Giá hải sản và rau xanh ở Pleiku tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tình hình mưa bão khiến giá nhiều loại thực phẩm tươi sống như hải sản, rau xanh trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) tăng khá cao so với trước.
Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, giá nhiều loại thực phẩm tăng đáng kể so với tuần trước. Bà Lê Thị Nhi-tiểu thương bán cá ở chợ Bà Định-cho hay: Giá hải sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết cũng như năng lực đánh bắt của tàu bè. Mấy ngày nay, do ảnh hưởng mưa bão ở miền Trung nên việc đánh bắt gặp khó khăn dẫn đến nguồn hàng hải sản tự nhiên cung cấp ra thị trường khan hiếm, chỉ có số ít hàng hải sản nuôi chủ động được nên có tương đối đều đặn. Hầu hết các loại cá biển đều tăng 20-50 ngàn đồng/kg, cá biệt có loại tăng hơn 100 ngàn đồng/kg như cá bớp (cắt lát) hiện có giá đến 400 ngàn đồng/kg. “Đà tăng giá mạnh bắt đầu trong khoảng 3 ngày nay. Giá tăng nhưng hàng nhập về không được dồi dào. Bình thường mỗi ngày, tôi nhập được khoảng 10 loại hải sản (chủ yếu là cá) với số lượng cỡ 200 kg, nhưng mấy ngày nay chỉ nhập được 4-5 loại với khoảng 100 kg”-bà Nhi nói thêm.
Cùng với hải sản, rau xanh cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão nên giá tăng rất mạnh trong 10 ngày nay, có loại tăng giá gấp đôi. Bà Đỗ Thị Cúc-tiểu thương ở chợ Hoa Lư-cho biết: “Do ảnh hưởng từ đợt bão số 4 vừa rồi, cộng với nhiều đợt mưa lớn nên các nhà vườn trên địa bàn không sản xuất được nhiều, trong khi phải cung ứng hàng cho các đầu mối ở Đà Nẵng, Bình Định dẫn đến lượng hàng ít, giá bán tăng cao. Loại tăng ít thì 5-10 ngàn đồng/kg, loại nhiều đến 20 ngàn đồng/kg. Các nhà vườn cho biết, rau xanh bị tác động bởi thời tiết nên mất mùa, trong khi giá phân bón lại tăng cao nên giá thành sản xuất bị đẩy lên. Giá rau bán ra thị trường do đó cũng tăng rất mạnh”.
Do ảnh hưởng của mưa bão, nguồn cung ít nên giá rau xanh tăng khá cao. Ảnh: Vũ Thảo
Do ảnh hưởng của mưa bão, nguồn cung ít nên giá rau xanh tăng khá cao. Ảnh: Vũ Thảo
Ngoài nguồn rau cung ứng tại chỗ thì rau xanh nhập về từ các nơi cũng rất ít. Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thanh Ly-tiểu thương chợ Phù Đổng, giá rau xanh thường biến động mạnh vào mùa mưa, khi hàng khan hiếm thì giá sẽ bị đẩy lên. Mấy ngày nay, do nguồn hàng rau củ từ các đầu mối ở Đà Lạt hay đồ khô như hành, tỏi từ Quảng Ngãi nhập về số lượng hạn chế nên giá bán tăng rất mạnh. Cụ thể, hành hương khô trước chỉ có giá 60 ngàn đồng/kg thì giờ tăng lên 100 ngàn đồng/kg, tỏi Lý Sơn từ 100 ngàn đồng/kg tăng lên 150 ngàn đồng… Các loại củ có giá tăng 10-20%. “Giá tăng khiến việc tiêu thụ hàng hóa rất chậm vì người tiêu dùng hạn chế mua. Đối với các loại đồ khô, rau củ nhập từ tỉnh khác về, khả năng giá vẫn tăng. Riêng với rau xanh, hiện nay, các nhà vườn trên địa bàn đang tích cực xuống giống nên có thể chừng 3 tuần nữa, khi hàng dồi dào, giá sẽ hạ”-bà Cúc chia sẻ.
Bà Lê Thị Minh Thư (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi đi chợ thấy mặt bằng giá cả hàng hóa vẫn còn ở mức cao và có xu hướng tăng. Biến động mạnh trong mấy ngày qua là mặt hàng rau củ, cá, sữa bột. Thực phẩm là mặt hàng gia đình nào cũng phải sử dụng hàng ngày nên giá cả tăng ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu sinh hoạt, chất lượng bữa ăn ngày càng giảm đi”.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Giá thành sản phẩm hàng hóa được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau, từ nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết… Qua nắm bắt tình hình cho thấy, ở những thời điểm giá xăng dầu tăng, giá một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng cũng tăng theo. Các doanh nghiệp nhập hàng số lượng lớn nhưng việc tiêu thụ lại chậm nên lượng hàng tồn lúc nhập giá cao còn nhiều. Sở Công thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế-Hạ tầng theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu các mặt hàng thiết yếu; thực hiện biện pháp nhằm điều hòa và cân đối cung cầu, ổn định giá ở mức hợp lý; không để phát sinh vấn đề như đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Sở Công thương sẽ phối hợp với ngành chức năng để tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp về việc thực hiện nghiêm các quy định về giá như: niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; tính toán chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất, lưu thông để giảm giá hàng hóa, thực hiện các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.