Trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới. Hướng đi đúng đắn này đang mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Thu nhập cao nhờ trồng sầu riêng

Gia đình ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) trồng 250 cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,5 ha. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch được 32 tấn sầu riêng và dự kiến đạt khoảng 35 tấn trong năm nay.

Ông Hận chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và xen canh một ít sầu riêng. Tuy nhiên, khi thấy cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng loại cây này, sử dụng giống Monthong và Dona.

Khi bắt đầu trồng chuyên canh cây sầu riêng, tôi đã học hỏi, áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP nên vườn cây cho năng suất 1-2,5 tạ quả/cây. Giá sầu riêng bán tại vườn khoảng 80 ngàn đồng/kg nhưng tôi chưa chốt giá vì còn khoảng 3 tuần nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, với giá như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 2,4 tỷ đồng”.

Theo ông Châu Văn Hận (bìa trái, xã Ia Bang), vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP dự kiến sản lượng khoảng 35 tấn. Ảnh: V.T

Theo ông Châu Văn Hận (bìa trái, xã Ia Bang), vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP dự kiến sản lượng khoảng 35 tấn. Ảnh: V.T

Còn ông Đỗ Phạm Chí Công (cùng thôn) thì nhận định: “Hiện nay, thông tin sầu riêng của Thái Lan mất mùa do thời tiết bất lợi giúp bà con nông dân lạc quan hơn về việc giá loại trái cây này có khả năng tiếp tục tăng. Với 2 ha sầu riêng, tôi ước tính sản lượng vụ này đạt khoảng 20 tấn”.

Cũng theo ông Công, cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây công nghiệp khác nhưng đây lại là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ bị sâu bệnh nên cũng khá rủi ro.

Ông Vũ Thế Bình-Chủ nhiệm Nông hội sầu riêng thôn Cát Tân-cho biết: “Nông hội hiện có 56 hội viên với tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 80 ha, trong đó, 48 ha đã cho thu hoạch. Những năm qua, Nông hội đã thống nhất với các hộ hội viên về phương án sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thu mua của đối tác. Hiện nay, Nông hội đang xúc tiến triển khai canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng.

Đến nay, Nông hội đã có 1 mã số vùng trồng được phía Trung Quốc chấp nhận, 2 mã đang hoàn chỉnh hồ sơ. Vụ sầu riêng năm nay sắp bước vào thu hoạch rộ. Nhiều đơn vị đầu mối đã đặt vấn đề thu mua để xuất khẩu. Với mức giá thu mua tại vườn khoảng 80 ngàn đồng/kg như hiện nay, nông dân sẽ có lợi nhuận cao”.

Triển vọng gia tăng hàng xuất khẩu

Huyện Chư Prông hiện có khoảng 1.200 ha sầu riêng, trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 710 ha, năng suất đạt 14,8 tấn/ha, sản lượng gần 11 ngàn tấn/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã được cấp 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 160 ha, tập trung tại thị trấn Chư Prông và các xã: Ia Bang, Ia Phìn, Ia Kly.

Vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Minh Phát Farms (thị trấn Chư Prông) và HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ký kết hợp tác xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Lập-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Minh Phát Farms-cho biết: “Theo hợp đồng ký kết, HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk sẽ phối hợp để hướng dẫn kỹ thuật, thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Vụ thu hoạch năm nay, HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk sẽ thu mua khoảng 900 tấn sầu riêng, trong đó, 700 tấn thu mua tại Chư Prông và 200 tấn thu mua tại Chư Păh.

Hiện nay, HTX Minh Phát Farms có 25 thành viên trồng 30 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Toàn bộ diện tích này đã xây dựng mã vùng trồng từ năm 2022. Việc hợp tác xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Hiện nay, nhiều vựa sầu riêng trên địa bàn đang tích cực thu mua hàng. Ảnh: V.T

Hiện nay, nhiều vựa sầu riêng trên địa bàn đang tích cực thu mua hàng. Ảnh: V.T

Ngoài HTX Minh Phát Farms, trên địa bàn huyện Chư Prông còn có 1 công ty thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Điều này sẽ giúp người dân bán được hàng với giá tốt qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Tiến Dũng-Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hoàng Sửu (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: Trước đây, khi chưa hoàn tất thủ tục xuất khẩu trực tiếp, Công ty đã phối hợp với các đơn vị khác thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Còn hiện nay, Công ty đã thu mua của thương lái và nhà vườn trên địa bàn để thực hiện đóng gói, xuất khẩu trực tiếp qua Trung Quốc.

Để có nguồn hàng chất lượng, từ đầu vụ, Công ty đã hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, bán phân bón, vật tư nông nghiệp, đồng thời cam kết thu mua sản lượng ổn định nên người dân rất tin tưởng. Ước tính năm nay, Công ty sẽ thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 10.000 tấn sầu riêng.

“So với các loại nông sản khác, năm nay, sầu riêng có giá khá cao nên nông dân rất phấn khởi. Hiện tại, sầu riêng loại A và B có giá dao động 90-94 ngàn đồng/kg, còn lại có giá khoảng 45 ngàn đồng/kg”-ông Dũng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.