Sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học: Nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, việc canh tác nông nghiệp theo hướng sinh học đang mang lại nhiều lợi ích.

Tư duy thay đổi, hiệu quả tăng lên

Ia Grai là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn nhất tỉnh với gần 50.000 ha. Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, bà con nông dân đã từng bước hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ.

Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu cũng như góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái trước sự biến đổi của khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt.

Nhờ lối canh tác theo hướng sinh học mà vườn sầu riêng 350 cây của ông Phan Văn Vĩnh (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh gây hại và đạt năng suất cao. Điển hình như vụ sầu riêng vừa qua, do thời tiết diễn biến thất thường nên phần lớn người trồng trên địa bàn bị mất mùa. Tuy nhiên, vườn sầu riêng của ông Vĩnh là một ngoại lệ. Nhờ canh tác theo hướng bền vững, chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên năng suất không bị ảnh hưởng mà chất lượng sầu riêng của ông còn được thị trường đánh giá cao.

Ông Vĩnh vui vẻ nói: “Toàn bộ diện tích sầu riêng của gia đình được canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong thời gian dài không những giúp cây sầu riêng loại trừ được các bệnh về nấm mà còn tạo ra các loại lợi khuẩn nhằm bảo vệ cây tốt hơn. Nhờ đó, vụ vừa rồi, 350 cây sầu riêng của tôi thu được hơn 24 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi hơn 1,5 tỷ đồng”.

Vườn sầu riêng của ông Phan Văn Vĩnh luôn xanh tươi. Ảnh: N.S

Vườn sầu riêng của ông Phan Văn Vĩnh luôn xanh tươi. Ảnh: N.S

Cũng theo ông Vĩnh, để vườn sầu riêng phát triển bền vững và tạo đà cho những vụ tiếp theo thì sau khi thu hoạch cần tăng cường bón phân hữu cơ, phun các chế phẩm sinh học, vừa giúp cây phục hồi, vừa phòng ngừa sâu bệnh hại. Nếu lạm dụng phân bón, thuốc hóa học trong giai đoạn này thì dễ dẫn đến tình trạng cây sầu riêng bị nứt thân, xì mủ…

Từ khi thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, vườn cà phê của anh Ngô Thân Thương (thôn 6, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) luôn xanh tốt, cho năng suất cao và ổn định.

Anh Thương cho hay: “Tôi bắt đầu chuyển sang canh tác cà phê theo hướng hữu cơ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh từ năm 2017. Vườn cây không những phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh mà năng suất cũng đạt 5,5-6 tấn cà phê nhân/ha.

Canh tác theo hướng này không những cà phê bán được giá cao mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư nên lợi nhuận tăng đáng kể so với trước đây. Bên cạnh đó, vườn cây cũng được bảo vệ tốt hơn, không bị suy kiệt khi thời gian thu hoạch kéo dài, do chỉ thu hoạch quả chín để nâng cao chất lượng, giá trị cà phê”.

Nhờ sản xuất theo hướng sinh học, vườn cà phê của anh Ngô Thân Thương (bìa trái, thôn 6, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho năng suất mỗi năm 5,5-6 tấn nhân/ha. Ảnh: Q.T

Nhờ sản xuất theo hướng sinh học, vườn cà phê của anh Ngô Thân Thương (bìa trái, thôn 6, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho năng suất mỗi năm 5,5-6 tấn nhân/ha. Ảnh: Q.T

Tương tự, bên cạnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Păh cũng đã thay đổi tư duy, đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, nhất là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Ông Bùi Văn Dương (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết: “Trên diện tích 2,7 ha, tôi trồng xen các loại cây gồm: sầu riêng, nhãn, bơ, bưởi… nên dễ bị lây nhiễm chéo các loại sâu bệnh như rầy, rệp và sâu ăn lá. Khi bị các loại sâu bệnh này, tôi tuyệt đối không dùng thuốc hóa học để trị mà chủ yếu sử dụng chế phẩm men vi sinh do mình tự tạo ra để khắc chế. Không những đem lại hiệu quả lâu dài, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, giá trị mà việc sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp bảo vệ sức khỏe con người, môi trường xung quanh”.

Cần nhân rộng

Đánh giá về hiệu quả của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học không những giúp cây phát triển bền vững mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học ít gây hại cho các sinh vật không mục tiêu như: động vật hoang dã, côn trùng có lợi và hệ vi sinh vật trong đất, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì sự cân bằng sinh học. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học giúp giảm sự phụ thuộc vào các hóa chất độc hại, giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc, nhất là bảo vệ sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.

“Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lồng ghép tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học. Đồng thời, huyện cũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các dự án về sản xuất nông nghiệp bền vững thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học”-ông Thắm chia sẻ.

Gia đình ông Bùi Văn Dương (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học tự ủ nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Q.T

Gia đình ông Bùi Văn Dương (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học tự ủ nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Q.T

Còn ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) thì khẳng định: Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng thì cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học cũng như các loại chế phẩm sinh học sẵn có trên thị trường hoặc tự ủ.

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn đã bắt đầu làm quen với sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tự tạo ra các loại chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học để bón, phun cho cây trồng, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc sinh học cần thực hiện đồng loạt trên khắp các vườn cây thì mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Toàn tỉnh hiện có trên 256 ngàn ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 630 triệu USD, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 166.000 tấn/507 triệu USD, tăng 20,14% về giá trị; mủ cao su đạt 704 tấn/0,916 triệu USD, tăng 7,76% về giá trị; sản phẩm gỗ đạt 1,05 triệu USD; hàng khác đạt 121 triệu USD, tăng 13,49% về giá trị.

Thời gian qua, huyện Chư Păh đã dành nhiều nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Lê Thị Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất UBND huyện có những chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn nữa trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho hay: “Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương có tỷ lệ sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học dẫn đầu trong khu vực Tây Nguyên.

Để đạt được mục tiêu này, đơn vị tích cực hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, tăng cường áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ dùng các thuốc sinh học đã được đăng ký trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, cần sử dụng các loại chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng và vi sinh vật có ích khác để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng theo hướng bền vững”.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.