Mạnh tay xử lý tình trạng dùng xung điện đánh bắt cá ở Biển Hồ B

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ lâu, Biển Hồ B là nơi người dân ở các xã giáp ranh của TP. Pleiku và huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đánh bắt cá mưu sinh. Song, thời gian qua, nguồn lợi thủy sản nơi này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dùng xung điện để đánh bắt cá.

Công an xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Theo Đại úy Phạm Thành Luân-Trưởng Công an xã Nghĩa Hưng: Tình trạng dùng xung điện để đánh bắt thủy sản tại Biển Hồ B đã diễn ra từ lâu. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý kiên quyết song tình trạng này lại rộ lên trong thời gian gần đây.

Việc đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này gặp nhiều khó khăn bởi lòng hồ là khu vực giáp ranh giữa huyện Chư Păh và TP. Pleiku.

Lực lượng Công an xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thu giữ bộ kích điện dùng đánh bắt cá của người dân. Ảnh: L.G

Lực lượng Công an xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thu giữ bộ kích điện dùng đánh bắt cá của người dân. Ảnh: L.G

Đại úy Luân thông tin: Qua công tác nắm tình hình, Công an xã xác định một số người dân ở thôn 1 (xã Nghĩa Hưng) và xã Tân Sơn (TP. Pleiku) dùng xung điện để đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không có phương tiện chuyên dụng đường thủy nên khó xử lý khi đối tượng vi phạm dùng thuyền bỏ chạy.

Sự phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vị của huyện Chư Păh và TP. Pleiku cũng chưa chặt chẽ, mặt hồ trải dài, lòng hồ rộng cũng gây ra không ít khó khăn trong đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm.

“Những người vi phạm lợi dụng đêm tối để đánh bắt tôm cá. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ tắt điện, chèo thuyền bỏ đi nên khó truy bắt. Qua rà soát, chúng tôi xác định những người làm nghề này hầu hết có hoàn cảnh rất khó khăn.

Dẫu vậy, chúng tôi quyết tâm xử lý triệt để bởi hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn dễ xảy ra tai nạn về điện cho chính những người sử dụng”-Đại úy Luân cho biết.

Thời gian qua, Công an xã Nghĩa Hưng đã tham mưu, đề xuất UBND xã đặt nhiều bảng cấm với nội dung “Cấm đánh bắt thủy sản bằng điện” ở nhiều khu vực, trong đó tập trung vào các bến thuyền của người dân. Đồng thời, tuyên truyền đến các hộ dân sống bằng nghề chài lưới về sự nguy hiểm của hành vi dùng xung điện để đánh bắt cá cũng như mức xử phạt lên đến hàng chục triệu đồng.

Trong năm 2023, lực lượng Công an đã tổ chức nhiều đợt tuần tra vào ban đêm và phát hiện, xử lý 1 trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, vào khoảng 3 giờ ngày 7-1, Công an xã Nghĩa Hưng đã bắt quả tang anh N.N.Q. (thôn 1, xã Nghĩa Hưng) chèo thuyền dùng xung điện đánh bắt thủy sản. Công an xã đã tịch thu tang vật, lập hồ sơ xử lý với anh Q.

Tại cơ quan Công an, anh Q. phân trần: “Gia đình khó khăn quá nên tôi mới mua lại bộ kích này với giá 1 triệu đồng để đánh bắt cá. Đi từ 22 giờ đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau kiếm được khoảng 3-4 kg. Lần này, tôi bị lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ. Tôi đã thấy việc làm của mình là sai trái và sẽ không tái phạm nữa”.

Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Ông N.V.Đ. (xã Nghĩa Hưng) bộc bạch: “Cùng làm nghề chài lưới với nhau nhưng họ dùng cả xung điện đánh bắt thì tôm cá nào còn. Là hàng xóm của nhau nên chúng tôi rất khó nói, chỉ mong lực lượng Công an xử lý nghiêm để tránh tái diễn, giữ lại nguồn lợi thủy sản sau này”.

Khu vực Biển Hồ B những năm gần đây trở thành điểm du lịch ưa thích của nhiều người, trong đó có những người yêu thích thú vui câu cá. Anh Đoàn Văn Thứ (tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi khi rảnh rỗi, tôi cùng nhóm bạn thường ra Biển Hồ B câu cá. Ở đây không chỉ có nhiều loại cá mà phong cảnh rất thơ mộng, yên bình. Có thể nói đây là một trong những địa điểm lý tưởng của các cần thủ.

Tuy vậy, thỉnh thoảng gặp người dùng xung điện bắt cá, chúng tôi rất bức xúc nhưng không biết làm sao. Bà con đều ủng hộ biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn nạn tận diệt thủy sản tại Biển Hồ B”.

Có thể bạn quan tâm

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.