Chư Sê đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông sản, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Trịnh Phó Cường (làng Pan, xã Dun) bên vườn cây hoa hòe trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.K

Anh Trịnh Phó Cường (làng Pan, xã Dun) bên vườn cây hoa hòe trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.K

Với hơn 2 ha đất đồi, trước đây, gia đình anh Trịnh Phó Cường (làng Pan, xã Dun) trồng cà phê và cây ăn quả nhưng đều thất bại. Cuối năm 2022, anh Cường quyết định chuyển sang trồng cây hoa hòe-một giống cây dược liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Anh cho biết: “Cùng với chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi cũng quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, bón phân hữu cơ, không dùng thuốc diệt cỏ; đồng thời, học cách nhận biết tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng để vận dụng, loại trừ trên vườn cây của mình. Do vườn cây ở vùng đất thường xuyên thiếu nước tưới nên tôi áp dụng một số kỹ thuật quản lý nguồn nước tưới tiên tiến”.

Nhờ áp dụng và tuân thủ các phương pháp mới trong sản xuất, sau gần 8 tháng chăm sóc, vườn hoa hòe của gia đình anh Cường phát triển tốt và cho thu hoạch. Dự tính, mỗi năm, vườn hoa hòe cho thu 3-4 đợt, mỗi đợt khoảng 1,5 tấn hoa/ha. Giá nụ hoa bán ra khoảng 100-120 ngàn đồng/kg.

Gia đình ông Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang) là một trong những hộ tiên phong trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP ở địa phương với diện tích hơn 8 ha. Ông Huấn cho rằng: Sở dĩ vườn hồ tiêu của gia đình có thể duy trì qua giai đoạn cây bị dịch bệnh chết hàng loạt là bởi ngay từ ban đầu, ông đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt chú trọng chăm sóc vườn cây theo hướng sạch và bền vững.

“Một trong những biện pháp được tôi chú trọng áp dụng là để cỏ dưới gốc hồ tiêu. Cỏ sẽ giúp chống úng nước cho các trụ hồ tiêu vào mùa mưa và mát đất vào mùa nắng. Những phần cỏ cắt xuống sẽ tạo thành phân hữu cơ cho đất. Ngoài ra, tôi còn hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, gần như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Mỗi năm, 8 ha hồ tiêu cho gia đình thu hoạch ổn định khoảng 20 tấn”-ông Huấn cho hay.

Ngoài 8 ha hồ tiêu, gia đình ông Huấn còn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với 10 ha cây trồng khác như: cao su, sầu riêng, bưởi…

Gia đình ông Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) tiên phong trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mai Ka

Gia đình ông Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) tiên phong trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mai Ka

Ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang-thông tin: Toàn xã có trên 60 ha hồ tiêu, trong đó có 10 ha sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chuẩn VietGAP đối với sản xuất nông nghiệp, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, bà con nông dân cần mạnh dạn tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.

Chính quyền địa phương cũng vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các loại cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng; từng bước tạo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thời gian qua, ngành chức năng huyện Chư Sê đã tích cực hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có gần 2.900 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Rainforest, GlobalGAP, Organic... Trong đó có 30 ha cây trồng đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn chú trọng tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Hữu Tỵ, việc người dân ngày càng chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển bền vững. Quy trình sản xuất này về cơ bản thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm lượng nước tưới và duy trì đa dạng sinh học.

Đồng thời, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng hơn so với sản xuất truyền thống. Các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP giúp người sản xuất thuận lợi hơn trong tiêu thụ, người tiêu dùng cũng an tâm hơn trong lựa chọn sử dụng.

Vì vậy, đây là phương thức sản xuất mà các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách xây dựng và nhân rộng để giúp người dân canh tác theo hướng bền vững, đem lại thu nhập ổn định.

“Ðặc biệt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tiết kiệm chi phí đầu tư; quản lý sản xuất hiệu quả hơn thông qua đánh giá nội bộ; đồng thời, cải tiến các điểm chưa phù hợp trong quy trình sản xuất. Từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.