
Không đơn độc trên hành trình gìn giữ và lan tỏa mạch nguồn văn hóa, những người trẻ hôm nay luôn có sự đồng hành bền bỉ từ cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn - Hội. Nhờ đó, họ tự tin viết tiếp câu chuyện về bảo tồn và lan tỏa mạch nguồn văn hóa trên hành trình hội nhập.
Tia nắng cuối ngày chiếu lên những sợi chỉ xanh đỏ trên khung cửi đặt trong Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) càng làm khung cảnh trở nên lung linh, đầy màu sắc. Trở về sau 1 ngày lên lớp cùng con trẻ ở Trường mầm non Họa Mi, cô giáo trẻ Rơ Lan Han nhanh chóng ngồi vào khung cửi. Dưới bàn tay khéo léo của Han, những hoa văn đặc sắc như: nhà rông, mặt trời, cồng chiêng… hiện lên sinh động trên từng tấm thổ cẩm.
Điều đặc biệt ở cô giáo trẻ Rơ Lan Han đó là sự mạnh dạn và không ngừng sáng tạo. Han đã cách tân thổ cẩm Jrai thành áo dài, váy cưới, ba lô, túi xách, ví cầm tay, khăn quàng cổ-những sản phẩm vừa giữ nét truyền thống, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại. Nhờ đó, thổ cẩm làng Phung không còn bó hẹp trong buôn làng, mà dần bước ra thị trường rộng lớn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong CLB. Bà Pyưi-nghệ nhân dệt thổ cẩm ở làng Phung phấn khởi chia sẻ: “Nhiều người trẻ ở làng Phung rời làng đi học, đi làm, chẳng mấy ai còn giữ thói quen ngồi bên khung cửi. Nhưng Han thì khác, nó quay về, dệt giỏi, giữ lửa nghề truyền thống của dân tộc. Han là nghệ nhân trẻ nhất tại CLB, mình và mọi người đều vui vì có thế hệ tiếp nối nghề dệt truyền thống của dân tộc”.
Bằng tài năng và tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, Han đã được nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) lựa chọn để hỗ trợ trang phục trong Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào cuối tháng 10-2023. Những tấm thổ cẩm Jrai được thêu dệt tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo của Han cùng các nghệ nhân làng Phung xuất hiện và tỏa sáng trên sàn diễn, dưới ánh đèn sân khấu của sự kiện. Han còn là người hỗ trợ trang phục cho MC tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023.
Những năm gần đây, nhờ sự kết nối của tổ chức Đoàn cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, CLB đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Với sự nhiệt tình và hiểu biết về nghề dệt, chị Han giới thiệu tỉ mỉ từng họa tiết, công đoạn dệt và kể những câu chuyện thú vị ẩn sau mỗi sản phẩm thổ cẩm. Tài năng và tâm huyết của cô giáo trẻ đã truyền cảm hứng cho lớp trẻ ở làng Phung. “Hiện có 3 bạn trẻ trong làng bắt đầu theo học nghề dệt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mình tin tình yêu văn hóa dân tộc sẽ thôi thúc các bạn trẻ cố gắng để giữ gìn nghề truyền thống”-chị Han chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng.
Trong khi đó, tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), nhiều bạn trẻ đang chung tay khai thác giá trị văn hóa bản địa qua mô hình Làng du lịch cộng đồng. Mô hình do chị H’Uyên Niê- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập và đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Quản lý. Cùng cộng đồng, chị H’Uyên Niê đã giới thiệu đến du khách những nét đẹp mộc mạc trong đời sống thường nhật của đồng bào như: giã gạo, dệt vải, đan gùi, tạc tượng... Theo chia sẻ của chị H’Uyên Niê, cùng với sự phát triển của làng du lịch, nhiều người dân địa phương, trong đó có thanh niên đã tìm thấy cơ hội gắn bó với quê hương.
Từ khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng, chị Rơ Châm Thừa (làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) luôn tràn đầy háo hức. Với đôi tay khéo léo cùng năng khiếu dệt thổ cẩm truyền thống, chị Thừa nhanh chóng trở thành thành viên tích cực trong các chương trình biểu diễn phục vụ du khách. Dưới sự hướng dẫn tận tình của chị H’Uyên Niê, cùng tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát và khả năng giao tiếp tốt, chị Thừa trở thành gương mặt quen thuộc trong các buổi đón khách. Mỗi khi có du khách đến tham quan, trải nghiệm, các thành viên tham gia mô hình sẽ được nhận từ 120-150 ngàn đồng/ngày.
Nhờ sự hỗ trợ và đồng hành của các cấp, các ngành, tổ chức Đoàn-Hội, văn hóa truyền thống của các cộng đồng bản địa không chỉ dừng lại trong phạm vi buôn làng mà đã vươn xa. Ở tuổi 20, anh Puih Bơn (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) đã vinh dự cùng đoàn nghệ nhân của tỉnh tham gia biểu diễn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đến tuổi 30, anh tiếp tục cùng 13 nghệ nhân Jrai khác tham dự Lễ hội Âm thanh thế giới Jeonju 2023 tại Hàn Quốc (Festival Sori Quốc tế Jeonju).
