Gia Lai ưu tiên đầu tư xây dựng chợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, Gia Lai triển khai xây dựng 7 chợ với kỳ vọng thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ xã trên địa bàn. Đặc biệt, triển khai Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề xuất 7 xã cần hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ mới.

Đến nay, chợ xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) và chợ xã Sró (huyện Kông Chro) đã hoàn thành, đi vào hoạt động. 4 chợ đang triển khai xây dựng gồm: chợ xã Ia Lang (huyện Đức Cơ), chợ xã Ia Mláh (huyện Krông Pa), chợ xã Ia Bă (huyện Ia Grai) và chợ xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện). Riêng chợ xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) dự kiến xây dựng vào năm 2025.

Chợ xã Kông Lơng Khơng có 2 khu vực kinh doanh cố định, gồm khu nhà lồng 20 lô, khu ngoài nhà lồng 14 ki ốt. Hiện đã có 19 hộ đăng ký kinh doanh với tổng số 34/34 lô.

Ông Trần Văn Nhơn-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Xã miễn tiền thuê mặt bằng kinh doanh cố định tại chợ trong 2 năm (2024-2025) để tạo điều kiện cho các hộ vào hoạt động.

Chúng tôi cũng đã thành lập tổ công tác kiểm tra các hoạt động thương mại, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Hiện cũng đã có 6 hộ đang kinh doanh hàng ăn uống, tạp hóa, thực phẩm tươi sống tại các ki ốt”.

mot-so-ho-mua-ban-hang-tap-hoa-cung-da-doi-ve-ki-ot-trong-cho-xa-kong-long-khong-huyen-kbang-de-mua-ban-anh-vt-725.jpg
Chợ xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) đi vào hoạt động, thu hút các hộ dân vào kinh doanh. Ảnh: V.T

Đến nay, toàn tỉnh có 182/182 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Còn bà Nguyễn Thị Phương (làng Hbang, xã Kông Lơng Khơng) thì cho hay: “Từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay, người dân đã hạn chế mua hàng hóa tại các điểm bán ngoài đường hay của những người bán dạo.

Tuy nhiên, do chưa vận động được nhiều tiểu thương vào chợ nên hàng hóa tại đây chưa phong phú. Hy vọng thời gian đến, ngoài những mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hàng ngày, chợ có nhiều đặc sản, nông sản đặc trưng của địa phương được bà con các làng đồng bào DTTS đem đến bán, góp phần làm phong phú thêm các loại hàng hóa. Nếu được như vậy thì hoạt động mua bán tại chợ sẽ nhộn nhịp hơn”.

cho-xa-kong-long-khong-huyen-kbang-da-di-vao-hoat-dong-thu-hut-mot-so-ho-dan-vao-kinh-doanh-anh-vt-4736.jpg
Chợ xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) đã đi vào hoạt động, thu hút một số hộ dân vào kinh doanh. Ảnh: V.T

Tuy vậy, việc triển khai xây dựng chợ theo Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Khoản 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1-Dự án 4 quy định: “Ngân sách trung ương hỗ trợ bình quân 4,4 tỷ đồng/chợ để đầu tư xây dựng mới và bình quân 800 triệu đồng/chợ để cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo nghiên cứu khả thi thì vốn trung ương chỉ mới đầu tư 15 tỷ đồng/7 chợ. Nguồn kinh phí địa phương chưa bố trí được nên không đủ để hoàn thiện các hạng mục theo quy định của chợ hạng 3 (hàng rào, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà xe...).

Theo đánh giá của ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, việc xây dựng chợ theo Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm giúp cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại. Qua khảo sát tại một số nơi cho thấy, chợ đã từng bước phát huy hiệu quả.

“Thời gian tới, khi các chợ trên địa bàn hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên diện mạo khang trang cho chợ vùng đồng bào DTTS, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Khi chợ đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng từng bước làm thay đổi thói quen, tư duy, nhận thức của bà con DTTS trong việc trao đổi mua bán hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.