Điều này được xem là hợp xu thế trong bối cảnh các địa phương đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội nghị không chỉ là dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 tỉnh mở rộng thị trường, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng vươn xa.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Gia Lai có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ Bắc Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Với Sân bay Pleiku, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các tuyến quốc lộ trọng điểm 14, 19 đi qua, Gia Lai đang dần khẳng định vị thế trong khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, Gia Lai sở hữu tiềm năng lớn về nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực có sản lượng nông sản hàng năm đạt những con số ấn tượng: hơn 3 triệu tấn mía, 1,6 triệu tấn mì tươi, 312 ngàn tấn cà phê (trong đó xuất khẩu 250 ngàn tấn). Đến nay, toàn tỉnh có hơn 450 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao và 67 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều sản phẩm có thương hiệu.
Trong khi đó, chia sẻ về thế mạnh của tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Ninh Bình có lợi thế về sản xuất công nghiệp, với các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, phân bón, may mặc, giày dép và thực phẩm.
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đạt trên 101,3 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,37 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước và vượt 3,7% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, mặt hàng camera và linh kiện điện tử đạt giá trị xuất khẩu 746,3 triệu USD; giày dép xuất khẩu trên 1,01 tỷ USD; ô tô và linh kiện ô tô đạt 202 triệu USD…

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế, các sản phẩm đặc trưng của Gia Lai và Ninh Bình chưa thâm nhập sâu vào các thị trường trong và ngoài nước. Việc liên kết cung cầu, tìm kiếm đối tác và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết. Hội nghị lần này có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ 2 tỉnh.
Với tinh thần cởi mở, các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động tìm kiếm đối tác và thiết lập mối liên kết dài hạn. Các bên không chỉ giới thiệu về sản phẩm, mà còn thẳng thắn chia sẻ khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm thị trường và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Tạo nền tảng cho hợp tác lâu dài và bền vững
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh-Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Thanh Nguyễn (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu sản xuất món thịt chưng mắm tép vốn nổi tiếng tại quê hương Gia Viễn, Ninh Bình. Năm 2021, sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công ty đầu tư công nghệ tiệt trùng và không sử dụng chất bảo quản.
Hiện nay, Công ty cung cấp ra thị trường 2 vị gồm: vị truyền thống tiêu thụ trong tỉnh và vị cay cung cấp cho thị trường miền Trung, miền Nam. Đến thời điểm này, sản phẩm của Công ty đã được tiêu thụ tại 63 tỉnh, thành trong cả nước với số lượng trung bình 1.000 hũ/ngày. Hy vọng qua hội nghị này, sản phẩm của Công ty tiêu thụ rộng rãi hơn, đặc biệt là xây dựng được các đại lý phân phối và đưa vào các chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Còn với Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát (353/12 Trường Chinh, TP. Pleiku), đây là cơ hội để quảng bá sâu hơn sản phẩm đặc sản của địa phương đến với các nhà phân phối ở Ninh Bình. Bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty-cho hay: Công ty tập trung nghiên cứu, chế biến sâu các sản phẩm từ thịt tươi như: xúc xích, bò một nắng, khô gà, khô bò, muối kiến vàng.
Hiện nay, Công ty có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao gồm: xúc xích gà lá é, xúc xích heo sọc dưa, xúc xích tôm Biển Hồ, gà xông khói và giò lụa thủ công. Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong tỉnh để thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm; đồng thời, xây dựng chuỗi cửa hàng bán sản phẩm tại địa phương và trên kênh thương mại điện tử để giới thiệu các sản phẩm của Công ty và các sản phẩm đặc trưng đến từ nhiều địa phương khác. Hiện các sản phẩm đã được tiêu thụ tại hơn 40 tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu qua Lào, Campuchia.
“Chúng tôi mong muốn qua hội nghị, các sản phẩm của Công ty tiếp cận sâu hơn hệ thống phân phối tại miền Bắc và ký kết thêm nhiều hợp đồng dài hạn”-bà Bé chia sẻ.

Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, các doanh nghiệp đã ký kết thành công 4 hợp đồng và biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai ký kết với Công ty cổ phẩn Chế biến thực phẩm Thanh Nguyễn tiêu thụ sản phẩm mắm tép chưng thịt; Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên ký kết với Công ty cổ phần Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Tát tiêu thụ sản phẩm gốm; hộ kinh doanh tinh dầu An Thiên ký kết với Công ty TNHH Sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú tiêu thụ sản phẩm cơm cháy; Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát ký kết với Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn tiêu thụ sản phẩm thảo dược.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Hương-đại diện Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên (161 Lê Duẩn, TP. Pleiku): Hiện nay, Công ty có gần 20 sản phẩm gồm yến thô và các sản phẩm tinh chế từ yến. Hầu hết sản phẩm yến tinh chế đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Các sản phẩm đã được bày bán tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, đây là mặt hàng có giá cao nên nhiều người chưa tiếp cận được.
Do đó, Công ty mong muốn các sở, ban, ngành có các quy chuẩn trong đánh giá, công bố chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho khách hàng; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giới thiệu sản phẩm tại các chương trình kết nối cung cầu để sản phẩm được đi sâu hơn vào thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các chương trình kết nối, ông Phạm Văn Binh cho rằng, hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà phân phối 2 tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Theo đó, Sở Công thương 2 tỉnh sẽ phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà phân phối trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tương lai. Việc tổ chức những hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa mang ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, nâng cao giá trị nông sản và hàng hóa địa phương.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng với thị trường, tăng cường liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị, giảm chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đối với các nhà phân phối, cần đặt mục tiêu kết nối sản phẩm vùng miền để đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở việc ký kết hợp đồng và biên bản ghi nhớ, nhiều doanh nghiệp mong muốn phối hợp lâu dài với nhiều hình thức như hình thành các đại lý phân phối, gian hàng trưng bày sản phẩm tại địa phương bạn và tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại khác trên cả nước.
Qua sự kiện này, có thể khẳng định, kết nối cung cầu không chỉ là cầu nối giữa người bán và người mua mà còn là động lực để từng địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, đồng thời xây dựng hệ sinh thái sản xuất-tiêu thụ bền vững, hướng đến thị trường xuất khẩu.