Hiệu quả từ các phiên tòa giả định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan sinh động, mô hình “Phiên tòa giả định” do Đoàn cơ sở Công an TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) và Liên Chi Đoàn Tòa án-Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp thực hiện đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh-thiếu niên.

Ngày 22-4-2023, Đoàn cơ sở Công an TP. Pleiku và Liên Chi Đoàn Tòa án-Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp với Thành Đoàn Pleiku và Trường THPT Lê Lợi tổ chức phiên tòa giả định về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” thu hút hơn 620 học sinh tham gia.

Bị cáo tại phiên tòa giả định là một thanh niên nghiện ma túy tên Hải (SN 1995, trú tại TP. Pleiku). Cuối tháng 10-2022, do cần tiền để tiêu xài và sử dụng ma túy, Hải đã liên lạc với người tên Nam (chưa rõ lai lịch) ở TP. Hồ Chí Minh để mua “cỏ Mỹ” với giá 2 triệu đồng. Sau đó, Hải đem “cỏ Mỹ” về phòng trọ của mình chia thành nhiều gói nhỏ rồi cuốn thành điếu thuốc lá. Tiếp đó, khi biết 1 nhóm học sinh cá biệt thường tụ tập hút thuốc lá trước cổng trường gần nhà mình, Hải đã rủ rê, lôi kéo nhiều em học sinh sử dụng ma túy. Bị dụ dỗ, học sinh tên Hoàng đã nhiều lần hút điếu thuốc lá bên trong có chứa ma túy do Hải đưa. Khi thấy Hoàng bị lệ thuộc vào ma túy, Hải đã nhờ em đi bán ma túy cho mình và rủ rê các học sinh khác cùng sử dụng. Trong một lần giao ma túy cho Hoàng đi bán, Hải bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Quang cảnh phiên tòa giả định về tội mua bán trái phép chất ma túy tổ chức tại Trường THPT Lê Lợi. Ảnh: R.H

Quang cảnh phiên tòa giả định về tội mua bán trái phép chất ma túy tổ chức tại Trường THPT Lê Lợi. Ảnh: R.H

Tuy là phiên tòa giả định nhưng các đơn vị phối hợp tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo với hội đồng xét xử gồm đầy đủ các thành phần như: thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, bị cáo… Trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã đưa những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh với bị cáo để giúp các em học sinh tham dự hiểu rõ về tác hại và hệ lụy của ma túy. Em Trần Công Thành (lớp 10A7, Trường THPT Lê Lợi) chia sẻ: “Qua chương trình, em hiểu rõ các loại ma túy và tác hại của nó; cách phòng tránh khi bị rủ rê”.

Thầy Huỳnh Minh Trung-Bí thư Đoàn trường THPT Lê Lợi-cho biết: Toàn trường có 1.706 em học sinh ở 3 khối lớp. Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhà trường thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về phòng-chống ma túy và an ninh học đường. “Phiên tòa giả định mang tính trực quan sinh động. Phiên tòa giúp các em học sinh nhận biết tác hại của ma túy và những hình thức dụ dỗ, lôi kéo liên quan đến ma túy thường gặp, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”-thầy Trung đánh giá.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, Đoàn cơ sở Công an TP. Pleiku và Liên Chi Đoàn Tòa án-Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã tổ chức 9 phiên tòa giả định với hàng ngàn lượt người tham gia. Các phiên tòa giả định đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đảm bảo hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Chị Trần Thị Ngọc Hà-Bí thư Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku-thông tin: Phiên tòa giả định tập trung vào các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh. Để phiên tòa giả định đạt hiệu quả, trước đó, Ban tổ chức liên hệ với các đơn vị trường học, xã, phường trên địa bàn thành phố. Sau đó, xây dựng kế hoạch, phân công nội dung cụ thể cho từng đơn vị, từ chọn lựa địa điểm, phân công vai diễn cho đến xây dựng nội dung cáo trạng, kịch bản xét hỏi, nội dung bản án… “Tại phiên tòa giả định, chúng tôi tường thuật một câu chuyện hoặc đưa ra một đoạn kịch ngắn dựa trên tình huống có thật. Để thu hút và nâng cao kiến thức cho người tham gia, chúng tôi còn tổ chức đặt câu hỏi về nội dung phiên tòa giả định vừa xem, tặng quà cho những người trả lời đúng đáp án của Ban tổ chức”-chị Hà cho biết.

Còn Trung úy Thái Quang Sơn-Phó Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP. Pleiku thì cho hay: Hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định tại các khu dân cư, trường học được xem là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh-thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần phòng-chống có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng thành phố văn hóa, lành mạnh và an toàn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, trường học, xã, phường tổ chức phiên tòa giả định nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn “Về tăng cường vai trò trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh-thiếu niên”-Trung úy Sơn thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.