Nét đẹp cúng xóm vào mùa Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không biết tự bao giờ cứ sau Tết Nguyên đán, độ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 theo lịch Âm, từ thành thị đến nông thôn đều có tục cúng xóm, cúng khối phố, trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt.

Cúng xóm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, người người, nhà nhà bình an, no ấm, mà còn là dịp để gắn kết tình làng nghĩa xóm, cùng chung sức chăm lo xây dựng quê hương, lao động sản xuất thu được nhiều hoa lợi, kinh doanh mua bán thuận buồm xuôi gió.

Làng tôi là một ngôi làng nhỏ có ba xóm. Làng nép mình dưới chân hòn núi lau khá lớn, trước mặt là cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt quanh năm. Thế nhưng trong chiến tranh đã bị quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa san phẳng bằng bom, pháo cùng những trận càn quét, đánh phá. Người dân bỏ xứ lưu lạc bốn phương nên một thời gian dài tục lệ cúng xóm không có điều kiện duy trì. Những năm thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn, tục lệ ấy cũng mai một ít nhiều; cho đến khi đất nước vào thời kỳ đổi mới, đời sống của bà con được nâng lên, người trong xóm bàn nhau khôi phục lại truyền thống này. Chẳng là “phú quý sinh lễ nghĩa” như ông bà đã tổng kết từ ngàn năm đó sao!

Một lễ cúng xóm thường diễn ra trong thời gian 30-40 phút, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thôn xóm bình yên. Ảnh: B.H

Một lễ cúng xóm thường diễn ra trong thời gian 30-40 phút, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thôn xóm bình yên. Ảnh: B.H

Theo quy ước của xóm tôi, và có lẽ nhiều nơi cũng thế, có 2 hoặc 3 hộ gia đình trong xóm được trưởng xóm hoặc người có uy tín giao đảm nhận việc đứng ra đi chợ mua lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng xóm và thay phiên nhau hàng năm. Trước đó, họ phân công nhiệm vụ từng người đi quanh xóm vận động các hộ gia đình ủng hộ tiền để thuê hoặc mượn bàn ghế, chén bát, dựng rạp, mua hoa quả, thực phẩm nấu cúng. Công việc này chủ yếu là của chị em phụ nữ, những người có kinh nghiệm và khéo tay trong chuyện mâm cỗ.

Đến ngày cúng, không chỉ các hộ gia đình trên đảm nhiệm việc lo lễ nghĩa mà dân trong xóm tập trung về điểm cúng tế rất sớm để cùng nhau sửa soạn, dọn vệ sinh quanh miếu thờ của làng (xóm) sạch sẽ, gọn gàng; lau chùi bàn thờ, bát nhang… Trong khi nam giới làm các việc nặng thì phụ nữ có nhiệm vụ đi chợ, nấu nướng. Tuy là cùng xóm nhưng quanh năm chuyện đồng áng bận rộn, vất vả, mấy khi có dịp ngồi lại bên nhau, nên việc tập trung nấu nướng giúp chị em được chia sẻ mọi điều vui buồn trong nhà ngoài xóm, cánh đàn ông thì bàn chuyện mùa vụ, cây con, giống má, gieo trồng sao cho thuận thiên, thuận địa để có mùa bội thu, trẻ con tụ tập chơi trò nhảy dây, đánh đáo, đánh nẻ... Thật là vui vẻ, ấm áp nghĩa tình chòm xóm!

Phụ nữ trong xóm quây quần nấu nướng, chuẩn bị cho lễ cúng xóm. Ảnh: B.H

Phụ nữ trong xóm quây quần nấu nướng, chuẩn bị cho lễ cúng xóm. Ảnh: B.H

Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi xóm mà mâm cúng lễ sẽ có sự khác nhau, nhưng thường là ba mâm cỗ: cúng thần, cúng Phật và cúng chúng sinh. Các lễ vật gồm thịt gà, thịt heo luộc hoặc heo quay, rượu, trà, trầu, cau, bánh kẹo, hoa tươi, trái cây, vàng bạc... Ở khối phố nơi tôi ở-Pleiku, tuy có sự “phố hóa”, nhưng tôi thấy bà con vẫn giữ tục cúng xóm/phố chẳng khác mấy ở quê, chỉ có điều phố không có miếu thờ, bà con chọn ngã tư đường hoặc nơi có không gian hợp lý như vỉa hè rộng rãi, sạch sẽ, vệ sinh đảm bảo để làm lễ cúng.

