Tôi đến núi Nemrut thuộc tỉnh Adiyaman (miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ) lần đầu vào mùa đông năm 2016. Tuyết rơi nặng hạt giữa những ngày đông năm ấy đã cản bước tôi không thể lên đỉnh núi thiêng, thăm thú Nghĩa địa Hoàng gia, ngắm nhìn những pho tượng thần cao từ 8m - 9m được vua Antiochus I xây dựng vào những năm thế kỷ I TCN…
|
Lên núi Nemrut ngắm hoàng hôn |
Hôm nay, tôi đã thỏa ước mong đến Nemrut, lắng nghe câu chuyện giao thoa văn hóa Đông - Tây.
Thân thiện và hiếu khách
Tôi thích ghé lại xứ Thổ rộng lớn mỗi khi có dịp, bởi không chỉ là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch tốt, mà còn có những chiếc vé giá cả hợp lý cho những chặng bay nội địa. Giá xăng A92 - A95 ở Thổ Nhĩ Kỳ biến động từ 20.000 - 21.000 đồng/lít, nhưng giá vé một chiều cho đường bay 1 giờ 45 phút chỉ xấp xỉ từ 40 - 50 USD mà hành khách được hưởng tất cả các tiêu chí hàng không, như ký gửi 23kg hành lý, được phục vụ bữa ăn, nước uống, chăn đắp khi cần và sách báo đọc giải trí.
2 năm trôi qua, thị trấn Kahta là nơi trung chuyển để đến núi Nemrut, vẫn yên bình dưới bóng hàng cây cam trái đỏ được trồng dọc theo phố. Chỉ có chút thay đổi khi đã có hãng xe Havas đón khách từ sân bay để đưa vào tận trung tâm phố với giá 10 lira, nhiều siêu thị lớn mọc lên tạo nên sự sầm uất và cũng không còn những đoàn người Syria tị nạn đi ăn xin khắp phố…
Những người lữ hành, đặc biệt người Tây Ban Nha, từng rỉ tai nhau “phương Nam xứ Thổ là đại bản doanh của tộc người Kurd định cư và họ vẫn lưu giữ nét văn hóa Ba Tư đáng yêu là sự thân thiện và hiếu khách. Khách lữ hành có thể quá giang trên những con đường quanh co trong hẻm núi, hay ở trọ đôi ngày trong nhà người bản địa mà không mất chi phí”. Tôi ở lại thị trấn Kahta một đêm, cũng không sợ tốn kém chi phí để được tận mắt nhìn thấy một vài công trình xưa còn sống sót với thời gian ở Adiyaman, nhưng tôi muốn trải nghiệm và xác minh tính đích thực “lời đồn đại” bằng việc đi bộ và quá giang xe.
Nơi Đông gặp Tây
Thuở xưa, khi chưa đo đạc được vị trí địa lý của từng vùng đất khác nhau, băng băng lao về trước trên vó ngựa viễn chinh, đoàn quân thiện nghệ của Đại đế Alexandria cho rằng, phương Nam xứ Thổ ngày nay là nơi Đông gặp Tây, bởi chỉ còn khoảng hơn 800km dặm trường nữa là sẽ đến Ba Tư, vốn được ca tụng là “Ngôi sao mỹ thuật phương Đông”. Đông - Tây trong suy nghĩ của tôi khi xuôi về phương Nam xứ Thổ là một vương triều cổ xưa nào đó, được hình thành có bộ gene cội nguồn không “thuần chủng” mà hình hài và dòng máu là sự hòa quyện đan xen hoàn hảo giữa những lọn tóc xoăn bồng bềnh như sóng biển Địa Trung Hải của người Hy Lạp, một chút hùng dũng mạnh mẽ của người La Mã, hình thể cao to của người Kurd, nét phúc hậu của người Caucasus và quy luật vận động xã hội chú trọng nhiều đến học thức đi cùng mỹ thuật tinh tế của người Ba Tư.
