

Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.
Định kỳ 2 năm/lần, Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai đều tổ chức Liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc dành cho thanh thiếu nhi. Liên hoan nhằm giúp thế hệ trẻ chạm vào cội nguồn văn hóa của dân tộc mình bằng những cuộc thi tài, giao lưu và thực hành nghi lễ truyền thống.
Liên hoan gần nhất là năm 2023 được tổ chức thành 3 cụm với 17 đội tham gia. Các đội thi ở các nội dung: Diễn tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca và trình diễn cồng chiêng. Đội thi do anh Rmah Mich-đoàn viên làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) dẫn dắt đã xuất sắc giành giải A ở phần hát dân ca và trình diễn cồng chiêng và giải nhất toàn đoàn.
Anh Mich đã tạo ấn tượng mạnh với ban giám khảo và khán giả bởi sự tự tin và khả năng diễn tấu thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc. Nếu phần hòa tấu nhạc cụ dân tộc lôi cuốn người xem bởi những thanh âm đặc trưng của trống, chiêng, t’rưng, đàn goong…thì phần thi hát dân ca anh Mich lại chinh phục khán giả bằng lời ca mượt mà, sâu lắng của bài Rim Kông Alơng liem (Vang vọng núi rừng).
Mich kể: Tuổi thơ của mình gắn liền với âm vang của tiếng chiêng trong các lễ hội và nhà rông của làng, cùng những đêm dài ngồi bên bếp lửa nghe các bậc cao niên kể lại những sử thi. Khác với những bạn bè cùng trang lứa, mình không chỉ lắng nghe, mà còn miệt mài học hỏi và ghi nhớ từng giai điệu mộc mạc, cách đánh chiêng cũng như cách tạo ra những âm thanh vang vọng từ các loại đàn truyền thống. Sớm nhận ra năng khiếu đặc biệt của mình, các nghệ nhân trong làng Hek đã tận tâm truyền dạy nghề, từ cách chọn lựa từng ống nứa, kỹ thuật gọt giũa tỉ mỉ và phương pháp thẩm âm để tạo ra những nhạc cụ khắc họa sâu sắc văn hóa dân tộc Bahnar. Yêu âm nhạc truyền thống, mình được các cụ chỉ dạy cách sưu tầm các bài dân ca, các kỹ thuật hát cổ.
Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn tổ chức đã chắp cánh cho nhiều bạn trẻ, tiêu biểu có chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ). Đăng ký cuộc thi với dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên”, chị H’Dịu ấp ủ kỳ vọng khôi phục và phát triển làng nghề đan lát truyền thống thanh niên. Chị xây dựng mô hình khởi nghiệp hướng tới 3 nhóm đối tượng: thanh niên mong muốn khởi nghiệp tại quê hương; thanh niên chưa có việc làm; thanh niên khuyết tật chưa có định hướng phát triển kinh tế.
Chị H’Dịu cũng đưa ra những giải pháp cụ thể như: kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đào tạo nghề; quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tre, nứa để phục vụ hoạt động đan lát; xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, thực hiện mô hình trình diễn quá trình các nghệ nhân làm ra sản phẩm, kết hợp với du lịch sinh thái. Đồng thời, chị cũng chú trọng phát triển các sản phẩm mới như: đèn ngủ, giỏ hoa, giỏ trang trí...nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Ý tưởng dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên” của chị đã giành giải cao nhất trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Gia Lai” lần thứ VI năm 2022 và được vinh danh trong top 40 dự án xuất sắc tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là thành tích nổi bật của người trẻ dân tộc thiểu số ở vùng biên giới. “Thành tích ấy đã trở thành động lực để mình quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực”-H’Dịu kỳ vọng.
Từ “bệ phóng” các cuộc thi, liên hoan do Đoàn, Hội tổ chức, chị H’Dịu, anh Mich đã tự tin vượt qua giới hạn bản thân, từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình.
Trăn trở trước thực trạng nhiều người trẻ trong làng “mê điện thoại” hơn tiếng cồng, tiếng chiêng, anh Mich đã chủ động trao đổi với Chi đoàn làng Hek để đứng ra tập hợp thanh thiếu nhi trong làng thành lập đội cồng chiêng, đội xoang. “Nói thì dễ nhưng mất khá nhiều thời gian”-anh Mich cho hay. Anh đã tìm đến già làng, người uy tín trong làng nhờ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Sự kiên trì của anh được đền đáp, đội cồng chiêng và đội xoang hình thành với 30 thanh thiếu nhi tham gia. Sau đó, anh tiếp tục thành lập Đội cồng chiêng thanh thiếu nhi ở làng Pông với số lượng từ 25-35 thành viên và anh trực tiếp chỉ dạy.

