tĩnh, hạn chế nhiều người vào xem gây tiếng động, ánh sáng làm cho cá sợ mà bỏ ăn. Vớt thức ăn dư thừa sau khi cho ăn khoảng 30 phút. Cân lượng thức ăn thừa để tính lượng thức ăn cá sử dụng và điều chỉnh lượng thức ăn cho lần tiếp theo.
Hàng ngày, sau khi cho ăn 2 giờ tiến hành hút chất bẩn ra ngoài. Dùng ống siphon hoặc vợt lưới mắt dày để vớt các chất bẩn. Dùng bàn chải để chà thành và đáy bể cho sạch các vết bẩn.
Thay nước bể nuôi cá chình
Mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong bể nuôi. Khi thay nước phải sử dụng biện pháp vừa cấp vừa thoát nước, thao tác hết sức nhẹ nhàng cẩn thận, tránh cho cá bị sốc, không thay nước lúc mới cho ăn ăn xong vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của cá.
Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và nhanh lớn. Trước khi phân cỡ cho cá nhịn ăn 1 ngày, để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng, dùng vợt lưới mềm bắt cá.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi chình thương phẩm trong bể tại Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên |
6. Thu hoạch cá chình
Cá chình hoa nuôi khoảng 12 tháng sẽ đạt kích cỡ từ 0,8-1 kg/con, nuôi 18-24 tháng có thể đạt 1,6-2 kg/con, lúc này tùy vào nhu cầu thị trường và giá cả ta tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch để cá nhịn ăn một ngày, cá được nhốt trong bể nước sạch có sục khí để cho cá khỏe, chịu đựng được mật độ cao, thuận tiện cho việc vận chuyển sống đến thị trường tiêu thụ.
https://danviet.vn/nuoi-ca-chinh-bong-day-dac-o-phu-yen-nhieu-nguoi-keo-den-xem-hoc-ky-thuat-nuoi-ca-chinh-20220523122731881.htm
Theo Đào Mai Quốc Việt (Cổng TTĐT TTKN tỉnh Phú Yên/Dân Việt)