Du lịch với Bazan quán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hôm rồi, gần 60 cựu học sinh một trường trên địa bàn TP. Pleiku, Gia Lai tổ chức họp lớp, nhờ tôi đặt bằng được một bữa ăn tối ở quán Bazan. Chợt nghĩ, mấy ông này tài, tận Hà Nội, Sài Gòn mà biết tới cái quán có vẻ lặng lẽ này.
Nó nguyên là một khu vườn trong một ngôi làng Jrai ở ngoại ô thành phố (làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Một thời ra đấy là khá xa, chả ai ra, giờ chỉ cần 10 phút phóng xe.
Hôm ấy, tôi đặt giúp cơm lam, gà nướng nguyên con chấm muối é, rau mì nấu cà đắng, thịt heo nướng cục... Khỏi phải nói, các anh chị đã ồ lên sung sướng như thế nào khi ngồi vào bàn. Đúng ra là ngồi dưới sàn, nhưng nể khách đều đã trên thất thập nên hôm ấy họ bố trí ngồi bàn. Tất cả đồng loạt vỗ tay khi dàn chiêng xuất hiện. Mưa nên kế hoạch đốt lửa chơi chiêng và xoang dưới sân thất bại, bù lại, ghế dẹp xịch vào một tí, dàn chiêng lên tận ngôi nhà sàn nơi bày tiệc, cuốn tất cả mọi người vào theo. Cứ thế bất tận...
 Không gian quán Bazan. (Ảnh nguồn internet)
Không gian quán Bazan. (Ảnh nguồn internet)
Chủ nhân nhà hàng này là vợ chồng Ksor Thức, Ksor H'Hoanh, cùng là người Jrai. Thức là chủ nhân của ngôi nhà này, gia đình ở tại làng này đã mấy đời. Đây là một làng Jrai, ngày xưa nó xa lắc, đèn dầu thâm u, ra đấy đã là thế giới của... FULRO, giờ là một phần của phố, thậm chí lọt thỏm trong phố. Còn H'Hoanh là người Jrai ở Ayun Pa. 2 nhánh Jrai khác nhau, giờ cùng chung tay lo cho cái nhà hàng khá nổi tiếng này.
Họ là những người nhạy cảm, thương bà con trong làng bởi làng lọt thỏm trong phố nhưng lại không phải phố, và cũng chưa thích nghi được với phố, đất rẫy không có, vườn chả bõ trồng “cây gì con gì” cho ra thu nhập, chủ yếu là làm thuê. Thêm nữa, phố ăn lan vào làng, những đặc sắc dân tộc phai nhạt, cồng chiêng ghè ché cho đến áo váy, thậm chí là tiếng dân tộc mình, không mấy khi có dịp dùng đến. Làng thành phố, nhưng lại vẫn là làng.
Thế là mày mò “làm gì đấy” cho vẫn là Jrai, vẫn là máu thịt mình, mà lại vẫn trong phố. Đầu tiên là cái nhà sàn của gia đình được cải tạo thành chỗ... ngồi. Các cuộc tiếp khách trong phố, nhiều khi chủ nhà cũng khuân ra ghè rượu cần cho nó ra chất... Tây Nguyên. Nhưng trong phòng lạnh, đèn sáng choang, bàn ghế nghiêm cẩn, dụng cụ ăn óng ánh, khách bệ vệ... nên cái ghè rượu chỏng chơ đến là khổ, hết sức lạc lõng và... buồn. Mọi người chiều chủ nhấp môi vào cần rồi quay lại với bia, rượu các loại. Nên phải về làng, giữa cái sàn nhà thân thuộc kia, bãi cỏ mượt mà kia, cây nêu gắn bó kia, đống lửa huyền thoại kia... thì rượu cần mới là rượu, mới lên hết chất của nó.
Rồi nhu cầu tăng dần, cũng là do vợ chồng chủ nhà khéo “chiêu dụ”, làng có hẳn một đội chiêng, đội xoang phục vụ khách. Từ một căn nhà sàn vốn là nhà ở được cải tạo, giờ nhà hàng Bazan mở rộng như một cái làng thu nhỏ. Giữa là sân, có nơi dành cho chiêng và xoang, có nơi đốt lửa. Xung quanh là nhà sàn, nhiều ngôi nhà sàn bao quanh, có thể chứa một lúc hàng trăm khách.
Vấn đề là, như vợ chồng Thức-HHoanh thổ lộ, mục đích của họ không chỉ là kinh doanh, mà là giữ lại làng. Làng với tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của nó. Làng, dẫu làng Việt hay làng Tây Nguyên, nó khác đô thị là dẫu phát triển đến đâu vẫn phải có bản sắc làng, cái làm cho người ta phải thương phải nhớ, để dẫu có nghìn trùng tít tắp nhưng cứ phải đau đáu nhớ thương, phải tìm mọi cách để về.
Trong tốp nghệ nhân trẻ biểu diễn cồng chiêng và âm nhạc của nhà hàng Bazan có cậu bé tên Y Tói. Tói sinh ra đã bị khiếm thị, chưa bao giờ thấy ánh mặt trời. Nhưng bù lại, cậu có khả năng thẩm âm tuyệt vời. Vợ chồng Thức-HHoanh đã nhận Tói vào làm và bày cho cậu chơi trống cajon, một loại trống của Tây Ban Nha. Bên cạnh dàn cồng chiêng với đội xoang phụ họa luôn có cậu bé Tói. Giờ cả cha và mẹ đều đã mất, Tói lấy việc phục vụ tại nhà hàng này làm nơi kiếm sống và nuôi em. Còn vợ chồng Thức-HHoanh mỗi tối đều ôm guitar tới từng nhà sàn ngồi hát những bài hát Tây Nguyên nổi tiếng, nhất là những bài của nhạc sĩ Y Phôn Ksor. Vừa rồi, Tói và Ksor H'Hoanh tham gia cuộc thi “Hát mãi ước mơ” của HTV7 và đạt giải nhất. Tói đang đầy hồi hộp đợi số tiền giải thưởng chuyển về để nuôi em.
Làng Chuét 1 cũng như bản Lác của người Mường nổi tiếng ở Hòa Bình. Nhưng bản Lác là ở Mai Châu chứ không giữa phố. Và tất nhiên, làng Chuét 1 chưa thể bằng bản Lác, cả về tên tuổi lẫn sự phát triển và quy mô du lịch gắn với làng. Nhưng biết đâu đấy, từ đốm lửa này, ngày nào đấy, TP. Pleiku sẽ có một hệ thống làng trong phố, làng bao quanh phố, làng gắn với phố, mở ra một sự phát triển mới, sự phát triển dựa trên đúng đặc trưng, bản sắc của mình, sự phát triển do chính những con người bản địa trên đất này sáng tạo và làm chủ.
Cái quan trọng là dẫu phát triển, như một tất yếu, một quy luật không thể đảo ngược, ta vẫn còn những ngôi làng đúng nghĩa, vẫn vẹn nguyên, không hư hao bản sắc. Và những khu phục vụ ẩm thực dân gian như Bazan trở thành hạt nhân của những ngôi làng giữa bạt ngàn phố.
Nơi ấy, bản sắc văn hóa, linh hồn làng, sức sống dân tộc được bảo tồn, để một ngày, giữa phố phường náo nhiệt, ta có chỗ để tìm về.
Lại nhớ một vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã phát biểu ở Quốc hội: Làm sao để kinh tế thì như ngày nay mà văn hóa thì được như... ngày xưa.
Việc này khó nhưng không phải là không thể!
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.