Thời điểm này, người trồng khoai lang tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đang bước vào vụ thu hoạch. So với mọi năm, diện tích khoai lang năm nay của các địa phương đều tăng đột biến. Riêng “thủ phủ” khoai lang Phú Thiện có 3.400 ha, tăng khoảng 2.200 ha so với năm trước. Diện tích tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính kéo giá khoai lang vụ này rớt thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg, khiến không ít hộ dân lỗ nặng. Không những vậy, hàng trăm hộ dân trồng khoai đang đau đầu bởi sùng gây hại trên diện rộng. Nhiều ruộng khoai lang đang phát triển tốt, cho củ to, đạt tiêu chuẩn nhưng lại bị nhiễm bệnh khiến người dân không bán được, thậm chí vứt bỏ ngay trên đồng.
Năm trước, nhờ giá tăng mạnh nên 8 ha khoai lang của gia đình ông Tạ Văn Vị (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng. Năm nay, ông Vị quyết “chơi lớn” khi bỏ ra 240 triệu đồng thuê hơn 8 ha đất của người dân tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) để mở rộng diện tích trồng khoai lang.
Mặc dù cũng đầu tư chăm sóc, phun thuốc phòng ngừa bệnh hại như mọi năm nhưng ruộng khoai lang của gia đình ông Trần Văn Tới (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) bị nhiễm sùng khá nhiều. Ông Tới buồn rầu cho biết: “Có thể do năm nay nắng hạn kéo dài, tạo điều kiện để sùng sinh sôi, phát triển trên diện rộng. Cũng có thể do mầm bệnh tích tụ sẵn trong đất hoặc giống khoai lang mua từ tỉnh Lâm Đồng bị nhiễm bệnh. 4 ha khoai lang của gia đình có hơn một nửa bị sùng. Nhiều ruộng khoai lang của người dân trong thôn còn bị nhiễm nặng toàn bộ, không thể thu hoạch, phải vứt bỏ ngoài đồng”.
Tương tự, ông Phan Văn Chiến (làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) có 7 ha khoai lang bị sùng gây hại. Theo ông Chiến, khoảng 3 tháng đầu sau khi xuống giống, khoai lang vẫn phát triển rất tốt, nhưng chỉ ít ngày sau đó, bọ sùng tấn công làm củ bị thâm đen, thối. Khi đó, ông và người dân xung quanh buộc phải thu hoạch sớm để tránh bệnh lây lan trên diện rộng, nếu không xem như mất trắng. “Phần lớn người dân nơi đây đều có kinh nghiệm trồng khoai lang trong nhiều năm. Đặc biệt, người dân rất chú trọng khâu cải tạo đất trước khi trồng nhưng không hiểu sao sùng vẫn tấn công. Nguyên nhân có thể do thời tiết tại huyện Phú Thiện thời gian qua nắng nóng, cộng với việc tưới nước không đều làm sùng sinh sôi, nảy nở”-ông Chiến chia sẻ.
Còn ông Phạm Tiến Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol thì thông tin: Vụ này, toàn xã có khoảng 700 ha khoai lang, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Trong đó, 80% diện tích bị sùng gây gại với mức độ khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh sùng bùng phát trên địa bàn như do cách chăm sóc, khí hậu nắng nóng kéo dài, cải tạo đất chưa tốt hoặc sử dụng giống khoai lang không đảm bảo, mang sẵn mầm bệnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol, xã đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích khoai lang; phải sử dụng giống rõ nguồn gốc hay cần xử lý kỹ đất trước khi trồng. Bên cạnh đó, người dân cần liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để bao tiêu, ổn định đầu ra sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn trồng tự phát, ồ ạt mở rộng diện tích. Hậu quả là nhiều ruộng khoai bị bệnh sùng gây hại, trong khi giá thì giảm mạnh khiến nông dân lỗ nặng.
Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sùng bùng phát là do giá khoai lang năm nay giảm thấp, dẫn đến nhiều hộ bỏ bê không đầu tư chăm sóc, phòng trừ bệnh hại. Với giá khoai lang hiện tại là 3.500 đồng/kg thì thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nhất là đối với những hộ thuê đất để trồng thì càng lỗ nặng. Đây là bài học đắt giá đối với người trồng khoai lang do ồ ạt mở rộng diện tích, khiến cung vượt cầu.
Khoai lang là cây trồng mới du nhập vào địa bàn huyện Ia Pa khoảng 2 năm nay. Phần lớn diện tích khoai lang trên địa bàn huyện là do người dân ở Phú Thiện đến thuê đất trồng. Năm ngoái, giá khoai lang tăng cao, người trồng trúng lớn. Vì vậy, năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng bắt đầu chuyển sang trồng khoai lang với diện tích khoảng 324 ha, tăng gần gấp 3 lần so với vụ trước. Cũng do sử dụng nguồn giống không đảm bảo nên một số diện tích khoai lang bị sùng gây hại, nhất là đối với những diện tích thu hoạch muộn.
Trước tình hình bệnh sùng trên cây khoai lang đang lây lan trên diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản đề nghị phòng nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn và địa phương khẩn trương tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp để phòng trừ bệnh. Mặt khác, khuyến cáo người dân chuyển đổi những diện tích bị nhiễm bệnh nặng sang trồng các loại cây khác như lúa, rau màu ít nhất 1 vụ để cắt đứt trứng, ấu trùng trước khi trồng khoai lang trở lại.
Trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa-Trưởng bộ môn Hệ thống (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) chỉ rõ: Bệnh sùng trên cây khoai lang do 1 loại sâu hại gây nên. Cụ thể, con sùng tấn công vào củ khoai lang, nhất là giai đoạn củ phát triển cho đến khi thu hoạch. Bệnh sùng thường có sẵn nguồn ở trong đất nên khi canh tác trên diện rộng, tạo nguồn thức ăn lớn thì sẽ lây lan rất nhanh.
Để phòng trừ bệnh sùng, người dân cần xử lý đất thật kỹ trước khi xuống giống bằng cách phơi khô đất để các sâu bệnh bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, trong quá trình cày xới đất, cần rải thuốc điều trị để xử lý nguồn bệnh trong đất. Trong trường hợp người dân trồng khoai lang rồi mới phát hiện bệnh sùng thì vẫn có thể dùng thuốc điều trị dứt điểm khi củ khoai còn nhỏ. Còn nếu để củ khoai lớn mới dùng thuốc sẽ rất khó xử lý.
“Để tiêu diệt tận gốc bệnh sùng trong đất thì người dân cần luân canh sang các cây trồng khác như đậu, bắp… trước khi trồng lại khoai lang. Vì hiện nay chưa có giống khoai lang nào kháng được bệnh sùng xâm nhập vào củ nên quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất bằng cách phơi khô đất, cải tạo lại đất thật kỹ trước khi trồng”-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa khuyến cáo.