Tại sự kiện, đoàn nghệ nhân của tỉnh đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế nhiều tiết mục đặc sắc trong văn hóa truyền thống, như: Bài chiêng “Lời chào đoàn kết”, hòa tấu ting ning và kơ ní “Chào buổi sáng”; độc tấu sáo “Đêm trăng tròn”, dân ca Jrai “Chàng trai dũng cảm”, hát đồng dao “Rước nước về làng”… Với anh đó là một trải nghiệm tuyệt vời, khó quên. “Chuyến đi Hàn Quốc giúp tôi học hỏi được rất nhiều. Tôi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, nhạc cụ của nhiều quốc gia. Tôi và các nghệ nhân cũng có dịp giới thiệu văn hóa đặc sắc của dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Chúng tôi rất vui và hãnh diện vì sau mỗi tiết mục biểu diễn đều nhận về những tràng vỗ tay vang dội”-anh Bơn bày tỏ.
Đam mê nhạc cụ truyền thống từ thuở nhỏ nhưng mãi đến năm 17 tuổi, niềm đam mê của anh Bơn mới thực sự được khơi dậy nhờ sự truyền dạy của các nghệ nhân. “Tôi may mắn gặp thầy Siu Thưm và qua thầy, tôi biết đến nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Hai thầy đã tận tình hướng dẫn, giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng chế tác nhạc cụ và kỹ thuật biểu diễn”-anh Bơn bộc bạch.
Hiện tại, anh Bơn có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ như: đàn goong, t’rưng, k’lông pút, sáo nứa, chuông gió... Có lẽ, không gì hạnh phúc hơn việc được sống trọn vẹn với đam mê và đam mê ấy lại trở thành nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, anh Bơn luôn nỗ lực học hỏi để chế tác những nhạc cụ không chỉ đạt độ chuẩn xác về âm thanh mà còn đẹp mắt; đồng thời kiên trì rèn luyện kỹ năng để mỗi khi có cơ hội, có thể giới thiệu và quảng bá nét đẹp của văn hóa truyền thống đến với cộng đồng.
Còn anh Đinh Văn Yên (SN 1994, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) hiện là 1 trong 8 “đại sứ văn hóa” tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sau hơn 1 năm gắn bó với cộng đồng tại đây, anh Yên đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện “sứ mệnh” kết nối, giao lưu văn hóa và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Chia sẻ về quyết định rời làng ra sinh sống tại Đồng Mô, anh Yên trải lòng: “Mình luôn tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc! Mình muốn giới thiệu những nét đẹp của dân tộc Bahnar đến với du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian sống ở đây, mình cũng muốn tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em”. Mỗi khi có du khách đến thăm, tất cả mọi người đều trở thành những hướng dẫn viên, vừa giới thiệu về văn hóa dân tộc, vừa trực tiếp biểu diễn cồng chiêng, đan lát, làm bánh truyền thống và nhiều hoạt động đặc sắc khác.
Ông Nguyễn Hồng Thái-Phó Giám đốc Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Hiện có 16 dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch, tỉnh Gia Lai có 2 dân tộc Jrai và Bahnar. Mỗi năm, làng thu hút hơn 500.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa. Sự hiện diện và hoạt động tích cực của cộng đồng Bahnar ở tỉnh Gia Lai đã góp phần làm phong phú bản sắc ở làng văn hóa. Mỗi người dân đến sinh sống ở đây đều có niềm đam mê văn hóa truyền thống, biết chơi nhạc cụ và biết cách giới thiệu văn hóa của người Bahnar rất hay, rất hấp dẫn”.
Gìn giữ và phát huy truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của mỗi người song trong bối cảnh xã hội phát triển thì công việc này gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay, tiếp sức. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Khoa học và Thông tin TP. Pleiku-cho hay: Thành phố có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, thành phố duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa-Du lịch với các chuỗi hoạt động; trong đó có các cuộc thi đan lát, thổ cẩm truyền thống và cả trình diễn cồng chiêng… nhằm tạo sân chơi gắn kết cộng đồng và tiếp lửa cho thế hệ trẻ, đồng thời giúp người dân thành phố và du khách hiểu thêm về các truyền thống, tập quán, lễ hội của các dân tộc.

Hơn ai hết, chính thế hệ trẻ là mạch nguồn tiếp nối, giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Với lòng tự hào dân tộc và ý thức sâu sắc, họ biến việc bảo tồn văn hóa thành trách nhiệm và niềm vinh dự. “Là những người con sinh ra từ làng, nếu mình không chủ động gìn giữ, ai sẽ làm thay? Hơn ai hết, mỗi người trẻ phải là một “đại sứ” mang nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến gần hơn với cộng đồng, để truyền thống ấy không bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại. Không cần điều gì lớn lao, chỉ cần từ việc nhỏ như tham gia đội cồng chiêng, đội xoang đến việc chia sẻ hình ảnh của buôn làng lên mạng xã hội-tất cả đều là cách để chúng tôi tiếp nối ngọn lửa văn hóa mà cha ông đã để lại”-chị Han-thành viên CLB Dệt thổ cẩm làng Phung bày tỏ.
Chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai-khẳng định: Giữ nghề, giữ chiêng, giữ lửa văn hóa giữa nhịp sống hiện đại không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ trẻ hôm nay. Chúng tôi không dừng lại ở những sân chơi hay cuộc thi định kỳ, mà đã chủ động đưa việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trở thành một chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm. Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành những “đại sứ” văn hóa nơi buôn làng. Dẫu còn không ít thách thức phía trước, nhưng chỉ cần nhịp chiêng còn vang vọng, lời sử thi còn ngân nga, vòng xoang còn rộn ràng thì hành trình giữ gìn bản sắc ấy sẽ mãi cháy sáng trong trái tim tuổi trẻ Gia Lai.

