Không còn ba mẹ trên đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ba mẹ chia tay, rồi mẹ mất vì ung thư máu hơn chục năm trước, nay ba của em Lê Hoàng Hóa (15 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng qua đời đột ngột vì Covid-19. Trước cú sốc vì cảnh mồ côi, Hóa không thể ăn uống, em đã sụt 5 kg trước năm học mới.

Đến giờ, vì kẹt ở Cần Thơ nên Hóa chỉ có thể nhờ em trai cùng cha khác mẹ thắp nhang giúp cho ba. Ảnh: Vũ Phượng
Đến giờ, vì kẹt ở Cần Thơ nên Hóa chỉ có thể nhờ em trai cùng cha khác mẹ thắp nhang giúp cho ba. Ảnh: Vũ Phượng


Biết em Lê Hoàng Hóa (học sinh lớp 9 Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh) là cậu bé sống tình cảm, nên khi ông Lê Hoàng Đơn (41 tuổi, ba em) mất vì Covid-19, cả nhà đều giấu. Cô Tư và mẹ kế của em nuốt nước mắt, chờ tới ngày nhận tro cốt mới báo tin cho Hóa. Thiếu tình yêu thương của mẹ ruột từ nhỏ, nay thêm ba mất, Hóa không chịu nổi cú sốc. Dù đang kẹt ở Cần Thơ với họ hàng sau kỳ nghỉ hè, em cũng bỏ ăn nhiều ngày, sụt 5 kg khiến cả nhà lo lắng.

Ba em lúc sống khổ lắm

Nói chuyện với PV qua điện thoại, em Hóa vẫn nghẹn đắng cổ họng, tiếng được tiếng mất. Ba mất đã hơn 1 tháng, nhưng em vẫn chưa nguôi được nỗi đau trong lòng, lúc nào cũng len lén khóc một mình. Em kể, cuối tháng 5, em và anh trai (17 tuổi) được ba và cô Lê Thị Kim Sa (35 tuổi, cô Tư của Hóa) đưa về Bến Tre ở với ông bà nội tránh dịch Covid-19. Nhưng vì cuộc sống ông bà khó khăn nên chú ruột ở Cần Thơ đón em về chăm sóc, chờ ngày tựu trường thì đưa em lên TP.HCM đi học. Ở TP.HCM, ba của Hóa vẫn miệt mài trên những chuyến xe, ăn ngủ trên cabin chật chội của chiếc container. Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa ập đến, ba Hóa đã không về nhà để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

 

 Em Hóa (bìa trái) suy sụp khi nghe tin ba mất vì Covid-19
Em Hóa (bìa trái) suy sụp khi nghe tin ba mất vì Covid-19


“Em thấy dịch Covid-19 nguy hiểm nên gọi nhắc thôi ba về đi, mà ba không về. Đến ngày ba nhiễm bệnh, em gọi hỏi thăm ba đều nói khỏe, ba không sao. Ba dặn em ở yên trong nhà, ra đường thì phải đeo khẩu trang. Sáng 10.8 em còn nhận được điện thoại ba dặn lo học hành, xong sau đó thì em gọi ba không được nữa”, Hóa tâm sự. Đinh ninh là điện thoại ba hết pin nhưng lòng như lửa đốt, Hóa gọi điện thoại cho cô Tư hỏi sức khỏe ba. Cô Tư một mực kêu không sao, nhà không có chuyện gì hết. Đến ngày 19.8, nhận được tro cốt ba, cô Tư mới gọi báo tin buồn cho em. Ngay chiều hôm ấy, em Hóa suy sụp. Dù có cố gắng kìm chế thế nào, nước mắt vẫn cứ chảy dài.
 

Giờ em chỉ muốn sớm được quay lại TP.HCM, thắp nhang cho ba và nói với ba là con thương ba lắm. Bao lâu nay em thương nhưng không nói ra, giờ em thấy tiếc nuối lắm.

Em Lê Hoàng Hóa

“Từ năm em 3 tuổi là mẹ mất rồi nên ba cưng chiều em và anh hai lắm. Ba không bao giờ la mắng một câu. Có lần ba cho em đi theo xe, em thấy ba chạy cả ngày đêm, phải uống nước ngọt, sữa để tỉnh táo, bốc vác hàng hóa nặng. Ba em làm cực lắm để lo cho mấy anh em ăn học. Không còn mẹ, giờ em cũng không còn ba nữa…”, Hóa bỏ lửng câu nói, nấc nghẹn ở đầu dây bên kia.

