Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Lực lượng vũ trang dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Giỗ Tổ là ngày hội truyền thống của người dân Việt Nam tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Lễ giỗ chính tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và một số địa phương trên cả nước. Với giá trị độc đáo và phổ quát, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ năm 2001, Ngày giỗ Vua Hùng trở thành Ngày Quốc giỗ của cả nước. Và từ năm 2007, mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ của Nhân dân cả nước.

Tại Gia Lai, kể từ khi Giỗ Tổ trở thành ngày nghỉ lễ của cả nước, các hoạt động tưởng niệm, liên quan cũng diễn ra phong phú, đa dạng. Bên cạnh hưởng ứng nội dung chương trình lễ hội tại Đất Tổ, Gia Lai còn kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thu hút đông đảo người dân, du khách. Nhiều gia đình, nhất là bà con quê Đất Tổ Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) làm mâm cỗ thành kính dâng lên Vua Hùng, vọng bái quê hương, mong được gia ân phù hộ sức khỏe, làm ăn may mắn, hanh thông trong cuộc sống. Dịp này, người dân cùng nhau ôn lại truyện cổ Vua Hùng, bánh chưng bánh giầy, tấm lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu, Sơn Tinh-Thủy Tinh...

Không quên nhắc đến Công ty cổ phần Gia Lai CTC-đơn vị đi đầu xin chủ trương và triển khai xây dựng công trình Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh, TP. Pleiku. Đền thờ có tượng Quốc Tổ và 18 tượng Vua Hùng được đầu tư thực hiện từ năm 2007 đến năm 2009. Tượng Quốc Tổ cao 6 m, làm bằng gỗ mít nguyên khối, nặng gần 6,5 tấn, sơn son thếp vàng, do nghệ nhân Đinh Văn Chiêu thực hiện. 18 tượng Vua Hùng bố trí hai bên lối dẫn vào đền, mỗi tượng cao 4 m, bệ bằng đá cao 90 cm, sơn nhũ đồng, làm bằng bê tông cốt thép do nghệ nhân Hà Chí Dũng-Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thiết kế và thi công.

Từ khi hoàn thiện công trình, Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh trở thành nơi giáo dục truyền thống kết hợp phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, người dân. Nơi đây mỗi dịp Giỗ Tổ, lãnh đạo tỉnh và đông đảo người dân đến dâng hoa, dâng hương, phẩm vật bày tỏ lòng thành kính biết ơn Quốc Tổ, các Vua Hùng nối đời dựng và giữ nước, nguyện ra sức phát huy di sản, truyền thống tốt đẹp của tiền nhân để làm cho tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm 2023 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ (ảnh tư liệu).

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm 2023 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ (ảnh tư liệu).

Vì Giỗ Tổ diễn ra trong tiết Thanh minh nên từ cuối tháng 2 âm lịch hàng năm, khắp nơi đã râm ran, lan tỏa không khí chuẩn bị các hoạt động cho Ngày Quốc giỗ cũng như tảo mộ người đã khuất.

Theo phong tục người Việt, Thanh minh là dịp các gia đình sửa sang, chăm sóc mộ phần tổ tiên, người thân đã khuất, bày tỏ lòng biết ơn và thương nhớ. Thanh minh cũng là lúc tình cảm chúng ta hướng về những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tự do, độc lập, hòa bình hôm nay; hay những người trọng nghĩa khinh tài, “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” (Nguyễn Đình Chiểu). Không ít người để lại thân xác nơi chiến trận, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, xác định danh tính. Tỉnh ta nhiều lần tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ sau khi quy tập, hồi hương từ nước bạn Campuchia. Việc làm này phần nào làm giảm nỗi mất mát thương đau, người đã khuất linh thiêng hẳn phần nào ấm lòng nơi chín suối.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt giữa việc tảo mộ người thân dịp cuối năm với tảo mộ dịp Thanh minh là chăm sóc cả những ngôi mộ vô chủ, dọn dẹp, phát quang, vệ sinh, đắp nấm, hương khói với quan niệm để linh hồn người chết không phải buồn tủi, cô đơn. Thanh minh vì vậy thể hiện truyền thống nhân đạo đặc biệt sâu sắc và tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài gan ruột chia sẻ nỗi bất hạnh của thân phận Đạm Tiên trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du là đại diện xuất sắc khi đề cập chủ đề này.

