
Thủ tướng Orban tuyên bố: “Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên EU nếu bước đi đó đi ngược lại lợi ích của Hungary và nhân dân Hungary”.
Ông cũng lấy tư cách Hungary đang là Chủ tịch luân phiên EU nhấn mạnh tới quyền quyết định của Budapest và cảnh báo việc Kiev gia nhập khối sẽ hủy hoại ngành nông nghiệp và nền kinh tế Hungary.
Nêu bật tầm quan trọng của giai đoạn hậu chiến đối với Ukraine, ông Orban cho rằng, khoảng thời gian này còn quan trọng hơn cả giai đoạn diễn ra xung đột.
Lý do theo nhà lãnh đạo Hungary, Ukraine là “vùng đệm” giữa NATO và Nga, đồng thời kiên quyết bác bỏ ý tưởng về việc Kiev trở thành thành viên NATO.
Trong diễn biến khác liên quan, kênh Telegram Archangel Spetsnaz ngày 22/2 cho biết, những chiếc tiêm kích F-16 của Ukraine đã bắt đầu tiếp cận biên giới Nga ở tỉnh Kursk một cách thường xuyên hơn, kèm theo động thái chuyển lực lượng dự bị đến tỉnh Sumy của Ukraine.
Ngoài F-16, 2 chiếc tiêm kích MiG-29 của Ukraine cũng thường xuyên được ghi nhận xuất hiện trên bầu trời.
Trong quan hệ với Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/2 cho biết chính phủ của ông đang làm việc với Mỹ về một dự thảo thỏa thuận nhằm củng cố mối quan hệ đang suy yếu giữa hai nước.
“Ukraine và Mỹ đang làm việc về một dự thảo thỏa thuận giữa 2 chính phủ. Thỏa thuận này có tiềm năng củng cố mối quan hệ 2 bên và quan trọng nhất, các chi tiết phải được sắp xếp theo cách đảm bảo có hiệu quả. Tôi hy vọng sẽ có một kết quả công bằng”, ông Zelensky nói.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz ngày 21/2 cho biết ông kỳ vọng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ sớm ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nhà đàm phán của Mỹ đang gây áp lực với Kiev để có quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine. Washington nêu khả năng cắt quyền truy cập của Ukraine vào hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Liên quan, Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, Nga có thể đồng ý sử dụng 300 tỷ USD tài sản của nước này hiện đang bị đóng băng ở các nước phương Tây cho việc tái thiết Ukraine, song Moscow yêu cầu một phần số tiền này được chi cho các khu vực mà Nga hiện đang kiểm soát.