Diễn biến "lạ" tại phiên tòa xét xử vụ án giết người tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 3 ngày (từ 23 đến 25-7), Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa vụ án giết người tại quán bar Wonder (67 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku, Gia Lai) vào ngày 9-10-2014 ra xét xử. Đây là vụ án hình sự được xử đi xử lại, thay đổi nhiều tội danh khác nhau. Đến nay, Tòa mới chứng minh được kẻ xúi giục và tuyên án. Theo dõi phiên tòa, chúng tôi thấy có những diễn biến vừa “lạ”, vừa “sốc” bởi sự lắt léo và phức tạp như một kỳ án.
Tóm tắt nội dung sự việc
Sau khi đâm chết anh Nguyễn Đăng Tuấn (SN 1988, ở đường Tôn Thất Thuyết, TP. Pleiku), các đối tượng Lê Anh Quyết (ở tổ 23, khu 5, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) và Phạm Thế Phương (ở thôn Thị Tứ, xã Hồng Nhung, huyện Gia Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã bỏ trốn. Nhưng rồi nhận thấy không thể thoát khỏi “lưới trời”, 2 đối tượng này đã đến cơ quan Công an đầu thú. Sau đó, Quyết, Phương bị xét xử về tội “Giết người” còn Vũ Việt Dũng (ở 377 đường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị xét xử về tội “Che giấu tội phạm”. Tuy nhiên, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Đăng Tuấn) cùng các luật sư kiên trì thu thập chứng cứ, khiếu nại liên tục nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao đã hủy án, yêu cầu làm rõ vai trò của Vũ Việt Dũng. Vụ án đi vào những chi tiết phức tạp từ giai đoạn này.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: Duy Anh
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: Duy Anh
Diễn biến "lạ" tại phiên tòa
Trước hết nói về thời gian xét xử. Theo lịch được công bố thì phiên tòa diễn ra vào ngày 23 và 24-7 nhưng đến 18 giờ ngày 25-7, Tòa mới tuyên được án. Có nghĩa là phiên tòa phải kéo dài thêm 1 ngày bởi sự lắt léo đã diễn ra trong suốt quá trình xét xử. Phải nói rằng, đây là phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp, tôn trọng ý kiến của những người có liên quan. Hầu như Hội đồng xét xử để cho luật sư, gia đình bị hại, bị cáo, nhân chứng… được phát biểu một cách tự do, không ngắt lời, gián đoạn. Bố và mẹ của nạn nhân Nguyễn Đăng Tuấn bày tỏ sự bức xúc cao độ khi mới bước vào phòng xử án, phiên tòa chưa bắt đầu mà Vũ Việt Dũng đã thách thức, chửi bới họ. Chính thái độ rất xem thường luật pháp của Vũ Việt Dũng làm cho mọi người dự khán lấy làm lạ. Nhưng sau khi tuyên án thì Vũ Việt Dũng lại lăn đùng nằm ngửa ra ghế. Tuy nhiên, bác sĩ túc trực tại phiên tòa kết luận nhịp tim và huyết áp của bị cáo bình thường. Vài phút sau, bị cáo này được đưa ra xe đặc chủng về trại giam.
Tại phiên tòa này, có tất cả 5 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo. Trong đó, đáng chú ý nhất là luận cứ bào chữa của luật sư Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư Hà Nội). Luật sư Trần Đình Triển đã phân tích khá tỉ mỉ, chi tiết những sai phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng tại Gia Lai đã vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố các bị cáo trong vụ án này. Điều này được chứng minh bằng phát biểu của vị công tố tại phiên tòa: “Những lời phát biểu của luật sư Triển là đúng, chúng tôi sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm” về vụ án này. Người viết bài này cho rằng, đây là sự tiến bộ đáng kể cần được ghi nhận của luật sư và công tố trong việc tranh tụng để làm rõ đúng, sai trong một vụ án, điều mà lâu nay ta ít gặp.
Có một chi tiết làm cho nhiều người hết sức chú ý đó là lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Oanh. Trình bày rành rọt trước Hội đồng xét xử, bà Oanh nói: “Tôi sẵn sàng cung cấp đầy đủ những tài liệu chứng cứ để chứng minh một số cán bộ đã tiếp tay cho việc làm sai lệch vụ án này”. Vì sao bà Oanh lại “mạnh miệng” tuyên bố tại phiên tòa xét xử mà không sợ những hậu quả pháp lý đi kèm? Một thực tế là khi xảy ra vụ án, Vũ Việt Dũng đã bị khởi tố về tội “Giết người” nhưng sau đó lại được thay đổi bằng tội danh “Che giấu tội phạm”. Và sau nhiều diễn biến thì cuối cùng lại thay đổi thành tội danh “Giết người” với vai trò xúi giục.
Một điều nữa mà chúng tôi thật sự sốc là khi Hội đồng xét xử cho nói lời cuối cùng, 2 bị cáo Phương và Quyết đã quay về phía vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Oanh rồi quỳ rạp xuống đất xin được tha thứ, bởi trước đó cả hai đã cố tình không khai đúng sự thật vụ án, để cho gia đình bà Oanh phải khổ sở đi lại trong nhiều năm liền.Vì sao có chuyện kỳ lạ này? Thực chất, đây có thể là “con bài tẩy” mà trong 4 năm ròng rã, 2 bị cáo Phương và Quyết “ngậm miệng”, hy vọng Vũ Việt Dũng sẽ tìm mọi cách lo cho mình thoát tội “Giết người” và trốn ra nước ngoài trót lọt.
Cuối cùng, Tòa tuyên án Vũ Việt Dũng 19 năm tù về tội “Giết người” với vai trò xúi giục. Còn Phương và Quyết lần lượt bị tuyên phạt 17 và 18 năm tù với cùng tội danh như Dũng. 
Duy Anh

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.