"Lũy thép" trên vành đai biên giới- Bài 2: Xây thế trận lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biên phòng - Thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ làm công tác dân vận: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, gần 60 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP công tác tại địa bàn Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sống cùng dân, tận tụy chăm lo đời sống cho dân ở khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc ít người.
Thực tế cho thấy, ở các xã biên giới tuyến Tây Nguyên, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và trình độ của một bộ phận cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, thời gian qua, các đơn vị BĐBP tuyến Tây Nguyên đã tăng cường nhiều cán bộ xuống địa bàn, thực hiện tốt “3 cùng, 4 bám”, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người… xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Chăm lo củng cố, xây dựng cơ sở chính trị
Chúng tôi tới xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vào đầu giờ làm việc buổi chiều. Điều làm tôi bất ngờ là đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã hồ hởi gọi đúng họ tên ngay khi tôi vừa bước ra khỏi xe. Thú thực, lúc đầu tôi không nhận ra là ai, đến lúc giới thiệu mới biết đó là Trung tá chuyên nghiệp Phạm Hồng Lam, Đồn Biên phòng Đắk Dang, làm cán bộ tăng cường xã Quảng Trực. Còn nhớ năm 1997, lúc đó Lam mới ngoài 20 tuổi, mang quân hàm Thiếu úy, đưa tôi đi tác nghiệp tại xã biên giới này trong nhiều ngày. Quảng Trực lúc đó còn nghèo, cảnh thiếu ăn, đứt bữa diễn ra thường xuyên. 
 
Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đến năm 1999, thực hiện Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg, ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ, Lam là lớp cán bộ đầu tiên của BĐBP Đắk Nông trở thành cán bộ tăng cường xã. Hiện nay, ở xã Quảng Trực, ngoài Phạm Hồng Lam, còn có 11 cán bộ Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 11 chi bộ thôn, bon của xã. Với nhiều nỗ lực, đội ngũ này đã từng bước giúp cho xã biên giới Quảng Trực có nhiều khởi sắc. Lam “thống kê” nhanh: Từ một xã nghèo, đặc biệt khó khăn, đến nay, Quảng Trực đã có 70% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa; 100% trường học, cơ sở y tế được kiên cố hóa; 100% hộ dân đã có điện lưới; 6/11 thôn, bon đạt tiêu chuẩn văn hóa. Rất nhiều hộ có mức thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Điểu Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới. Ông nói: “Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và của địa phương, những việc làm âm thầm của đội ngũ cán bộ Biên phòng đã giúp cho Quảng Trực nói riêng, các xã biên giới của tỉnh nói chung thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no...”. 
Không chỉ Quảng Trực mà hiện nay, ở 7 xã biên giới tỉnh Đắk Nông đều có cán bộ Biên phòng bám cơ sở. Theo báo cáo gần đây nhất, hiện 4 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum có 37 cán bộ Biên phòng tăng cường xã, trong đó, 32 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư đảng ủy xã, số còn lại đều được bầu vào cấp ủy các chi bộ. Ngoài ra, còn có 198 đảng viên thuộc các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn gắn với địa bàn phụ trách. Do thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số) nên đội ngũ này đã kịp thời tham mưu, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.
Nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật cho người dân
Từ khoảng 1 triệu người sau giải phóng, đến nay, dân số Tây Nguyên đã tăng lên hơn 5 triệu người. Sự gia tăng về dân số đó đã nảy sinh nhiều hệ quả phức tạp, nguy hiểm, như: Nạn phá rừng diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhiều giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp bị đảo lộn, trật tự, an toàn xã hội, an ninh chính trị bị đe dọa. Đây cũng là cái cớ mà trước kia các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn lợi dụng để kích động một số đồng bào dân tộc nhẹ dạ cả tin tham gia vào các hoạt động gây rối, gây bạo loạn. 
Đồn Biên phòng Ea H'Leo, BĐBP Đắk Lắk phối hợp với Trường Tiểu học Cầm Bá Thước tổ chức lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.
Đồn Biên phòng Ea H'Leo, BĐBP Đắk Lắk phối hợp với Trường Tiểu học Cầm Bá Thước tổ chức lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.
Thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường xã đã giúp các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên phát triển 197 đảng viên, xóa 129 thôn, buôn, bon trắng đảng viên và tổ chức Đảng; củng cố 181 chi bộ và 131 tổ chức chính trị-xã hội. Cùng với đó, tỷ lệ đói nghèo ngày càng giảm, các phong trào quần chúng tự quản được củng cố và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Địa bàn khu vực biên giới ngày càng được củng cố vững mạnh.

Trước thực trạng đó, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, nhanh chóng ổn định tình hình. Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, theo đề án của Chính phủ luôn được chú trọng thực hiện. Điển hình trong thực hiện các phong trào này là BĐBP  Đắk Nông và Kon Tum.

Ông Lại Xuân Lâm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giống như một “cú hích” giúp cho BĐBP Kon Tum, các ngành chức năng và địa phương vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Với vai trò là cơ quan chủ trì, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 376 lớp tập huấn nghiệp vụ cho gần 25.000 cán bộ các huyện, sở, ngành; cán bộ xã, thôn, buôn; phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh tổ chức hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động như: Tư vấn về pháp luật cho trên 5.000 vụ việc; xây dựng 31 tủ sách pháp luật ở các xã biên giới, 53 ngăn sách pháp luật ở các đồn Biên phòng; thành lập 372 tổ hòa giải ở các thôn, buôn, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Thông qua công tác vận động quần chúng, bằng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, BĐBP đã khéo léo lồng ghép để chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho người dân thấy được âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức quốc gia, quốc giới, để mỗi người dân nơi biên giới nêu cao hơn trách nhiệm tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đăng Bảy (bienphong) 

Có thể bạn quan tâm