Ia Grai: Doanh nghiệp xin làm thủy điện, dân lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi nghe thông tin có doanh nghiệp đang xin chủ trương đầu tư xây dựng thủy điện trên suối Ia Tchom, nhiều người dân có đất sản xuất tại khu vực này tỏ ra khá bất ngờ và lo lắng...   
Sợ mất đất sản xuất
Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Phúc Tín (Công ty Phúc Tín) là doanh nghiệp đang làm thủ tục xin chủ trương của huyện Ia Grai để đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Ia Tchom 1. Vị trí mà Công ty Phúc Tín dự kiến đầu tư xây dựng thủy điện Ia Tchom 1 là trên suối Ia Tchom, thuộc làng Krung, xã Ia Tô và làng Khớp, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai. Điều này khiến không ít người dân của 2 làng có đất sản xuất tại khu vực này lo lắng vì sợ mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của gia đình mình khi dự án được triển khai.
Khi nghe thông tin có dự án làm thủy điện trên suối Ia Tchom, vị trí có thể ảnh hưởng đến khu vực đất sản xuất của gia đình, anh Rmah Huy (làng Krung, xã Ia Tô) tỏ ra khá bất ngờ và khá lo lắng. Theo anh Huy cách đây gần 10 năm, xã cũng đã họp dân làng để thông báo về việc xây dựng thủy điện nhưng người dân trong làng không đồng ý vì sợ mất đất sản xuất, sau đó thì không thấy gì nữa. 
Anh Rơ Chăm Alan lo lắng nhiều diện tích đất sản xuất của dân làng sẽ bị ngập khi thủy điện chặn dòng. Ảnh: Q.T
Anh Rơ Chăm Alan lo lắng nhiều diện tích đất sản xuất của dân làng sẽ bị ngập khi thủy điện chặn dòng. Ảnh: Q.T
“Nếu việc làm thủy điện ảnh hưởng đến đất sản xuất của gia đình mình thì mình mong muốn được đền bù một mảnh đất khác gần làng để trồng cà phê như bây giờ, chứ mình không thích đền bù bằng tiền. Vì có đền bù tiền tỷ thì cũng tiêu sài hết thôi, còn có đất sản xuất thì mới có thu nhập ổn định hàng năm và cũng để dành đất cho con mình sau này có cái để sản xuất nữa”-anh Huy cho biết. 
Anh Huy cho biết thêm, gần 2 ha trồng cà phê và điều (trong đó, khoảng hơn 1 ha cà phê hơn 10 năm tuổi, còn lại là diện tích điều đang cho thu hoạch), mỗi năm cho gia đình anh thu nhập ổn định trên dưới 100 triệu đồng. 
Theo anh Rơ Chăm Alan (thôn trưởng làng Krung), cho biết, trước đây xã và công ty cũng xuống hỏi ý kiến dân làng một lần rồi nhưng dân làng không cho vì khu vực này tập trung chủ yếu diện tích đất sản xuất của người dân trong làng. Hiện có khoảng 90/145 hộ dân trong làng đang sản xuất tại khu vực này, cây trồng chủ yếu là cà phê, điều... người nhiều nhất cũng khoảng 2 ha, người ít cũng được vài sào.   
“Nếu làm thủy điện thì nước dâng lên ngập hết đất sản xuất, dân làng không có đất sản xuất sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân làng. Cho dù có đền bù bằng tiền cho người dân thì cũng không biết mua đất ở đâu để sản xuất, với lại khu vực này đất rất màu mỡ, gần nước và không bao giờ bị thiếu nước nên dân làng rất thích sản xuất ở đây”. 
Trao đổi với PV, ông Rơmah Klin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô, huyện Ia Grai cho biết: Năm 2010 và 2011, Công ty này có làm việc với xã và dân làng Krung để lấy ý kiến về việc làm Thủy điện Ia Tchom 1 rồi nhưng sau đó không biết vì lý do gì mà công ty không triển khai nữa. Có thể do công ty không thống nhất được mức đền bù với người dân nên không triển khai thực hiện. 
“Việc triển khai thực hiện xây dựng thủy điện tại khu vực này sẽ ảnh hưởng 1 phần diện tích đất sản xuất của người dân dẫn đến đời sống của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất sản xuất tại khu vực này khá lớn, khoảng 200 ha đất sản xuất cà phê, điều, cây trồng ngắn ngày… Quan điểm của xã nếu công ty triển khai xây dựng thủy điện thì cần thống nhất phương án đền bù với người dân và triển khai thi công nhanh chóng để không ảnh hưởng đến đời sống của dân làng”-ông Klin nói. 
Chờ ý kiến của Huyện ủy
Theo ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: Hiện UBND huyện đang chờ ý kiến của Huyện ủy. Theo quy chế của Huyện ủy, các dự án đầu tư trên địa bàn thì phải báo cáo xin chủ trương, nhất là các dự án có liên quan đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Được biết, dự án Thủy điện Ia Tchom 1 nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đợt 2 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 14-1-2008 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 15-4-2011. Với các thông số kỹ thuật như sau: diện tích lưu vực là 177 km2, mực nước dâng bình thường là 427 m, mực nước hạ lưu nhỏ nhất 334 m, công suất lắp máy 8 MW…
Tổng diện tích bị ảnh hưởng khi xây dựng dự án khoảng 40 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp của người dân là gần 35 ha (đa số hiện do người đồng bào dân tộc thiểu số 2 làng Krung, xã Ia Tô và làng Khớp, xã Ia Grăng quản lý, sử dụng), đất lòng suối trên 5 ha, không có đất ở, nhà ở thuộc phạm vi xây dựng công trình. Các loại cây trồng phổ biến trong vùng dự án mà người dân đang sản xuất là điều, cao su, mỳ...
Khu vực suối Ia Tchom mà Công ty Phúc Tín dự kiến xin xây dựng thủy điện.
Khu vực suối Ia Tchom mà Công ty Phúc Tín dự kiến xin xây dựng thủy điện. Ảnh: Q.T
Hiện chưa xác định được cụ thể danh sách những hộ bị thu hồi đất khi thực hiện dự án nên chưa xác định được các hộ bị thu hồi đất có bị thiếu đất sản xuất hay không. Đồng thời, hiện trên địa bàn xã Ia Tô và Ia Grăng không còn đất sản xuất nông nghiệp để xem xét hỗ trợ cho các hộ dân khi thu hồi đất sản xuất để thực hiện dự án.
Ngoài ra, theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Ia Grai đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 22-4-2014 chưa có hạng mục xây dựng Thủy điện Ia Tchom 1. Vị trí xây dựng dự án thủy điện này không thuộc đất lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008.  
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.