Hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai huy động nhiều nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) để thu hút doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, các ngành, địa phương cần huy động các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng CCN

Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 CCN đã được thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 391,53 ha; 2 CCN đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập; 9 CCN đang triển khai các bước để thành lập. Tận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, 8 CCN đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 184,6 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ 53,85 tỷ đồng, nguồn kinh phí địa phương và nguồn khác huy động bố trí 130,75 tỷ đồng.

Nhiều CCN đã được đầu tư các hạng mục như: giải phóng mặt bằng, san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện, điện chiếu sáng, xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung và hệ thống cây xanh. Việc hình thành các CCN đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra.

Hiện nay, 8 CCN đã thu hút 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 119,56 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.279 tỷ đồng; trong đó, 54 dự án đang đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 75,33 ha, vốn đầu tư hơn 1.634 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động thu hút 1.165 lao động, doanh thu hàng năm hơn 1.286 tỷ đồng.

Ông Cao Việt Lĩnh-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Păh-cho biết: Cụm Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện có 7 đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho thuê 18,56 ha đất để xây dựng 7 nhà máy sản xuất công nghiệp theo dự án đầu tư đăng ký. Hiện 6 dự án đã xây dựng xong nhà máy và đi vào hoạt động với các ngành nghề: sản xuất gạch không nung, sản xuất bột nhang, chế biến gỗ, sản xuất bột bời lời…

Hiện nay, CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện còn lại 15 lô với diện tích 18,63 ha, trong đó, 2 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 4,16 ha (chưa hoàn thành thủ tục thuê đất), 5 dự án với diện tích 14,47 ha đã được huyện giới thiệu vị trí. Nếu cơ quan thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và cho thuê đất đối với 7 dự án này thì CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện sẽ lấp đầy diện tích.

“Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng kỹ thuật của CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện chưa hoàn chỉnh, chưa tạo sự quan tâm chú ý của nhà đầu tư. Vốn của các doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế nên hoạt động và hiệu quả chưa cao. Nguồn ngân sách huyện còn hạn hẹp nên chưa bố trí được kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN-tiểu thủ công nghiệp theo dự án đầu tư được duyệt, trong khi đó lại không có doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN”-ông Lĩnh cho hay.

Dự án sản xuất phân vi sinh của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai tại Cụm Công nghiệp Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Thảo

Dự án sản xuất phân vi sinh của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai tại Cụm Công nghiệp Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Thảo

Đánh giá hiệu quả triển khai CCN trên địa bàn, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Hầu hết các CCN được quy hoạch, bố trí tại những vị trí có tính kết nối cao dọc các tuyến quốc lộ 19, 14, 25, tạo sự thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, thông thương. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các CCN từng bước đáp ứng mặt bằng cho các nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh hiệu quả. Việc hình thành các CCN góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các cơ sở sản xuất gây ra. Để tiếp tục quy hoạch, mở rộng và bổ sung, cải thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN, Sở Công thương đã hướng dẫn triển khai các quyết định phê duyệt kết quả đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn.

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Ngoài các CCN có điều kiện thuận lợi về vị trí như: CCN Diên Phú (TP. Pleiku), CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang, CCN An Khê, CCN Đak Đoa, CCN Ia Sao (thị xã Ayun Pa) thì các CCN còn lại gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, do nguồn vốn của các địa phương còn hạn chế nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng CCN còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý đầu tư trong CCN còn có sự chồng chéo giữa các văn bản liên quan. Hiện nay, việc xử lý CCN đã được Nhà nước đầu tư một phần từ nhiều nguồn vốn khác nhau để chuyển đổi sang cho các nhà đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc kêu gọi thu hút dự án đầu tư vào các CCN chưa chú trọng lựa chọn các doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, chất lượng nguồn lực cao...

Theo ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), khó khăn nhất hiện nay là kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng CCN. Hạ tầng chưa hoàn thiện thì nhà đầu tư sẽ không muốn vào hoặc khi vào lại phải bỏ ra một số tiền lớn để làm mặt bằng. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên là phải tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất sạch.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có các doanh nghiệp đề nghị làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN với quy mô 75 ha/cụm. Song hiện nay, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án hạ tầng CCN được thực hiện theo 2 quy trình: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư; thủ tục quyết định thành lập, mở rộng CCN theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 về quản lý, phát triển CCN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 1-6-2020 của Chính phủ). Việc tổ chức xét chọn chủ đầu tư hạ tầng CCN và thành lập, mở rộng CCN theo 2 quy trình trên phát sinh nhiều hơn về thủ tục hành chính.

Trung tâm chế biến rau quả của DOVECO Gia Lai nằm trong Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang trên diện tích gần 6 ha. Ảnh: Đức Thuỵ

Trung tâm chế biến rau quả của DOVECO Gia Lai nằm trong Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang trên diện tích gần 6 ha. Ảnh: Đức Thuỵ

Theo Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, Sở tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư; tổng hợp thẩm định trình UBND tỉnh quyết định thành lập CCN số 2 huyện Đak Đoa, CCN Ia Grai, CCN số 1 huyện Đak Pơ, mở rộng CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang; tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, thành lập, mở rộng CCN trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 5-6-2023 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành Công thương tỉnh giai đoạn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hình thành và phát huy hiệu quả các CCN tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm... theo hướng CCN chuyên ngành. Tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào các khu, CCN; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, CCN; tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng sản xuất để tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư và cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện đầu tư hạ tầng CCN và đạt tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên. Hỗ trợ, hướng dẫn, thẩm định và trình UBND tỉnh cho phép mở rộng các CCN có nhu cầu. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và thu hút đầu tư vào CCN. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành 31 CCN với tổng diện tích 1.948 ha; trong đó có 10 CCN theo mô hình CCN sinh thái, thân thiện môi trường.

Có thể bạn quan tâm

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.