Dự án xây dựng vùng trồng rau củ quả VietGAP, hình thành thói quen trồng rau an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau gần 1 năm triển khai, Dự án xây dựng vùng trồng rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Phú và xã Chư Á do Phòng Kinh tế TP. Pleiku triển khai đã góp phần hình thành thói quen sản xuất rau an toàn trong bà con nông dân.

Dự án được triển khai từ tháng 10-2023 có quy mô 20 ha với sự tham gia của 40 hộ dân tại thôn 4 (xã An Phú) và làng Wâu (xã Chư Á). Các hộ tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP như: phương pháp xử lý đất trước khi gieo trồng, cách bón phân khi chăm sóc rau, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, quản lý và xử lý chất thải…

Bà Hmet (làng Wâu) cho biết: Bà có 3 sào đất trồng luân phiên dưa leo và đậu cô ve. Khi tham gia dự án, bà được học cách ủ thêm phân chuồng để bón nhằm tăng dinh dưỡng cho đất và chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để xử lý sâu bệnh.

“Qua thực tiễn, tôi thấy rau trồng theo hướng VietGAP phát triển tốt và ít sâu bệnh nên chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật giảm đến 50% so với trước. Khi trồng 3 sào đậu cô ve, tôi chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng chi phí đầu tư nhưng thu về hơn 6 tấn. Với giá trên 6 ngàn đồng/kg, tôi thu gần 40 triệu đồng, lãi 25 triệu đồng.

Riêng dưa leo, chi phí đầu tư khoảng trên 10 triệu đồng/sào. Mỗi đợt trồng, tôi thu gần 15 tấn quả, bán với giá 5-9 ngàn đồng/kg, lãi 50-60 triệu đồng”-bà Hmet chia sẻ.

Vợ chồng anh Ang Lim (làng Wâu, xã Chư Á) thu hoạch dưa leo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: H.T

Vợ chồng anh Ang Lim (làng Wâu, xã Chư Á) thu hoạch dưa leo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: H.T

Tương tự, anh Ang Lim (làng Wâu) cũng phấn khởi cho hay: “Tôi đăng ký trồng 1,5 ha dưa leo theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước khi trồng, tôi phơi ải đất, ủ hoai phân để bón cho cây trồng theo hướng dẫn. Khi phát hiện sâu bệnh, tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để xử lý và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hái. Mỗi vụ, 1,5 sào dưa leo thu về gần 8 tấn quả. Với giá hơn 6 ngàn đồng/kg, tôi thu được gần 50 triệu đồng, lãi khoảng 20-25 triệu đồng”.

Ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á-thông tin: Xã có 20 hộ tham gia dự án với quy mô 10 ha. Xã phối hợp với Hội Nông dân TP. Pleiku hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố (mỗi hộ 40 triệu đồng) và vốn vay giải quyết việc làm 20-50 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất.

Trong quá trình triển khai, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) và UBND xã tổ chức các lớp tập huấn, giám sát quy trình trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả, năng suất các loại rau củ quả ước đạt 10 tấn/ha/năm.

“Dự án bước đầu đã giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất rau theo hướng an toàn. Tuy nhiên, để được cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm trong những lần tiếp theo thì người dân phải tự bỏ kinh phí thuê đơn vị đủ chức năng thực hiện.

Do đó, các cấp, ngành cần có cơ chế khuyến khích để người dân có động lực duy trì việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài”-Chủ tịch UBND xã Chư Á đề nghị.

Ông Nguyễn Văn My phấn khởi vì cà chua trồng theo quy trình VietGap ít bị sâu bệnh gây hại. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn My phấn khởi vì cà chua trồng theo quy trình VietGap ít bị sâu bệnh gây hại. Ảnh: H.T

Tương tự, các hộ dân xã An Phú tham gia dự án cũng thu được kết quả đáng phấn khởi. Ông Nguyễn Văn My (thôn 4) cho biết: Gia đình ông có 1 sào đất trồng cà chua tham gia dự án. Mỗi vụ, ông giảm được 2-3 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm còn 15 triệu đồng/sào. Mỗi vụ, ông thu 5-6 tấn cà chua, bán với giá 8 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 25 triệu đồng.

“Cà chua của gia đình tôi được Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú thu mua với giá cao hơn so với thị trường 3-4 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, Công ty chỉ thu mua khoảng hơn 1 tấn/vụ, số còn lại phải bán cho thương lái bên ngoài nên không ổn định. Chúng tôi mong ngành chức năng có phương án hỗ trợ đầu ra”-ông My đề xuất.

Ông Nguyễn Phi Khanh-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã An Phú-đánh giá: Hầu hết các hộ tham gia dự án đều thực hiện đúng quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết bao tiêu sản phẩm nên giá cả vẫn chưa ổn định. Rất mong các cấp, ngành nghiên cứu hỗ trợ về đầu ra sản phẩm để người dân có thu nhập ổn định.

Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho hay: “Dự án xây dựng vùng trồng rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tuy quy mô triển khai không lớn nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Với kết quả đạt được, thời gian tới, bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các mô hình, dự án nhằm nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc rau củ quả theo hướng an toàn, thành phố tiếp tục phối hợp thực hiện việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm rau củ quả nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.