Sai số đo vượt gần 18 lần mức độ cho phép
Toàn tỉnh có 422 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của 210 doanh nghiệp, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế. Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu sử dụng thủ đoạn gian lận đã bị cơ quan thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền lớn. Song, tình trạng gian lận vẫn xảy ra với thủ đoạn ngày một tinh vi.
Ngày 24-4-2023, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Công ty TNHH Hưng Long (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đang sử dụng cột đo xăng 95-III để bơm xăng bán trực tiếp qua vòi cấp phát. Tại thời điểm kiểm tra, các thành viên chốt chặt các vị trí được phân công, còn kiểm định viên tiến hành kiểm tra đo lường và phát hiện phương tiện đo này đã được chủ cơ sở sử dụng nguồn điện để tác động vào cấu trúc kỹ thuật làm sai lệch kết quả đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, mức độ hao hụt lên đến 9,25% lượng xăng bán cho khách hàng.
Ngay sau đó, đoàn kiểm tra thử lại bằng cách tắt nguồn điện và khởi động lại thì cột bơm xăng này có mức sai số chỉ còn 0,3% (quy định cho phép sai số đến 0,5%). Đoàn kiểm tra đã niêm phong phương tiện đo, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 375 triệu đồng, đồng thời tịch thu phương tiện đo vi phạm.
Tiếp sau đó, ngày 26-4-2023, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã bắt quả tang Cửa hàng xăng dầu thuộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Lân (làng H’Lim, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) có hành vi gian lận thương mại. Cụ thể, doanh nghiệp này sử dụng cột đo xăng E5 RON92 để bơm xăng bán trực tiếp qua vòi cấp phát, sử dụng nguồn điện để tác động vào cấu trúc kỹ thuật phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, mức độ hao hụt lên đến 7,68% lượng xăng bán cho khách. Đoàn kiểm tra đã củng cố hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 119 triệu đồng, đồng thời tịch thu phương tiện đo vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện đo tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu (ảnh Cục Quản lý thị trường tỉnh cung cấp). |
Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh-cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, hành vi gian lận trong đo lường thường rơi vào các cửa hàng bán lẻ nhượng quyền thương mại. Các doanh nghiệp tác động bằng công nghệ vào phương tiện đo để “móc túi” người tiêu dùng. Có cửa hàng bán ra 100 lít xăng thì gian lận đến 9,2 lít. Bên cạnh đó, có trường hợp lượng xăng dầu ở các công trình sử dụng không hết đã bán ngược lại cho cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các đối tượng gian lận cũng sử dụng chiêu thức trộn xăng RON 95-III với xăng E5 RON 92-II rồi bán ra thị trường với giá của xăng RON 95-III để hưởng chênh lệch. Đây là khoản lợi nhuận có thể cao hơn nhiều so với chiết khấu hoa hồng trên 1 lít xăng hiện đang áp dụng”.
Trong 7 tháng năm 2023, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 61 cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong đó phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 883 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định đã hết hiệu lực; bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… Lực lượng QLTT đã tịch thu 2 cột đo nhiên liệu; buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng quy định đối với 551 lít xăng và 264 lít dầu; đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng đối với 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu.
Khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát
Phân tích về các thủ thuật gian lận trong kinh doanh xăng dầu, ông Đinh Văn Hà cho biết: Các cơ sở vi phạm đo lường sử dụng thiết bị IC (mạch tích hợp, vi mạch) hoặc EEPROM (bộ nhớ chỉ đọc, lập trình được và có thể xóa bằng điện) đã được lập trình sẵn có thể thay đổi mức chênh lệch mà chỉ người lập trình mới biết được mật khẩu, có thể cài đặt gian lận từ 1% đến 10% và cách xóa gian lận để trả về sai số cho phép (+/-0,5%). Bởi chỉ cần cúp cầu dao điện và bật lại thì có thể xóa hết dấu vết vi phạm. Khi muốn gian lận trở lại thì nhập mã trực tiếp từ bàn phím của cột bơm. Các hành vi gian lận kiểu này rất khó phát hiện vì không có chứng cứ chứng minh hành vi can thiệp, tác động vào phương tiện đo.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì cho hay: Hiện nay, việc phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rất khó khăn. Trước đây, hành vi gian lận thường là sử dụng con chip để gắn vào cột bơm. Khi máy chạy thì âm thanh nghe khác, vì vậy, ngành chức năng có thể mở niêm phong kiểm tra và dễ phát hiện. Gần đây, các đối tượng cài đặt IC để thay đổi các mã chương trình, chỉ cần cúp cầu dao điện là khó có thể phát hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm nên việc thanh tra, kiểm tra phải theo kế hoạch, do đó chỉ bằng cách kiểm tra đột xuất từ thông tin đơn thư khiếu nại thì mới có thể phát hiện được hành vi vi phạm.
“Trong những tháng cuối năm, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến thanh tra 46 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ về kỹ thuật cho các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh trong lĩnh vực này”-bà Mai thông tin.
Thủ đoạn gian lận trong đo lường xăng dầu ngày càng tinh vi (ảnh Cục Quản lý thị trường tỉnh cung cấp). |
Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho rằng, hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng các yêu cầu về thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định hiện hành, phải sử dụng cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu có giấy xác nhận mạch điều khiển và IC chương trình của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, yêu cầu các cửa hàng khi thiết kế, lắp đặt cầu dao, thiết bị, công tắc đóng ngắt nguồn điện của cột đo phải bảo đảm các quy định về an toàn và chỉ được lắp đặt tại một vị trí, thuận tiện cho việc quan sát, đóng ngắt nguồn điện khi cần thiết, không được lắp đặt tại các vị trí kín đáo, khó tiếp cận.
Bản vẽ hệ thống nguồn điện cấp cho các trụ bơm phải sẵn sàng để cung cấp cho cơ quan quản lý và đoàn thanh tra, kiểm tra. Thiết bị, phương tiện điều khiển từ xa (bộ điều khiển từ xa, điện thoại di động, máy tính...) để điều khiển đóng ngắt nguồn điện hoặc làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu không được phép sử dụng; không được lắp đặt các công tắc đóng ngắt nguồn điện, công tắc điều khiển liên quan tới mạch điều khiển của cột đo xăng dầu ra bên ngoài…
Ngoài ra, khi lắp đặt mới, thay thế, sửa chữa cột đo xăng dầu phải có biên bản bàn giao, nghiệm thu hoặc hợp đồng lắp ráp, sửa chữa, giấy chứng nhận mạch điều khiển và IC chương trình, bản cam kết của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đơn vị lắp ráp, sửa chữa về việc không có các hành vi tác động gây sai số vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài thực hiện theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của từng ngành, cần thiết phải có sự phối hợp giữa lực lượng Công an, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, QLTT và chính quyền địa phương nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.