Bên cạnh đó, anh còn chỉ dạy cách đánh chiêng, hòa tấu nhạc cụ miễn phí cho học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der. Các đội cồng chiêng tập luyện khá đều đặn vào dịp cuối tuần hoặc buổi tối, không chỉ học chơi nhạc cụ mà còn học cách yêu thương, tự hào về cội nguồn. Chàng trai Bahnar thế hệ 9X luôn cần mẫn tập luyện, say sưa hướng dẫn cho từng thành viên. Anh Đinh Mưng-thành viên đội cồng chiêng thanh thiếu nhi làng Hek cho hay: “Nhờ có anh Mich chỉ dạy tận tình, mình cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng loại nhạc cụ và tự hào về âm nhạc của dân tộc mình”.
Những người trẻ trong làng cũng tự tin khoác lên mình trang phục dân tộc để tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện và liên tiếp đạt thành tích cao tại các liên hoan văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. “Văn hóa là máu thịt, không thể tách rời”-đó là lời chia sẻ chứa đựng cả tâm huyết của Mich.

Với nỗ lực cùng sự tâm huyết, Rmah Mich là 1 trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Gia Lai được vinh danh tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc. Nhưng với anh, phần thưởng quý giá nhất chính là ánh mắt say mê của lũ trẻ khi gõ từng nhịp chiêng, là niềm tự hào khi âm thanh của dân tộc mình tiếp tục vang vọng khắp buôn làng.
Là người truyền dạy cho Mich cách làm nhạc cụ dân tộc và hát dân ca, già Đinh Nhueng (làng Hek) phấn khởi cho biết: “Mới 32 tuổi nhưng Mich đã được mọi người gọi là “nghệ nhân”. Bởi Mich đã chứng tỏ tài năng vượt trội trong việc chỉnh chiêng và chế tác thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như: đàn t’rưng, ting ning, đàn goong. Mich có tài lại tâm huyết nên dễ dàng vận động được tụi trẻ trong làng tham gia câu lạc bộ để học cách đánh chiêng. Có những người như Mich, lớp người già trong làng cũng yên tâm vì bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không bị mai một”.
Chị Ksor H’Mloan-Bí thư Huyện Đoàn Phú Thiện-chia sẻ: “Ở Mich không chỉ có tài năng thiên phú trong biểu diễn nhạc cụ và hát dân ca, mà còn có một tình yêu cháy bỏng với văn hóa dân tộc. Không chỉ khơi dậy đam mê, Mich còn là người bạn đồng hành kiên trì, dẫn dắt các bạn trẻ học hỏi, gắn bó với âm nhạc truyền thống để bản sắc văn hóa Bahnar không bị mai một. Với uy tín cùng tài năng của mình, Mich thực sự là điểm tựa, là cầu nối gắn kết đoàn viên, thanh niên”.

Nếu như Mich có năng khiếu từ nhỏ thì Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng Rơ Mah H’Dịu bắt đầu theo học nghề đan lát ở tuổi 29. Người thầy trực tiếp hướng dẫn chị là già Siu Hơng-một nghệ nhân đan lát tài ba ở làng Hrang (xã Ia Kriêng). “Ngày đầu cầm nan tre, mình lóng ngóng nên tay bị xước, chảy máu. Có già Hơng chỉ dạy tận tình, mình thả lỏng hơn và cũng ít bị thương hơn”-chị H’Dịu cười nói. Với quyết tâm giữ nghề truyền thống, chị H’Dịu còn khéo léo thu hút các bạn trẻ cùng tham gia học nghề.
Chị cũng đứng ra thu mua các sản phẩm đan lát của một số nghệ nhân trong làng để mang đi trưng bày và giới thiệu tại nhiều hội chợ, sự kiện văn hóa địa phương. Trung bình mỗi tháng, chị H’Dịu cung cấp từ 10-15 sản phẩm đan lát các loại ra thị trường, giá bán dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm vừa giúp tăng thu nhập cho người dân, vừa lan tỏa thói quen sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Già Hơng tâm sự: “Đan lát không phải dễ, phải kiên nhẫn chuốt từng sợi mây, sợi tre thì mới làm được cái gùi, cái nia chắc chắn. Người trẻ bây giờ ít ai còn mặn mà. Nhưng thấy cháu H’Dịu chịu khó, ham học hỏi, mình vui lắm, càng có thêm động lực để truyền lại nghề cho tụi nhỏ”.
Không dừng lại ở việc bán các sản phẩm thủ công, chị H’Dịu còn kiên trì “gieo mầm” yêu nghề cho thế hệ trẻ. Chị chủ động tổ chức các buổi trải nghiệm, kết nối các nghệ nhân để truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống cho hàng trăm đoàn viên, học sinh trong huyện; duy trì hoạt động các câu lạc bộ cồng chiêng, múa xoang, đàn t’rưng ở xã. “Mình mong đến năm 2026, sẽ có ít nhất 10 bạn trẻ gắn bó với nghề, vừa giữ lấy truyền thống, vừa có thể sống được bằng nghề”-lời nói thể hiện sự quyết tâm của nữ Bí thư Đoàn xã ở huyện vùng biên.
