(GLO)- Nhiều nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tích cực tham gia nông hội, tổ hội nghề nghiệp, nhóm chung sở thích để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Thoát nghèo nhờ nuôi heo
Nuôi heo từ năm 2009 nhưng phải đến năm 2018, gia đình anh Byôm (làng Biă Tih) mới mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn. Để có tiền đầu tư xây 4 chuồng nuôi và mua 2 con heo nái, anh vay của họ hàng 10 triệu đồng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên heo con bị chết nhiều. Không nản chí, anh tìm đến những người có kinh nghiệm để học hỏi thêm. Sau 3 năm, anh đã hoàn trả hết nợ vay. Đến nay, gia đình anh đã mở rộng lên 12 chuồng nuôi, duy trì 8 con heo nái. “Một con heo nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 10 heo con. Tôi chỉ giữ lại khoảng 30 con để nuôi heo thịt, số còn lại bán giống. Bình quân mỗi năm, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng”-anh Byôm cho biết. Không chỉ thoát nghèo, gia đình anh còn dành dụm mua được vườn cà phê 1.200 cây.
Ngoài nuôi heo, chị Khei (làng Biă Tih, xã A Dơk) còn chăn nuôi thêm gà, vịt để tăng thu nhập. Ảnh: Anh Huy |
Vài năm trở lại đây, cuộc sống gia đình chị Khei (cùng làng) cũng khấm khá hơn nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2015, chị Khei mua 2 con heo nái về nuôi với mục đích tận dụng cơm canh dư thừa và nguồn cám khi xay xát lúa. Nhận thấy nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị vay 40 triệu đồng để làm chuồng và duy trì 7 con heo nái, 3 con heo đực giống. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, chị phấn khởi khoe: “Giá heo giống đang ở mức 1-1,1 triệu đồng/con. Mình hiện có 50 heo con mới tách mẹ, khoảng 25 ngày nữa sẽ xuất bán”. Vì không đủ chuồng nuôi nhốt nên mỗi lứa heo sinh sản, chị chỉ giữ lại khoảng 30 con để nuôi, số còn lại đem bán. Theo chị Khei, nuôi heo nái tốn công chăm sóc, nhất là giai đoạn heo đẻ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Ngoài nuôi heo, gia đình chị còn quây lưới phía sau vườn và làm chuồng nuôi hàng trăm con gà, vịt. Bình quân mỗi tháng, gia đình chị bán gần 100 con gà và 40-50 con vịt xiêm.
Liên kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất
Cuối năm 2020, Nông hội chăn nuôi xã A Dơk được thành lập và 7 hộ dân làng Biă Tih trở thành hội viên. Đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Nông hội, anh Byôm chia sẻ: “Định kỳ 3 tháng, chúng tôi tổ chức sinh hoạt một lần. Tuy nhiên, khi gia đình nào cần chia sẻ, hỗ trợ thì những hội viên còn lại chung tay giúp đỡ. Thông thường, chúng tôi chia sẻ cách chăm sóc heo mẹ trong giai đoạn có chửa, sau sinh và quá trình tách heo giống; cách phòng bệnh trên đàn heo, gà, vịt khi thời tiết chuyển mùa...”.
Gia đình anh Byôm (làng Biă Tih, xã A Dơk) mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn. Ảnh: Anh Huy |
Ngoài Nông hội chăn nuôi, xã A Dơk còn duy trì 3 tổ hội nghề nghiệp (1 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo, 2 tổ hội trồng và chăm sóc cà phê) và 28 nhóm chung sở thích: nuôi heo, nuôi bò, trồng cà phê, dệt thổ cẩm... Ông Blư-Trưởng nhóm chung sở thích chăn nuôi bò làng A Dơk Kông-cho hay: “Nhóm có 9 hộ tham gia. Hộ nuôi ít thì 1-2 con, nuôi nhiều thì hơn 10 con. Chúng tôi thường trao đổi, chia sẻ với nhau cách làm chuồng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát; tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và nhắc nhau không thả rông gia súc. Nguồn quỹ tiết kiệm do các hội viên đóng góp, chúng tôi dùng để giúp đỡ nhau khi khó khăn”.
Trao đổi về việc liên kết phát triển sản xuất, ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk-thông tin: Toàn xã có 874 hội viên trồng, chăm sóc 852 ha cà phê, 46 ha hồ tiêu, cao su tiểu điền và chanh dây; nuôi 937 con bò, 29 con dê, trên 4.000 con heo và hơn 8.000 con gia cầm. Với mục đích liên kết, hỗ trợ hội viên trong phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, Hội đã vận động hội viên tham gia các tổ hội nghề nghiệp, nhóm chung sở thích.
Theo ông Byin, sau khi tham gia các tổ hội nghề nghiệp và nhóm chung sở thích, hội viên có cơ hội tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tiết kiệm. Hội tích cực hỗ trợ hội viên tham gia các lớp tập huấn và liên kết với một số doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. “Sau khi tham gia các tổ, nhóm, nhiều hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số đã tự tin tham gia trao đổi, tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm và mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng, quy mô chăn nuôi. Điều đó phản ánh sự thay đổi tích cực về nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 15 hộ hội viên thoát nghèo”-Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm.
ANH HUY