Nông dân Phú Thiện trúng mùa khoai lang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch khoai lang. So với năm ngoái, vụ khoai lang năm nay được mùa, được giá, nông dân thu lời bình quân trên 130 triệu đồng/ha.

anh-truong-van-son-bia-trai-thon-thang-loi-2-xa-ia-sol-giam-sat-nhan-cong-thu-hoach-dien-tich-khoai-lang-cua-gia-dinh-anh-vu-chi.jpg
Anh Trương Văn Sơn (bìa trái, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) giám sát nhân công thu hoạch diện tích khoai lang của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Giá khoai lang liên tục tăng

Mặt trời gần xuống núi nhưng không khí thu hoạch khoai lang vẫn tất bật trên cánh đồng xã Ia Sol. Tiếng máy cày nổ giòn, tiếng trò chuyện rôm rả. Ai cũng vui mừng vì vụ khoai lang Đông Xuân năm nay thắng lợi.

Nhanh tay cân những bịch khoai lang đã phân loại sẵn, anh Trương Văn Sơn (thôn Thắng Lợi 2) hồ hởi cho hay: 5 năm kinh nghiệm trồng khoai lang Nhật Bản, lời có, lỗ có nhưng giống như cái nghề đã vận vào người nên vợ chồng anh vẫn gắn bó với loại cây trồng này.

Vụ Đông Xuân 2024-2025, anh xuống giống 1,5 ha khoai lang. Nhờ làm đất kỹ và sử dụng hệ thống tưới phun mưa nên cây khoai lang sinh trưởng, phát triển tốt, củ to, đều, năng suất đạt 25 tấn/ha.

“Với giá bán 11.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha, vụ này anh lời trên 250 triệu đồng. So với vụ khoai lang thất bát năm ngoái thì lợi nhuận năm nay khiến người trồng khoai chúng tôi rất phấn khởi, không chỉ trả hết nợ năm cũ mà còn dư để tái sản xuất vụ sau”-anh Sơn chia sẻ.

ong-do-van-truong-to-dan-pho-6-thi-tran-phu-thien-phan-khoi-vi-dien-tich-khoai-lang-cua-gia-dinh-dat-nang-suat-va-ban-duoc-gia-cao-anh-vu-chi.jpg
Ông Đỗ Văn Trương (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Thiện) phấn khởi vì diện tích khoai lang của gia đình đạt năng suất và bán được giá cao. Ảnh: Vũ Chi

Niềm vui trúng mùa cũng đến với ông Đỗ Văn Trương (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Thiện) khi 1 ha khoai lang của nhà ông thu hoạch đúng thời điểm giá khoai lang đạt đỉnh.

Theo ông Trương, thời điểm đầu vụ, giá khoai lang chỉ ở mức 6.000-7.000 đồng/kg khiến nhiều hộ dân lo lắng bán sớm cho thương lái 15 triệu đồng/sào. Tuy nhiên sau đó, giá khoai lang liên tục tăng, hiện chạm mốc 12.000 đồng/kg. Một số diện tích đất mới, chăm sóc tốt, khoai để già ngày, năng suất đạt tới 35 tấn/ha, bán với giá 40 triệu đồng/sào, mang lại lợi nhuận “khủng” cho nông dân.

Riêng 1 ha khoai lang của gia đình, ông Trương dự ước năng suất đạt bình quân 25 tấn/ha, thương lái thu mua tận ruộng với giá 12.000 đồng/kg. Do không mất chi phí thuê đất nên vụ này gia đình ước thu lời 180 triệu đồng.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khoai, ông Trương cho hay, với cây khoai lang, nguồn nước đóng vai trò quan trọng, quyết định năng suất. Tuy nhiên, do cánh đồng Hải Hà (xã Ia Sol) quá rộng nên người dân gặp rất nhiều khó khăn khi lấy nước từ kênh chính Ayun Hạ cho diện tích đất canh tác, vì vậy chi phí đầu tư tăng cao. Thời gian tới, bà con mong muốn Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng, tu bổ các mương nước nhỏ, dẫn nước trực tiếp vào đồng ruộng giúp người dân thuận lợi hơn trong canh tác các loại cây trồng.

z6433075488676-f2d5aae53ecc8b2cd6654ae833ea79e3.jpg
Không khí thu hoạch khoai lang tất bật trên cánh đồng xã Ia Sol. Ảnh: Vũ Chi

Hướng đi mới triển vọng

Hiện tại, nông dân huyện Phú Thiện thu lợi nhuận cao từ cây khoai lang song đầu ra của khoai lang vẫn chưa ổn định, giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái. Xuất phát từ câu chuyện “giải cứu” khoai lang đầu năm 2024, anh Nguyễn Đỗ Hải-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhật Minh (xã Chư A Thai) đã bắt tay chế biến sản phẩm khoai lang sấy dẻo. Anh Hải cho hay: Lợi thế lớn nhất khi chế biến sản phẩm khoai lang sấy dẻo là nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng khoai lang Nhật Bản tại địa phương thơm, ngon. Người trồng khoai lang đang chuyển dần sang hướng canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP nên đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cuối năm 2024, anh Hải đã cho ra mắt sản phẩm khoai lang sấy dẻo Nhật Minh. Hiện anh đang gấp rút hoàn thành hồ sơ sản phẩm để tham gia chương trình OCOP năm 2025.

anh-nguyen-do-hai-giam-doc-hop-tac-xa-htx-nong-nghiep-nhat-minh-gioi-thieu-san-pham-khoai-lang-say-deo-anh-vu-chi.jpg
Anh Nguyễn Đỗ Hải-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhật Minh giới thiệu sản phẩm khoai lang sấy dẻo. Ảnh: Vũ Chi

“Trung bình 3 kg khoai lang tươi sẽ chế biến được 1 kg khoai lang sấy dẻo. Với giá 55-60 nghìn đồng/kg, từ đầu năm đến nay, HTX xuất ra thị trường gần 3 tạ thành phẩm. Thông qua chương trình OCOP, tôi hy vọng sẽ quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương”-anh Hải kỳ vọng.

HTX Nông nghiệp Nhật Minh cũng là 1 trong 2 HTX trong huyện triển khai mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên theo giá thị trường. Nhờ vậy, bà con yên tâm canh tác, tránh bị thương lái ép giá.

Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện trồng 1.517 ha khoai lang Nhật Bản, bằng 1/2 so với năm ngoái. Diện tích giảm sâu, cung không đủ cầu nên đã đẩy giá thu mua tăng vọt. Người trồng khoai lang “trúng đậm”, thu lời lớn, bình quân từ 130-150 triệu đồng/ha.

Clip: Vũ Chi

Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, những năm gần đây, Phòng tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng tạo điều kiện cho khoai lang của huyện có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Từ nguồn vốn chương trình khởi sự kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2024, Phòng hỗ trợ HTX Nhật Minh triển khai mô hình khoai lang sấy dẻo. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới triển vọng, từng bước gỡ khó bài toán đầu ra cho sản phẩm khoai lang địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Ảnh: V.T

Sôi động thị trường bán lẻ trong dịp lễ

(GLO)- Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài tới 5 ngày, là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm và cũng được xem là cơ hội lớn kích cầu tiêu dùng. Từ các cửa hàng đến siêu thị, không khí mua sắm khá nhộn nhịp với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu.

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

(GLO)- Sự kiện Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng chanh dây không chỉ mở ra cơ hội lớn cho nông sản của Gia Lai thâm nhập thị trường tỷ dân mà còn trao cho ngành hàng này “vé thông hành” để bước vào thị trường lớn.