Gia Lai: Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030.

Nghị quyết được ban hành nhằm thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững để đến năm 2030, Gia Lai trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Gia Lai trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Du khách tham gia tour du lịch chinh phục đỉnh núi Chư Nâm, huyện Chư Păh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Ngọc Thu
Du khách tham gia tour du lịch chinh phục đỉnh núi Chư Nâm, huyện Chư Păh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Ngọc Thu


Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, có giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cao, trong đó chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng Gia Lai trở thành vùng sản xuất năng lượng sạch của vùng và cả nước; khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là đầu tư có chọn lọc theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí cơ bản tập trung các lĩnh vực tỉnh đang có tiềm năng, thế mạnh còn dư địa lớn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Phấn đấu tổng vốn đầu tư đạt bình quân 40.000 tỷ đồng/năm (gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2016-2020). Chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng; tạo quỹ đất sạch, quy hoạch vùng nguyên liệu để hỗ trợ tốt nhất cho các dự án triển khai trên địa bàn.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha; dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 500 ha trở lên, hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm từ 15-20%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 350 triệu đồng/năm… Tỉnh cũng phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực: logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, súc sản, chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, phân bón, chế biến gỗ, than hoạt tính, chế biến dược liệu với tổng vốn đầu tư khoảng trên 8.700 tỷ đồng…

Ở lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới trên 3.000-3.500 mW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển; phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách…


Tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đưa Gia Lai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong tam giác phát triển; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, đạt 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 17.500 lượt trở lên.

Nghị quyết đồng thời đặt ra 7 nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện. Cụ thể các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư; khoa học, công nghệ; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác quảng bá, tuyên truyền; nguồn lực cũng như nêu giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.