Nông dân Chư Pưh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giai đoạn 2017-2022, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có 3.708 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 71,2% số hộ đăng ký. Trong đó, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương có 22 hộ, cấp tỉnh 348 hộ, cấp huyện 909 hộ và cấp xã 2.429 hộ.
Trước đây, cuộc sống của gia đình bà Nay H’Jui (làng Bê Tel, xã Ia Rong) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí, quyết tâm cùng sự giúp đỡ của Hội Nông dân (ND), bà H’Jui đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu. Bà cho biết: Năm 2013, khi chuyển sang trồng cây hồ tiêu, cuộc sống gia đình bà dần ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2017, 1.000 cây hồ tiêu bỗng dưng chết hàng loạt, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Không nản lòng, sau khi tham gia các lớp tập huấn do Hội ND huyện tổ chức, bà mạnh dạn chuyển sang nuôi dê sinh sản.
“Năm 2018, được Hội ND xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, mình đã đầu tư mua dê sinh sản để phát triển kinh tế. Từ 10 con dê ban đầu, đến nay, gia đình luôn duy trì trong chuồng hơn 20 con dê, mỗi lứa xuất bán 7-10 con với giá 130-150 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng 400 cây cà phê, 60 cây sầu siêng, 80 cây nhãn và 300 cây chuối. Sau khi trừ chi phí đầu tư, thu nhập bình quân của gia đình đạt gần 300 triệu đồng/năm”-bà H’Jui phấn khởi nói.
 Bà Nay H’Jui (làng Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Bà Nay H’Jui (làng Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Tương tự, sau khi thất bại với cây hồ tiêu, cuộc sống của gia đình ông Bùi Xuân Nghiệp (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được Hội ND xã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông Nghiệp có thêm vốn và kinh nghiệm để tái sản xuất. Ông Nghiệp cho hay: “Từ khi chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả, đời sống gia đình tôi đã từng bước ổn định. Đến nay, hơn 300 cây mít Thái và 40 cây sầu riêng xen canh đem lại cho gia đình tôi trên 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ đi chi phí đầu tư”.
Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội ND trong huyện luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của hội viên ND. Theo đó, Hội đã thành lập Câu lạc bộ ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện với 42 hội viên và 4 câu lạc bộ ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã với 95 hội viên. Thông qua câu lạc bộ, các hội viên đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập… góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ các ngân hàng, Hội còn xây dựng quỹ hỗ trợ ND để giúp các hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Theo đó, từ nguồn quỹ trên 578 triệu đồng, Hội đã cho 27 hội viên vay không tính lãi để phát triển sản xuất.
Vườn cây ăn quả ông Nghiệp (bìa trái) đem lại lại thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Ảnh: Hà Chi
Vườn cây ăn quả ông Nghiệp (bìa trái) đem lại lại thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Ảnh: Hà Chi
Hàng năm, huyện Chư Pưh có trên 5.000 hội viên ND đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong giai đoạn 2017-2022, toàn huyện có 3.708 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 71,2% số hộ đăng ký. Trong đó, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương có 22 hộ, cấp tỉnh 348 hộ, cấp huyện 909 hộ và cấp xã 2.429 hộ. Thu nhập bình quân hàng năm của hộ sản xuất kinh doanh giỏi từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Trao đổi với P.V, ông Trần Đức Hậu-Chủ tịch Hội ND huyện-cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hội đã xây dựng được 36 tổ hội nghề nghiệp và 2 chi hội nghề nghiệp với 301 thành viên. Đây là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới, thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. “Những năm tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; tập trung khai thác tốt nguồn vốn từ các chương trình, dự án để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần hỗ trợ ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển”-Chủ tịch Hội ND huyện Chư Pưh cho hay.
NGUYỄN QUANG - HÀ CHI

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.