Giá chanh dây tăng cao, nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2024 đến nay, sản lượng chanh dây sụt giảm đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao, khiến nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai phải hoạt động cầm chừng với số lượng đơn hàng giảm mạnh.

Nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng

Mọi năm, giá chanh dây (loại múc dịch) trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 12-17 ngàn đồng/kg thì nay tăng lên 18-25 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 26-27 ngàn đồng/kg. Giá cao, việc thu mua nguyên liệu cũng khó khăn hơn do nguồn cung hạn chế. Trước tình hình này, một số nhà máy chế biến chanh dây trên địa bàn đã chọn phương án sản xuất cầm chừng. Điều này dẫn đến sản lượng nước ép trái cây của các nhà máy trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 2.398 tấn, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

1t.jpg
Hiện nay, do nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá tăng cao khiến nhiều nhà máy chế biến chanh dây phải sản xuất cầm chừng. Ảnh: V.T

Bà Võ Trần Bích Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sesan Gia Lai (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Với mức giá chanh múc 20-23 ngàn đồng/kg như hiện nay thì hầu hết các nhà máy, xưởng múc đều chỉ hoạt động cầm chừng, có đơn hàng đến đâu sẽ sản xuất đến đó chứ không dám thu mua nguyên liệu nhiều như trước. Theo tính toán, giá thành sản xuất 1 kg dịch chanh dây vào khoảng 55-60 ngàn đồng (tùy từng thời điểm) đang là quá cao đối với ngành hàng này”.

Theo bà Hạnh, giá chanh dây tăng sẽ là động lực để nông dân mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu của các nhà máy trên địa bàn. Song, mức tiêu dùng sẽ chững lại nếu giá tăng quá cao như hiện nay. Từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng do Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sesan Gia Lai sản xuất bán cho các nhà máy lớn và xuất khẩu khá hạn chế.

Những năm trước, Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) đưa ra thị trường 5.000-10.000 tấn sản phẩm gồm nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh… Năm nay, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao.

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, chúng tôi đã chủ động dành thời gian cho việc bảo trì và nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị, sẵn sàng cho mùa vụ chanh dây bắt đầu từ tháng 4. Nhưng bắt đầu từ tháng 3 trở đi, với mức giá chanh dây lên đến 20 ngàn đồng/kg thì Công ty sản xuất không có lãi. Vì vậy, thời điểm này, nhà máy cũng đang hoạt động cầm chừng, có đơn hàng mới dám nhập nguyên liệu về sản xuất.

2tn.jpg
Dây chuyền chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: VT

“Năm 2024, nguồn nguyên liệu không dồi dào nên Công ty chỉ thu mua khoảng 50.000 tấn chanh dây để chế biến 5.000 tấn thành phẩm (giảm khoảng 40% so với năm 2023). Năm nay, Công ty đặt mục tiêu sản lượng đạt tương đương năm ngoái nhưng khả năng sẽ rất khó vì giá nguyên liệu tăng cao. Đặc điểm của cây chanh dây là vào mùa mưa năng suất sẽ giảm đáng kể, chất lượng không đạt yêu cầu, vỏ dày, dịch ít và chua. Do đó, hoạt động sản xuất trong những tháng mùa mưa thường giảm mạnh.

Ưu thế sản phẩm của Công ty là hương vị chanh dây tím được thị trường châu Âu ưa chuộng, hiện khoảng 90% sản lượng hàng xuất đi thị trường này. Tuy vậy, nếu giá quá cao, người tiêu dùng cũng sẽ tiết giảm chi tiêu và mức tiêu thụ cũng bị giới hạn”-ông Thạnh nói.

Cơ hội để mở rộng diện tích chanh dây

Theo nhìn nhận của ông Thạnh, để phát triển bền vững cây chanh dây cần có giải pháp cho cả người nông dân và nhà máy chế biến. “Chúng tôi luôn ý thức được rằng nhà máy và nhà nông là những người bạn đồng hành, không thể phát triển nếu thiếu nhau. Do đó, chúng tôi có những cách để hỗ trợ người dân, hợp tác xã, nhà cung cấp chanh dây như: tư vấn kỹ thuật; khuyến khích, tuyên truyền trồng rải vụ; áp dụng quy trình thu mua minh bạch, không nợ tiền của dân.

Theo thiết kế, công suất của nhà máy đạt 400 tấn/ngày đêm. Do vậy, năng lực thu mua và chế biến của Quicornac là rất lớn, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định quanh năm cho nông dân tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và các vùng trồng khác trên cả nước”-ông Thạnh chia sẻ.

4leminh.jpg
Công nhân Công ty TNHH Quicornac phân loại, xử lý tạp chất chanh dây trước khi đưa vào chế biến. Ảnh: Lê Minh

Toàn tỉnh hiện có 5.452 ha chanh dây. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư ươm cây giống chất lượng cao để cung ứng ra thị trường với số lượng khoảng 27 triệu cây giống/năm.

Thời điểm này, giá chanh múc dao động trong khoảng 18-25 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong mấy năm gần đây. Đây là tín hiệu lạc quan để người nông dân quay trở lại với cây chanh dây. Để tăng sản lượng trong thời gian tới, các nhà máy đang tăng cường mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác khôi phục diện tích.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các nhà máy chế biến nước ép trái cây lớn với tổng công suất lên đến hơn 100.000 tấn sản phẩm/năm. Các nhà máy đã tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu để tạo ra nguồn hàng có chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ các loại cây ăn quả phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng từ trái cây của tỉnh đạt khoảng 150 triệu USD, trong đó, mặt hàng nước ép trái cây, chủ yếu là chanh dây chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2025, các nhà máy sản xuất nước ép trái cây đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn, tăng hơn 18.000 tấn so với năm 2024”.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chanh dây theo hướng bền vững như kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Đồng thời, Sở đã chủ trì tổ chức buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty TNHH Quicornac, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai, Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên. Theo đó, các bên sẽ triển khai thực hiện một số nội dung như quy hoạch, phát triển vùng trồng chanh dây, cấp mã số vùng trồng, thực hiện giao dịch mua hàng hóa và tiêu thụ chanh dây.

Có thể bạn quan tâm