Năm năm với 'vành đai, con đường'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm 2018 là kỷ niệm năm năm triển khai sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng dịp kỷ niệm đã diễn ra tương đối yên ắng, trái ngược với những gì diễn ra trước đó một năm.
 
Sau khi Malaysia bắt đầu dừng các dự án BRI quan trọng để đàm phán lại điều khoản, trong một cuộc họp về BRI ngày 27-8-2018 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh, “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế chứ không phải xây dựng một liên minh địa - chính trị hay quân sự, và do đó sẽ không tạo ra một vòng tròn mang tính loại trừ hay một câu lạc bộ Trung Quốc”.
Nhìn chung, trong năm năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy BRI rất mạnh mẽ và đạt được một số thành tựu cả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế. BRI đã vượt ra ngoài một sáng kiến kinh tế thông thường. Trung Quốc đã vận động thành công để BRI được gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc (UN).
Nhận diện BRI
Ban đầu, BRI chỉ được đề cập đến như một sáng kiến kết nối hạ tầng khổng lồ giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, nhưng trong những tuyên bố chính thức gần đây, sáng kiến này đã mở rộng những hoạt động hợp tác kinh tế của mình đến cả Bắc cực và Mỹ Latinh.
Ngày 20-9-2018, trang thông tin chính thức về BRI của Trung Quốc đã cập nhật 106 quốc gia ký 124 văn bản hợp tác liên quan đến BRI với Trung Quốc, ngoài ra 29 tổ chức quốc tế cũng đã ký 26 văn bản khác. Mặc dù Trung Quốc kêu gọi các nước cùng tham gia vào dự án này nhưng nhìn vào thực tiễn triển khai cho đến nay có thể thấy BRI vẫn vắng bóng các quốc gia phát triển.
Một đặc điểm dễ nhận thấy của BRI là các hoạt động hợp tác đều diễn ra theo dạng quan hệ song phương giữa Trung Quốc với quốc gia nhận vốn vay nhưng đều được Trung Quốc lồng ghép vào các sáng kiến hợp tác khu vực hoặc nâng tầm thành một dạng hợp tác của Trung Quốc với khu vực.
Thứ hai, BRI gắn với chiến lược phát triển của các quốc gia. Chẳng hạn, trong quá trình thúc đẩy BRI ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã tạo ra sự gắn kết giữa BRI với chiến lược phát triển quốc gia của các nước trong khu vực, như chiến lược “tứ giác” của Campuchia, sáng kiến “Trục hàng hải” của Indonesia, “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam, “Tầm nhìn Philippines 2040”, “Chiến lược đưa Lào thành quốc gia nối ra biển”, “Sáng kiến kết nối Chiến lược Singapore - Trung Quốc,” “Chiến lược 4.0 của Thái Lan”...
Mặc dù BRI hay được nhắc tới như một siêu dự án về cơ sở hạ tầng, nhưng Trung Quốc cũng âm thầm triển khai kết nối công nghệ thông tin để hình thành con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR).
Thứ ba, BRI nhằm vào các nước giàu tài nguyên hoặc các nước có vị trí chiến lược. Một đặc điểm quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng là chúng không chỉ phục vụ mục đích thương mại mà còn nhằm thuận lợi hóa hoạt động khai thác và kinh doanh của các khu mỏ.
Thứ tư, BRI thường nhằm vào các nước có mức độ minh bạch thấp, tham nhũng lớn.
Thứ năm, các dự án BRI là các dự án “được đặt tên lại” (rebranded). Dường như không có tiêu chí cụ thể cho những gì đủ điều kiện để gọi là một dự án BRI, sáng kiến này đến nay đã phát triển thành một danh sách dài vô tận các hoạt động không liên quan.
Cuối cùng, mặc dù BRI hay được nhắc tới như một siêu dự án về cơ sở hạ tầng, nhưng Trung Quốc cũng âm thầm triển khai kết nối công nghệ thông tin để hình thành con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR).
BRI và ba thách thức
Thách thức nợ. Mặc dù đây là một khái niệm còn gây tranh cãi, nhưng quan sát “làn sóng xét lại” đối với dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc có thể thấy nỗi lo về “nợ không trả được” ngày càng trở thành quan ngại chính đứng đằng sau quyết định của các chính phủ.
Thách thức pháp lý. Sẽ không dễ cho các quốc gia có tranh chấp kinh tế với Trung Quốc vì nước này đã thành lập tòa án BRI để xử lý các tranh chấp kinh tế liên quan đến các dự án thuộc sáng kiến BRI vào năm 2018. Cụ thể, Trung Quốc sẽ sử dụng Tòa án Thương vụ quốc tế Trung Quốc (CICC) làm cơ quan xử lý các tranh chấp liên quan đến các dự án nằm trong khung khổ sáng kiến này. Cả tám thẩm phán đều phải là người Trung Quốc. Ngôn ngữ chính thức mà CICC dùng để thụ lý các vụ án là tiếng Trung.
Thách thức tiêu chuẩn Trung Quốc. Bẫy nợ dễ nhận thấy, nhưng còn bẫy tiêu chuẩn nguy hại không kém thì dường như chưa được chú ý nhiều. Nghiên cứu từ Viện Lowy (2017) đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang có ý định sử dụng BRI để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ máy móc của Trung Quốc, không chỉ trong vận tải đường sắt, mà còn trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tài chính và quản lý dữ liệu.
