Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai và ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng, ban, chuyên môn thuộc Sở Công thương và 15 doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ 2 tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà phân phối 2 tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững. Theo đó, Sở Công thương 2 tỉnh sẽ phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục và các công việc khác để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà phân phối trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tương lai.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công thương của 2 tỉnh đã thông tin về tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế cũng như thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của 2 địa phương. Theo đó, đối với tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển về sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp với những loại cây trồng chiếm ưu thế như cà phê, mía, điều cây ăn trái, cây dược liệu... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 430 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 820 triệu USD (tăng 20,59% so với năm 2023), có 30 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực qua 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình có lợi thế về sản xuất công nghiệp với các mặt hàng chủ lực như: linh kiện điện tử, ô tô, xuất xi măng, phân bón, may mặc, giày dép, lương thực, thực phẩm. Các mặt hàng này đã được xuất khẩu sang trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 101,3 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 3,370 tỷ USD (tăng 5,6% so với năm 2023 và vượt 3,7% so với kế hoạch của năm). Trong đó, mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao là camera và linh kiện điện tử đạt 746,3 triệu USD, giày dép đạt trên 1,010 triệu USD, ô tô và linh kiện ô tô đạt 202 triệu USD…
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, nhà phân phối đã thảo luận về những kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị đến Sở Công thương 2 tỉnh trong việc tiếp tục hỗ trợ kết nối nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Kết thúc hội nghị, các doanh nghiệp, nhà phân phối đã thống nhất ký kết 4 hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của 2 tỉnh nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng.