Kiến nghị sớm đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 10 năm không được áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, ngành nông nghiệp bị “thiệt đơn, thiệt kép”, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Dây chuyền sản xuất phân bón thân thiện với môi trường tại Nhà máy phân bón Long Mỹ, thuộc Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định. Ảnh minh họa: Hồng Nhung/TTXVN

Dây chuyền sản xuất phân bón thân thiện với môi trường tại Nhà máy phân bón Long Mỹ, thuộc Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định. Ảnh minh họa: Hồng Nhung/TTXVN

Để giảm gánh nặng chi phí cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị: Cần xem xét cải thiện chính sách thuế VAT đối với phân bón.

Trước đây, khi áp dụng Luật Thuế VAT năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015. Từ đó, ngành phân bón gặp khó khăn khi chịu thuế VAT.

"Hiện nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Vì vậy, áp mức thuế mới sẽ làm cho sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như: Trung Quốc, ASEAN. Doanh nghiệp kỳ vọng nếu chính sách mới được thông qua sẽ là 'cú huých' lớn cho sản xuất phân bón trong nước", ông Đỗ Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư nông sản Apromaco kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bên lề Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc không chịu thuế VAT, tức là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến việc giá thành phân bón tăng. Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

“Cần phải giải thích rõ cho nông dân: Việc áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân bón sẽ tăng 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm từ đó giá bán lẻ phân bón cho nông dân sẽ giảm. Thay vào đó, nông dân sẽ được hưởng lợi từ sự giảm giá này vì doanh nghiệp có thể giảm giá bán sản phẩm đầu ra, giúp giá phân bón rẻ hơn hoặc ít nhất là duy trì ở mức giá hiện tại”, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Ví dụ trước đây, một doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Khi doanh nghiệp bán sản phẩm, giá bán phải gồm toàn bộ chi phí này. Tuy nhiên, khi thuế VAT 5% được áp dụng và cho phép khấu trừ đầu vào, chi phí sản xuất giảm, giá bán ra có thể duy trì hoặc thậm chí giảm xuống. Điều này có nghĩa, nông dân không phải chịu gánh nặng chi phí tăng.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu chuỗi giá trị nông sản: Chi phí sản xuất; tài chính và tín dụng; chính sách thuế và hỗ trợ. Các chính sách thuế và hỗ trợ của Nhà nước có tác động lớn đến tài chính của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Các chính sách không hợp lý có thể làm tăng gánh nặng chi phí, trong khi các chính sách hỗ trợ hiệu quả có thể giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.

“Cần có những giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính và tín dụng, cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển, giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có đủ nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, có thêm chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào hạ tầng và logistics, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Nguyễn Văn Phụng kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện chi phí vật tư chiếm khoảng 40 - 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, đây cũng là đầu vào thiết yếu không thể thiếu nên tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Tuy nhiên, hiện mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” theo Luật số 71. Nếu được khấu trừ, sản phẩm được khấu trừ thuế VAT thì giá thành giảm xuống.

“Giá thành phân bón tăng khiến người nông dân phải chịu, đó là thực tế 10 năm qua. Bên cạnh đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Ngành nông nghiệp tiêu thụ từ 11 - 12 triệu tấn phân bón trong đó, sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được. Khi nhập khẩu - gây cạnh tranh bất bình đẳng, doanh nghiệp các nước chịu thuế VAT nên được khấu trừ, do đó, giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Trí Ngọc trăn trở.

Trước đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái bình cho rằng: Việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế VAT vào đối tượng chịu thuế VAT 5% như tờ trình của Chính phủ là quyết định đúng đắn. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí sản xuất giảm và sẽ có dư địa lớn để cạnh tranh, giảm giá.

“Giả sử mặt hàng phân bón được đánh thuế 5% nhưng chi phí đầu vào áp với mức thuế VAT 8% đang được hưởng ưu đãi, thì được khấu trừ là 8%; đầu ra trả thêm 5% nhưng đầu vào họ được khấu trừ 8%. Như vậy, chi phí sản xuất về mặt lý thuyết doanh nghiệp đã có lợi hơn một khoản chênh từ 2 đến 3% để giảm chi phí sản xuất. Đây là một quyết định rất có lợi”, ông Phan Đức Hiếu nêu.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.