Doanh nghiệp và nông dân Gia Lai hợp tác sản xuất cà phê bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hợp tác sản xuất là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích. Thành công của mô hình hợp tác giữa Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai (Mascopex Gia Lai) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trong sản xuất cà phê với bà con nông dân thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Từ năm 2020 đến nay, bà con nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) ký kết hợp tác với Mascopex Gia Lai (phường Yên Thế, TP. Pleiku) để thực hiện Dự án nâng cao tính bền vững của sản xuất cà phê cho nông dân tại tỉnh Gia Lai.

Tham gia dự án, bà con được Mascopex Gia Lai hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hái, phơi khô, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý an toàn rác thải theo Bộ quy tắc Chương trình phát triển cà phê bền vững (UTZ), bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường... Từ lợi ích thiết thực đó, dự án thu hút hơn 200 hộ nông dân trong xã đăng ký canh tác hơn 700 ha cà phê.

Ông Nguyễn Văn Đảo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hưng Tiến (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) thăm vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.C

Ông Nguyễn Văn Đảo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hưng Tiến (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) thăm vườn cà phê của gia đình. Ảnh: H.C

Đưa chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt, ông Rơ Châm Chưk (làng Klung, xã Nghĩa Hưng) kể: “Năm 2020, gia đình đăng ký canh tác 1,5 ha cà phê với Mascopex Gia Lai. Trước đó, vườn cà phê kém phát triển, năng suất chỉ đạt khoảng 7 tấn quả tươi/ha. Sau khi ký kết, mình đầu tư theo hướng dẫn của Chi nhánh. Kết quả, vườn cà phê phát triển tốt. Năm 2021, năng suất đạt 13 tấn/ha, năm 2023 đạt 16 tấn/ha. Rõ ràng hợp tác sản xuất đem lại cái lợi nhiều lắm”.

Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đến địa phương triển khai kế hoạch hợp tác sản xuất cà phê với bà con nông dân. Tuy vậy, Mascopex Gia Lai và Công ty cổ phần Tín Thành Đạt (phường Đống Đa, TP. Pleiku) được người dân ủng hộ nhiều nhất. Lý do là sự hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân hợp tác với các doanh nghiệp thúc đẩy mô hình sản xuất cà phê bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Tương tự, nhiều hộ dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) cũng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thúc đẩy mô hình sản xuất cà phê bền vững. Ông Nguyễn Văn Đảo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hưng Tiến (xã Ia Phìn) cho hay: “Thôn Hưng Tiến hiện có 197 hộ với gần 900 khẩu. Đa số hộ dân canh tác cà phê và hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) ký kết hợp tác sản xuất cà phê bền vững với hơn 40 hộ dân trong thôn.

Công ty thực hiện đúng cam kết, tận tình hướng dẫn, mở các lớp tập huấn giúp người dân nắm vững kỹ thuật canh tác cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm. Thấy hiệu quả thiết thực nên bà con đồng thuận hợp tác, thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết. Riêng gia đình tôi cũng hợp tác sản xuất 1,2 ha cà phê bền vững với Công ty”.

Theo bà Siu H’Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông: “Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chủ động làm việc với huyện và các xã, hộ gia đình trong việc hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật và vận động bà con đăng ký thực hiện dự án nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê, thúc đẩy sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã mang lại lợi ích hài hòa cho các bên, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 ha cà phê, trong đó hơn 90.000 ha cà phê kinh doanh. Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, đồng thời là mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp.

Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả thiết thực, vì mục tiêu ngành nông nghiệp xanh.

Ông Hiệp mong muốn nâng cao chất lượng hợp tác sản xuất cà phê bền vững từ 9 ngàn hộ (năm 2024) lên 15 ngàn hộ vào năm 2028, tăng diện tích cà phê đạt chuẩn bền vững từ 10 ngàn ha (năm 2024) lên 20 ngàn ha vào năm 2028, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đưa sản phẩm cà phê Gia Lai ra thị trường thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi

(GLO)- Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai) buộc chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy hơn 200 con heo nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đang hiện hữu khi thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

(GLO)- Sau nhiều năm tìm kế mưu sinh khắp nơi, anh Dương Văn Thiết (SN 1976, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai) đã chọn vùng biên viễn làm bến đỗ cho gia đình nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp với cây dừa xiêm-giống cây mới hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

null