Tháng 9-2024, đoàn làm phim của Công ty TNHH HDA Phim (Hội Điện ảnh Việt Nam) có buổi làm việc với UBND tỉnh và một số đơn vị liên quan để chuẩn bị bấm máy bộ phim “Lạc rừng” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Kịch bản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Tác phẩm ca ngợi sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ. Ý nghĩa lịch sử của bộ phim thể hiện rõ khi năm 2025 là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân-Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc sản xuất và Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Nhuệ Giang trong vai trò đạo diễn phim “Lạc rừng”. Công chúng yêu điện ảnh chắc chắn vẫn còn nhớ những bộ phim làm nên tên tuổi của cặp vợ chồng đạo diễn này.
Nếu đạo diễn Thanh Vân ghi dấu ấn sâu đậm với các tác phẩm: “Chuyện tình trong ngõ hẹp”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Đời cát”, “Người đàn bà mộng du”… thì đạo diễn Nhuệ Giang cũng khẳng định tài năng qua những bộ phim như: “Bỏ trốn”, “Thung lũng hoang vắng”, “Tâm hồn mẹ”…
Để chọn bối cảnh, đoàn làm phim đã tổ chức khảo sát tại một số địa điểm trong tỉnh, trong đó có thác Hang Én (thác K50, huyện Kbang) và làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, huyện Chư Păh).
Đây là 2 điểm đến đậm nét tự nhiên, nguyên sơ, truyền thống. Sau chuyến khảo sát, đạo diễn Nhuệ Giang kỳ vọng các cảnh quay đẹp tại những bối cảnh trên sẽ khiến khán giả thật sự rung cảm.
Không chờ đến khi được chuyên trang du lịch The Local Vietnam xếp vào vị trí thứ 2 trong top 10 thác nước đẹp nhất Việt Nam vào năm 2022, thác K50 trước đó đã chinh phục trái tim nhiều du khách mê loại hình du lịch trekking. Họ yêu những con đường len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh xanh thẳm, mong muốn được trở về giữa thiên nhiên hoang sơ và vô ưu.
Còn ngôi làng Kon Sơ Lăl (cũ) dù bị “lãng quên” khi hơn 20 năm người dân về nơi ở mới, song vẫn thu hút du khách mê phượt, mê vẻ đẹp đượm màu hoài niệm. Sắp tới, sau khi bộ phim “Lạc rừng” khởi chiếu, đây sẽ là điểm vào top tìm kiếm của du khách khi đến với vùng đất Bắc Tây Nguyên.
Nhằm hỗ trợ đoàn phim, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu UBND huyện Chư Păh phối hợp với Công ty TNHH HDA Phim chọn làng Kon Sơ Lăl (cũ) làm nơi ghi hình phim truyện điện ảnh “Lạc rừng”, đồng thời đề xuất các hạng mục để phục dựng và phát triển làng thành điểm du lịch trong thời gian tới.
Đây là cái “bắt tay” giữa điện ảnh và du lịch Gia Lai trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Những thước phim của “Lạc rừng” chắc chắn sẽ tạo “cú hích” để lịch sử, văn hóa, danh thắng của Gia Lai được biết đến nhiều hơn thông qua kết nối tour tuyến.
Nhìn sang tỉnh bạn Phú Yên, nhiều năm qua, tỉnh này đã khai thác rất tốt lợi thế du lịch nhờ điện ảnh. Năm 2015, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra rạp và làm nên hiện tượng phòng vé, lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng lên gấp 27 lần.
Tháng 11-2024, phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được công chiếu cũng với phần lớn cảnh quay ở Phú Yên đã khiến không ít du khách háo hức “xách ba lô lên và đi” trước khung cảnh làng quê yên bình, mộc mạc qua những góc quay giàu tính thẩm mỹ.
Trước đó, với thành công của bộ phim “Mắt biếc”, các điểm quay phim ở Thừa Thiên-Huế như cây vông đồng, phố cổ Bao Vinh... cũng đã trở thành những địa điểm được đông đảo giới trẻ tìm đến tham quan và chụp ảnh check-in.
Lượng khách đến với quần thể Di sản thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình) cũng tăng đột biến ngay sau khi phim bom tấn “Kong: Skull Island” của Hollywood ra mắt năm 2017 với những cảnh quay hành động ngay tại vùng đất di sản.
Du khách bỏ tiền sang du lịch Hàn Quốc, chắc hẳn có người đã từng mê mệt các bộ phim truyền hình xứ sở kim chi với các cảnh quay “đẹp nức nở” cùng những câu chuyện tình cực kỳ lãng mạn.
Điện ảnh là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đặt ra mục tiêu chủ yếu: “Doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP”. Trong đó, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Đối với Gia Lai, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2178/UBND-KGVX triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong đó, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Gia Lai, tập trung cho các công trình, dự án lớn, các hoạt động sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa, hình thành hệ thống thiết chế, không gian văn hóa-nghệ thuật...
Nói về lợi ích đem lại từ quan hệ hợp tác giữa du lịch và điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan-Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam từng chia sẻ:
Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, “đôi khi chúng ta quên mất rằng Việt Nam có rất nhiều điều kiện và sức mạnh tiềm ẩn trong việc dùng điện ảnh để phát triển, quảng bá du lịch”.
Liệu cái “bắt tay” giữa điện ảnh và du lịch có đủ chặt tại Gia Lai? Điện ảnh có giúp mở rộng cửa cho du lịch phát triển? Hy vọng những câu hỏi này không bị bỏ ngỏ.