Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: V.T |
Trong năm 2023, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với một số sở, ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại theo nội dung 17 kế hoạch, chương trình, đề án của năm. Đã tổ chức các chương trình Hội chợ, Triển lãm, Phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, đưa hàng Việt về miền núi. Tổ chức thành công Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Hội nghị kết nối cung cầu tại Gia Lai; Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giữa các địa phương khu vực Tây Nguyên, một số tỉnh thành cả nước với các doanh nghiệp các nước Lào, Campuchia và Nhật Bản năm 2023 tại tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia kết nối giao thương, triển lãm thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các sự kiện, hội nghị, hội chợ do các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia Hội chợ thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 (CAEXPO 2023) tại tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc); tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Singapore; Chương trình kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch Việt nam-Lào-Thái Lan; Diễn đàn kết nối hợp tác và phát triển tỉnh Gia Lai và tỉnh Miyagi-Nhật Bản.
Ngoài ra, còn ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, thông tin thị trường, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng, thế mạnh của địa phương, tìm kiếm nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố. Trong năm 2023, Sở Công Thương Gia Lai đã xây dựng 2 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam" tại huyện Chư Păh và huyện Chư Prông.
Hội nghị đã đánh giá đúng thực trạng, nhất là tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Ảnh: V.T |
Thông qua việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cách đưa sản phẩm vào các chuỗi cung ứng và siêu thị, cách tiếp cận khách hàng, khảo sát thị trường, cách định giá sản phẩm... Thông qua đó, góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn chậm, áp lực phí logistics còn ở mức cao; công tác xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới kinh doanh, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, HTX đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần có giải pháp trong việc bảo lãnh, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, có mức lãi suất ưu đãi đối với mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm để doanh nghiệp được gặp gỡ và kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản của địa phương trên sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế như: Alibaba, Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.