Hội đồng nhân dân Chư Păh và Chư Sê thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 ngày (13 và 14-7), HĐND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 13 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND huyện Chư Păh báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023; UBND huyện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 13 HĐND huyện Chư Păh. Ảnh: Đinh Yến

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 13 HĐND huyện Chư Păh. Ảnh: Đinh Yến

Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội huyện Chư Păh cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Toàn huyện gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2030 được 2.010 ha, đạt 100% kế hoạch; không để xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 854 tỷ đồng, bằng 50,01% kế hoạch (tăng 19,17% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.238 tỷ đồng. Tổng số hộ kinh doanh đăng ký hoạt động đến 6 tháng đầu năm 2023 là 1.316 hộ, tăng 16,25% so với cùng kỳ năm 2022. Huyện Chư Păh tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt trong xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đã khám, chữa bệnh 16.762 lượt người. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các chế độ, chính sách cho đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Kỳ họp cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề như: tình hình thu-chi ngân sách; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác bình ổn giá cả; kế hoạch nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Sau 2 ngày làm việc, kỳ họp đã thông qua 8 nghị quyết gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023; chương trình giám sát của HĐND huyện năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách huyện năm 2022; phê chuẩn kinh phí bổ sung ngoài dự toán 6 tháng đầu năm 2023; phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi ngân sách địa phương năm 2022; điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương năm 2021; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 và phê duyệt đầu tư công năm 2023 (đợt 3).

* Cùng trong ngày 13 và 14-7, HĐND huyện Chư Sê khóa X tổ chức thành công kỳ họp thứ 12. Kỳ họp đã tập trung đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện; UBND huyện báo cáo tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND huyện Chư Sê. Ảnh: Mỹ Duyên

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND huyện Chư Sê. Ảnh: Mỹ Duyên

Theo đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 6.859 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) đạt 105% so với cùng kỳ năm 2022; tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 là 34.445,84 ha, đạt 91,94% kế hoạch tỉnh và 90,96% kế hoạch huyện, cao hơn 1,44% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn huyện có 12/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã Ia Ko và Ayun chưa đạt); tổng thu ngân sách đến ngày 30-6 là 42,832 tỷ đồng, đạt 34,87% kế hoạch tỉnh giao và đạt 18,99% kế hoạch của Nghị quyết HĐND huyện giao. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn được quan tâm với 64.2021 lượt người khám. Tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số so với cùng kỳ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Giá cả vật tư phân bón, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng… còn ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư sản xuất và đời sống của người dân. Hầu hết các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã đều bị tụt giảm và khó thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai còn chậm…

Tại phiên thảo luận kỳ họp đã ghi nhận 26 lượt ý kiến. Nhìn chung các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với các dự thảo báo cáo, nghị quyết được trình tại kỳ họp; đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ hơn những tồn tại trong thời gian qua nhằm thực hiện đạt kết quả trong những tháng cuối năm.

Đại biểu KPuih H'Hạnh tham gia chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND huyện Chư Sê. Ảnh. Mỹ Duyên

Đại biểu KPuih H'Hạnh tham gia chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND huyện Chư Sê. Ảnh. Mỹ Duyên

Kỳ họp đã biểu quyết thông qua 8 nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND huyện trình, gồm: Tình hình thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023; chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12-HĐND huyện khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026; bổ sung danh mục dự án, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Cải tạo nút giao tại Km 1637+990 đường Hồ Chí Minh (phải tuyến); chương trình giám sát năm 2024 của HĐND huyện; thông qua dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (nguồn vốn tỉnh phân cấp) và bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022.

ĐINH YẾN-MỸ DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.