EVN sắp hết độc quyền bán điện ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, tập đoàn này đang xây dựng đề án thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và sẽ trình Bộ phê duyệt trong tháng 7 tới.  
 
Giá điện là vấn đề nóng trong hơn 1 tháng qua. ẢNH CHÍ HIẾU
Xung quanh báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng về việc điều chỉnh giá điện, trong đó có nội dung chuẩn bị đưa thị trường bán lẻ điện vào năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành vừa có trao đổi nhanh với báo chí nội dung này.
Ông Thành nói: "Chúng tôi sẽ hoàn thành đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong năm 2019 và tất cả công tác tái cơ cấu trên đây đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, chúng tôi đang xây dựng đề án thí điểm và sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 7".
Cùng với đó, theo ông Thành, EVN sẽ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thị trường điện, hoàn thành dự thảo các quy định pháp lý trình Bộ Công thương ban hành để đẩy nhanh tiến độ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tách các đơn vị bán lẻ để tiến hành cổ phần hoá theo lộ trình của Quyết định 168/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo quyết định năm 2017 của Thủ tướng thì tập đoàn phải tiến hành cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện, chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hạch toán độc lập trong tập đoàn và cổ phần hoá khâu dịch vụ bán lẻ để thực hiện thị trường điện bán lẻ từ 2021.
“Hiện nay, EVN đã hoàn thành việc thực hiện cổ phần hoá Tổng Công ty Phát điện 3, đã duyệt kế hoạch cổ phần hoá Tổng Công ty Phát điện 2 và đang trình Thủ tướng kế hoạch cổ phần hoá Tổng Công ty Phát điện 1. Dự kiến trong năm 2019 - 2020 sẽ hoàn thành thủ tục cổ phần hoá các Tổng Công ty Phát điện 1 và 2. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVN sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty phát điện để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Thành nói thêm.
Bên cạnh đó, EVN đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH một thành viên và đã trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Hiện nay, uỷ ban đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến yêu cầu nghiên cứu thay đổi biểu giá điện bậc thang và đánh giá tác động tăng giá điện, ông Thành cho hay, tập đoàn cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng hàng tháng cho Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, để đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng của việc tăng giá điện từ ngày 20.3, trong đó bao gồm so sánh điện năng tiêu thụ từng tháng so với cùng kỳ năm trước, so với trước khi tăng giá điện và các thông tin liên quan khác theo yêu cầu.
“EVN sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Thành nói thêm.
Như Thanh Niên đã đưa tin, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng, liên quan biểu giá điện bậc thang, Bộ Công thương cho biết, thời gia qua đã lấy ý kiến rộng rãi và phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn là phương án được nhiều người chấp nhận hơn cả. Cụ thể, theo báo cáo, năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100 kWh mỗi tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm 35%.

Do đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50 số) và bậc 2 (từ 51 - 100 số) được tính toán chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận, do đời sống ngày càng cải thiện, nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao nên xây dựng biểu giá bậc thang mới là cần thiết. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Chí Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm