Tham gia và đồng chủ trì buổi làm việc có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Dương Mah Tiệp cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNTtại buổi làm việc, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Người dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ khâu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cùng các chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.400 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có khoảng 256 ngàn ha cây trồng các loại sản xuất theo các tiêu chuẩn; 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói được cấp phục vụ xuất khẩu...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị với UBND tỉnh như: xem xét, ban hành kế hoạch khai thác đa mục đích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi, kiểm kê rừng. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc xóa nợ tiền thuê đất của 3 trung tâm: Nghiên cứu Giống cây trồng, Giống vật nuôi, Giống thủy sản. Cùng với đó, tỉnh bố trí kinh phí ngân sách để mua vắc xin, hóa chất phục vụ phòng-chống dịch bệnh động vật...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã biểu dương những kết quả mà toàn ngành đã thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Ngành nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phát triển ngành theo hướng liên kết sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì diện tích các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng…; chủ động phối hợp với sở, ngành xây dựng những thương hiệu nông sản riêng của Gia Lai để nâng tầm giá trị và mang tầm quốc gia.
Đối với những dự án chăn nuôi đang khảo sát nếu vướng mắc thì cần rà soát, xác định báo cáo cụ thể để đánh giá toàn diện; những doanh nghiệp nào vi phạm đến môi trường thì xử lý nghiêm theo quy định. Chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, hiện không hiệu quả, vì vậy ngành nông nghiệp cùng các địa phương liên quan tìm giải pháp tham mưu UBND tỉnh từng bước khắc phục; tổ chức sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp nhằm quản lý tốt diện tích đất rừng hiện có và phát huy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng. Ngành nông nghiệp cũng đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.