Theo kế hoạch hành động năm 2017 về Tiêu chuẩn hóa Hành chính Trung Quốc, quốc gia này sẽ thúc đẩy việc thực hiện tiêu chuẩn thống nhất với mạng 5G và các thành phố thông minh tại các quốc gia dọc theo BRI: “Các tiêu chuẩn sẽ phục vụ [cho sáng kiến BRI] như là cầu nối giữa phát triển đổi mới với việc thị trường hóa và công nghiệp hóa của chính những đổi mới đó”.
Các công ty viễn thông như Huawei, China Mobile và ZTE đã gia tăng sự hiện diện của mình trong việc thiết lập nên các tiêu chuẩn quốc tế cho thiết bị và tổ chức vận hành mạng 5G. Hậu quả của việc rơi vào bẫy tiêu chuẩn là: (i) đảm bảo vị trí của Trung Quốc với tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa duy nhất tại các quốc gia BRI; (ii) mang lại cho Trung Quốc sức mạnh thương lượng vượt trội trong các cuộc đàm phán về giá đối với các sản phẩm “theo tiêu chuẩn của Trung Quốc” trong tương lai; (iii) về mặt chiến lược, cáp viễn thông được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc có nghĩa là máy chủ lưu trữ các quốc gia có khả năng phải chịu sự giám sát điện tử ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Hợp tác BRI ở Việt Nam
Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai BRI, hai bên ký một biên bản ghi nhớ (MOU) về kết nối “Hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và con đường” tại Hà Nội vào tháng 11-2017 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Việc hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và con đường” phản ánh lựa chọn mang tính chủ động của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia sáng kiến nhiều khả năng cũng sẽ tuân theo những nguyên tắc và thứ tự được cân nhắc kỹ. Giống nhiều quốc gia khác, một trong những đặc điểm quan trọng của những dự án BRI đã triển khai ở Việt Nam đều là các dự án “được đặt tên lại” (rebranded), hàm ý rằng các dự án này đã ký kết hoặc triển khai từ trước năm 2013-2014. Ở Việt Nam, dự án Cát Linh - Hà Đông, các dự án thuộc sáng kiến hai hành lang, một vành đai, hay nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đều mang tính chất này.
Một số thách thức cần tránh khi hợp tác BRI ở Việt Nam, đó là làm sao hạn chế nợ công gia tăng nhanh chóng. Kinh nghiệm của các nước tham gia hợp tác BRI cho thấy nợ công của quốc gia đều tăng nhanh. Áp lực trả nợ của Chính phủ Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Năm 2018, chi trả nợ lãi là 112.520 tỉ đồng, bằng 28,15% chi đầu tư phát triển. Tỷ lệ chi trả lãi/GDP đã tăng từ mức 0,8% GDP lên 2% GDP. Vào những thời điểm đáo hạn các khoản nợ nước ngoài lớn, con số ấy có thể lên tới trên 3% GDP.
Thách thức tiếp theo là hiệu quả kinh tế không rõ ràng. Vay vốn Trung Quốc để đầu tư cho các dự án BRI có thể là khoản đầu tư thiếu tính kinh tế đối với Việt Nam bởi hai lý do: (i) điều kiện vay vốn từ Trung Quốc có thể dễ dàng hơn nhưng chi phí vay vốn không thấp; (ii) thời gian thi công kéo dài khiến dự án bị đội vốn, làm cho chi phí thực tế cao hơn nhiều so với dự toán. Theo tính toán của tôi, tỷ trọng dự án bị chậm tiến độ do nhà thầu các nước thi công lần lượt là Nhật Bản 40%, Trung Quốc 67%, Việt Nam 80%, các nước khác 33%.
Thứ ba, vấn đề lao động Trung Quốc bất hợp pháp. Chẳng hạn, tại Bình Thuận đã phát hiện 482 trường hợp lao động Trung Quốc chưa được cấp phép và 257 trường hợp lao động Trung Quốc không thuộc diện cấp phép trong số hơn 1.000 lao động là người nước ngoài tại dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1(1) .
Để hợp tác BRI thời gian tới hiệu quả hơn, tôi cho rằng có thể tập trung vào các giải pháp liên quan đến kết nối chính sách. Cụ thể, Chính phủ có thể thành lập nhóm giúp việc về BRI. Đồng thời, báo cáo Quốc hội hàng năm về thực trạng và hiệu quả hợp tác BRI với Trung Quốc trên cơ sở thực hiện báo cáo chuyên ngành về triển khai sáng kiến BRI và tác động đối với các nước khác để rút ra những bài học kinh nghiệm và cảnh báo đối với Việt Nam.
(*) Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
(1) https://vietnambiz.vn/hon-500-lao-dong-nuoc-ngoai-lam-chui-o-vinh-tan-36376.htm
TS. Phạm Sỹ Thành(*) (TBKTSG)

Có thể bạn quan tâm

Toyota Avanza Premio sở hữu diện mạo mạnh mẽ và năng động

Toyota Avanza Premio 2022: Xe cho người tiết kiệm, giá trên 617 triệu đồng

(GLO)- Toyota Avanza Premio là mẫu MPV nhập khẩu từ Indonesia, được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm DNGA của Daihatsu, mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong thiết kế ngoại và nội thất. Xe sở hữu hai tùy chọn cấu hình là số sàn MT giá hơn 617 triệu đồng và CVT giá trên 617 triệu đồng.

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

(GLO)- Suzuki Ertiga 2022 là một trong những mẫu MPV cỡ nhỏ phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe gia đình. Với động cơ hybrid nhẹ, Suzuki Ertiga không chỉ mang lại khả năng vận hành ổn định mà còn tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với các mẫu xe cùng phân khúc.