Chị Lê Thị Kim Sa cho biết ở Cần Thơ, em của chị thấy Hóa suy sụp, không chịu ăn uống nên gọi điện nói chị điện thoại về khuyên răn giúp. Nghe lời cô Tư, Hóa mới chịu ăn cho qua bữa. Tròn 1 tháng ba mất vì Covid-19, Hóa sụt tới 5 kg, khiến cả nhà càng thêm đau lòng. Hóa chia sẻ: “Giờ em chỉ muốn sớm được quay lại TP.HCM, thắp nhang cho ba và nói với ba là con thương ba lắm. Bao lâu nay em thương nhưng không nói ra, giờ em thấy tiếc nuối lắm”.

 

Em Lê Hoàng Minh (10 tuổi) xúc động khi nhắc về ba
Em Lê Hoàng Minh (10 tuổi) xúc động khi nhắc về ba


Người trụ cột ra đi

Ông Đơn đi thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên (42 tuổi) và có cậu con trai năm nay lên lớp 5. Vợ chồng bà Nguyên thuê nhà trọ ở cùng với mẹ con cô Tư tiết kiệm chi phí. Để bù đắp tình cảm cho các con chồng, bà Nguyên thương yêu, chăm sóc Hóa và anh trai như con ruột. Bà Nguyên cho hay ngày chồng báo tin bị nhiễm Covid-19 và phải thuê nhà trọ ở Q.7 cách ly, bà và em gái đứng ngồi không yên. Bao nhiêu nỗi lo cứ vậy ập đến trong đầu, không biết ai lo cơm nước, vệ sinh trong những ngày chồng nằm một chỗ. “Đầu tháng 8, anh điện về nói anh khó thở, mua cho anh bình ô xy. Tôi lục khắp các trang mạng, tìm mua được bình giao đến tận nơi. Anh cầm cự được mấy ngày, sau đó được cô chủ trọ đưa đi viện ngày 10.8, vừa tới cổng bệnh viện thì anh mất”, em gái ông Đơn thuật lại.

Bà Nguyên giọng run rẩy nói chồng là trụ cột gia đình, một tay chồng bà lo mọi khoản sinh hoạt, chi tiêu trong nhà, nuôi các con ăn học, lo cho ba mẹ già, bà chỉ làm vài việc vặt, lo chăm sóc, đưa rước các con. Giờ chồng ra đi, em thì thất nghiệp vì Covid-19, những ngày tháng tới, hai chị em với những đứa con nít trong nhà không biết phải bám trụ vào đâu.


 

Bà Nguyên lo lắng khi người trụ cột gia đình đột ngột ra đi
Bà Nguyên lo lắng khi người trụ cột gia đình đột ngột ra đi


Con hẻm vào nhà em Hóa ở số 66 Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà san sát nhau, những sợi dây giăng hai màu đỏ, trắng, tấm bảng “Nhà có F0” vẫn dán khắp nơi. Em Lê Hoàng Minh (10 tuổi, con trai út của ông Đơn) ngồi ở tấm nệm đặt trước bàn thờ ba, đôi mắt thất thần nhìn ra ngoài đường. Canh nhang trên bàn thờ vừa cháy gần hết, Minh lại đến đốt thêm một nén nữa “để ba được ấm”, cậu bé giải thích. Nghe con nói, bà Nguyên và cô Tư ngồi sát bên lại đưa tay lên quệt nước mắt. Em Minh bộc bạch: “Ngày trước ba hay đi làm đến chủ nhật về mua đồ ăn, đồ chơi cho em, lúc rảnh ba đưa đi học thêm. Em nhớ ba lắm, giờ qua mấy cái chủ nhật rồi nhưng em không còn ba nữa”. Nói xong, Minh tu tu khóc vì nhớ.

Chị Sa cũng chia sẻ điều chị lo lắng nhất lúc này là tương lai của những đứa trẻ trong nhà khi người trụ cột đã ra đi. Con trai đầu của ông Đơn bị bệnh thần kinh, nhiều lần lên cơn giật chết đi sống lại nên nghỉ học từ sớm; Hóa học rất giỏi, nổi bật trong các hoạt động ở trường và cuối cùng là Minh, cậu bé chỉ vừa bước vào lớp 5, còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất ba.

“Covid-19 thật nghiệt ngã, cuộc sống của gia đình vẫn đang ngày qua ngày nhưng đau đớn lắm. Giờ chị em tôi chỉ mong sớm tìm được việc làm, gồng gánh lo cho mấy đứa nhỏ ăn học tới nơi tới chốn theo nguyện vọng của ảnh”, chị Sa bày tỏ.

Theo VŨ PHƯỢNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.