Cách đặt bàn cúng cũng được bài trí theo đúng nguyên tắc từ xưa để lại, nhưng quan trọng nhất là có một bài sớ do người lớn tuổi, uy tín trong xóm soạn thảo ra để trình bày với “bề trên” những kết quả làm lụng mùa màng, cây trái nuôi trồng, xây dựng xóm thôn an bình, đoàn kết... đã đạt được trong năm cũ. Điều quan trọng hơn là cầu khấn ơn trên điều may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, no đủ trong năm mới. Thông thường, ở quê cũng như phố, lễ cúng sẽ diễn ra từ 30-40 phút, sau khi vị cao niên đã làm xong thủ tục phần lễ, lần lượt từng người dân trong xóm sẽ dâng nén nhang, bày tỏ lòng thành kính, cảm tạ và cầu xin trời Phật, thánh thần phù hộ độ trì cho gia đình mình và sau cùng là cùng nhau ngồi vào bàn tiệc để chung vui.

Cúng xóm, hay là cúng khối phố cũng vậy, không phải là một hình thức mê tín dị đoan mà mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng sâu sắc, ngoài ý nghĩa tâm linh, tục lệ cúng xóm còn là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết giữa các gia đình sinh sống trong xóm, trong phố. Đây là dịp để mọi người trong xóm, hay khu phố gặp gỡ, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi khởi đầu một năm mới. Những năm lại đây, việc cúng xóm, cúng khu phố có phần bổ sung nội dung là nhắc nhở mọi người khi chung vui trong tiệc rượu sau cúng không nên quá chén, đã uống rượu bia thì không nên lái xe và cũng cần đề phòng cháy nổ, tránh gây tai nạn ngoài ý muốn.

Có thể bạn quan tâm

Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư về nguồn

(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mưa đầu hạ

Mưa đầu hạ

(GLO)- Pleiku vào hạ không báo trước bằng cái nóng gắt gao, cũng chẳng cần đến tiếng ve râm ran hay sắc phượng rực trời. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, bất chợt, ào ạt mà vô cùng êm dịu là biết hè đã chạm ngõ.

Lưu bút

Lưu bút

(GLO)- Lưu bút không đơn thuần là một cuốn sổ. Nó là nơi giữ lại cả một khoảng trời tuổi trẻ, nơi từng nét chữ đều mang theo một phần ký ức.

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Đọc để hiểu mình

Đọc để hiểu mình

(GLO)- Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.

Cơn mưa ngang qua

Cơn mưa ngang qua

Tiết trời vào sáng sớm khá oi nồng, nhưng bầu trời lại phủ kín một màu mây xám đục chứ không trong trẻo như mọi khi. Rồi bất chợt mưa rào rào mà không có gió, có sấm báo trước.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Trại sáng tác mỹ thuật tại Đắk Lắk: Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh của Gia Lai được trao giải A

Trại sáng tác mỹ thuật tại Đắk Lắk: Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh của Gia Lai được trao giải A

(GLO)- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk khai mạc triển lãm và trao giải tác phẩm trại sáng tác mỹ thuật “Voi-Niềm tự hào của Buôn Đôn, Đắk Lắk”. Giải A duy nhất đã được trao cho nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (Gia Lai).

Cồng chiêng của người Bahnar là dàn âm thanh rất kỳ vĩ , đòi hỏi nghệ nhân chỉnh chiêng phải am hiểu sâu sắc về âm nhạc và có năng khiếu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng tại TP. Pleiku

(GLO)- Chiều 12-4, bên hông trụ đá 54 dân tộc anh em tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), các nghệ nhân Bahnar, Jrai có cuộc gặp gỡ trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ IV.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa hoa hẹn phố

(GLO)- Thỉnh thoảng, bạn bè thời đại học ngẫu hứng gửi vào nhóm Zalo bức ảnh về một loài hoa. Dù không giải thích lời nào nhưng lập tức nhiều phản hồi, nhiều icon xuất hiện.