Vốn từ Thanh minh có ý nghĩa trong sáng, phấn chấn, các hoạt động của con người trong tiết này cũng không hoàn toàn nhuốm màu bi lụy, phiền não. Trên một số tuyến đường ở TP. Pleiku, một số nơi gần bùng binh, ngã ba, ngã tư, bà con đã tổ chức Thanh minh sớm. Lễ cúng Thanh minh ở đoạn đường Bà Triệu giáp với đường Hùng Vương có lẽ là một trong những nơi diễn ra sớm nhất. Đoạn này thắt cổ chai, thường ngày xe cộ đông đúc. Tình cờ dừng chờ đèn đỏ, chứng kiến lễ cúng cảm thấy vui vui khi cỗ bàn, loa, trống, chiêng đầy đủ, bày biện gọn gàng. Nhận ra chủ tế vốn là chủ quán nhậu cá diếc rau răm Hồng Râu nổi tiếng một thời. Vẫn hàng ria kỳ công chăm chút, mái tóc dài phơ bạc tài tử, chủ tế khăn đóng, áo dài màu điều, điệu bộ thành kính, trang nghiêm tuần tự thực hiện các nghi thức “chỉ đạo” phát ra từ chiếc loa phóng thanh giọng to rõ, chậm rãi.

Xóm nhỏ ngoại ô nơi tôi cư trú đêm qua cũng đã í ới gọi nhau họp bàn Thanh minh. Hầu hết là người trẻ nên quyết nhanh, duyệt gọn: tổ chức chiều tối mùng 10 tháng 3 âm lịch, mỗi hộ đóng góp 300 ngàn đồng, phát sinh tính sau, anh Năm giữ vai trò chủ lễ. Chủ lễ từ chối, cho biết trong nhà bà xã không “đánh giá” cao việc cúng quảy của anh. “Nhưng với xóm giềng anh uy tín đầy mình. Thôi cứ theo số đông đã quyết mà làm”-chú Hòa, một nòng cốt trong xóm lên tiếng mà như quyết định cuối cùng.

Các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku chuẩn bị mâm cúng Thanh Minh. Ảnh: Nhật Hào

Các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku chuẩn bị mâm cúng Thanh Minh. Ảnh: Nhật Hào

Nói thêm, Thanh minh xóm tôi năm nay có thêm lý do để bà con vui vẻ, phấn khởi. Hẻm tôi ở dài chừng vài trăm mét. Cách đây 3 năm, khoảng hơn 100 m đã được bê tông hóa, lòng đường rộng 5 m, đoạn còn lại cũng chừng ấy chiều dài. Cách đây 3 ngày, đoạn đường gần 100 m lâu nay lở lói, mưa bùn, nắng bụi, thắc mắc chỉ giới, tắc vốn đã được bê tông hóa rộng rãi bằng phẳng. Nhìn đoạn đường mới thành hình thông liền một mạch từ đầu đến cuối, ai nấy đều tấm tắc, trầm trồ. Phía cuối con hẻm đoạn mới thi công lại giáp với một con hẻm khác cũng vừa đổ bê tông chắc chắn. Ngay lúc “họp nháp” bàn chuyện Thanh minh, anh Hùng nhà phía đoạn đường vừa xây dựng, đi ngang qua liền đề nghị: 2 đầu trên dưới con hẻm cùng đóng góp tổ chức Thanh minh một thể. Ý kiến mới nhưng ai cũng dễ dàng đồng thuận, đồng lòng. Tất cả vì niềm vui chung mới có, niềm vui đạt được một thành tựu, dẫu chỉ nhỏ thôi.

Cảm nhận sự gắn bó, gần gũi, thân tình mỗi ngày một nhiều thêm, dày thêm, sâu thêm nơi con hẻm nhỏ. Trong tiết Thanh minh, tinh thần ngày Giỗ Tổ, tình cảm chia sẻ, yêu thương nơi cộng đồng bé nhỏ tự nhiên trở nên sinh động và chan hòa.

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.