Giáo dục quyền con người cần sự tham gia của toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 11-12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng-Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Điểm cầu Gia Lai được tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh (TP. Pleiku), với sự tham dự của lãnh đạo nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan. Cùng với đó còn có đại diện lãnh đạo các Phân hiệu: Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

a510b590b205085b5114.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đưa nội dung quyền con người (QCN) vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”.

Các mục tiêu của đề án bao gồm: Hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức về QCN cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên và cán bộ cốt cán tham gia biên soạn chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu của từng cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; tập huấn cho giảng viên, giáo viên thí điểm đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục; tổ chức dạy thí điểm nội dung giáo dục QCN cho các cấp học, chương trình đào tạo.

Đến năm 2025, đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về QCN trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng; hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về QCN phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; 100% cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục QCN cho người học.

cac-em-thieu-nhi-da-manh-dan-bay-to-tam-tu-nguyen-vong-cua-minh-tai-buoi-doi-thoai.jpg
Các em thiếu nhi bày tỏ nguyện vọng tại buổi đối thoại với đại biểu HĐND TP. Pleiku vào tháng 9-2024. Đây là một trong những hoạt động triển khai quyền trẻ em nói riêng, quyền con người nói chung tại Gia Lai. Ảnh: Hồng Thương

Đến nay, các cơ quan tham gia đề án đã hoàn thành một khối lượng lớn các nhiệm vụ thông qua nhiều hoạt động khác nhau như: tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn; triển khai các đề tài khoa học; hoàn thiện các khung chương trình đào tạo; tổ chức hoạt động đối ngoại cũng như biên dịch tài liệu nước ngoài; tuyên truyền, quảng bá. Đặc biệt là đã biên soạn và xuất bản được nhiều ấn phẩm là các sách tham khảo, chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn trên lĩnh vực QCN…

Các sản phẩm của đề án đã được xã hội hóa và đến với người học, công chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hiệu quả đào tạo về QCN trong các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung, nhất là trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị và sau đại học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện QCN ở Việt Nam cũng như trong các cuộc đối thoại về QCN giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quyền con người là quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua, việc đảm bảo QCN và giáo dục QCN của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đây là điều rất đáng hoan nghênh.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần xem công tác giáo dục QCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn dân. Về giải pháp, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ QCN; thể chế hóa đầy đủ các nội dung về QCN đã được Hiến pháp quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế; tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, bảo vệ QCN. Cùng với đó tích cực tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo vệ QCN; tập trung hoàn thành các nội dung của đề án trong năm 2025 và tiến hành tổng kết, xây dựng đề án giai đoạn kế tiếp; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường công tác phối hợp...

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.