Cụm từ “commagene” được sử dụng khá phố biển ở thị trấn Kahta như gợi nhớ trong tôi về vương triều đậm nét văn hóa Đông - Tây của người Armenia trỗi dậy từ kinh đô Samosata từ năm 163 trước công nguyên đến năm 71 sau công nguyên thuộc Adiyaman ngày nay. Từ bến xe Kahta, tôi bắt chuyến xe buýt địa phương để đến ngôi làng nhỏ Sincik, lên đồi Karakus. Trên đồi cao lạnh gió, Nghĩa địa Hoàng gia cũng chẳng còn lại nhiều đường xưa nét cũ ngoài một vài cây cột chỏng chơ, một chú chim ưng vốn là chúa tể trời xanh của nền văn minh Ba Tư và một chiếc đầu sư tử là biểu tượng của nền văn minh Hy Lạp đăm chiêu ngó về lăng mộ vua Antiochus I nằm cách đó không xa. Cảnh tượng cô liêu trong nắng se vàng dễ khiến người ta chạnh lòng khi nghĩ tới sức mạnh hủy diệt của thời gian lên những dấu ấn vang bóng một thời.
Tôi được những người bạn Thổ cho quá giang khoảng 5km để tiếp tục đến làng Samsat, rồi thong dong đi bộ qua chiếc cầu La Mã Severan được xây dựng vào năm 200 sau công nguyên. Làng Samsat nằm dưới chân núi, kinh đô vàng son Samosata của vương triều Commagene và những nét hào hoa một thời đã trở thành mớ tro bụi hoang tàn dưới gót giày chinh yên khi đoàn quân La Mã ghé qua. Chiếc cầu mang tên Severan có nghĩa “Vị Thánh Severus” gồm 4 chiếc cột Corinthian đặc trưng của người La Mã, điêu khắc tên Severus, quý phi Julia Domna, hai con trai ông là Caracala và Geta là những gì người Commagenean có thể làm bằng tấm lòng trìu mến dành riêng tặng ông.
Nemrut, nơi cất giữ văn hóa vương triều Commagene
Nếu không có kỹ sư người Đức Kari Sester tìm ra đỉnh núi Nemrut vào năm 1881 thì có lẽ những kẻ hậu bối như tôi chẳng bao giờ biết được vị vua Antiochus I (70 - 38 trước công nguyên) đã từng cất giữ những bí mật riêng tư về một vương triều vào trong lòng núi thế nào. Theo nhận định của nhiều người, lăng mộ cho riêng ông trên núi đậm đà bản sắc văn hóa Commagene, chứ không phải là kẻ ngoại lai khi người La Mã tiến quân về phương Nam.
|
Một cụ bà thuê lừa lên núi Nemrut |
Đại đế Ptolemaeus người Armenia chính gốc, xây dựng vương triều Commagene vào năm 201 trước công nguyên. Vua Antiochus I đã mang trong mình hỗn hợp 2 dòng máu Armenia - Hy Lạp và kết hôn với công chúa Philostorgus Isias của vùng đất Cappadocia (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) cũng mang trong mình 2 dòng máu Ba Tư - Hy Lạp.
Chính 2 nền văn hóa Đông - Tây đã tạo nên một sắc thái rất riêng cho vương triều Commagene. Bên trong lăng mộ Hoàng gia trên đỉnh núi Nemrut, bạn có thể tìm thấy những pho tượng thần cao 8m - 9m thật đẹp qua từng đường nét điêu khắc, thấm đẫm văn hóa cội nguồn như nữ thần Tyche của Armenia, thần mặt trời Apollo, thần chiến tranh Zeus, thần chiến thắng Heracles, linh vật sư tử … của người Hy Lạp, hay thần lửa, linh vật chim ưng của người Ba Tư và kể cả chân dung thật của vua Antiochus I.
Từ bến xe Kahta, tôi bắt xe buýt địa phương để trọ qua đêm trong ngôi làng Karadut chỉ còn cách Nemrut chừng 15km với ý định đi bộ lên đỉnh núi và quá giang xe nếu có thể. Và bạn sẽ không thất vọng khi trước mắt hiện ra đồi nương êm ả bao quanh ngôi làng xinh đẹp Karadut đang ngập tràn sắc lá thu vàng, thấp thoáng những quả bí ngô sắp thu hoạch trên ruộng. Nơi ấy thật yên bình trong tiếng gà gáy trưa, nhẹ nhàng trong tiếng suối reo, rì rào khi đàn bò lướt qua đám cỏ xanh mềm mại. Những câu chào hỏi khi gặp nhau luôn ấm áp nghĩa tình. Và khi đêm về, những ánh sao đêm nhấp nháy như kể những câu chuyện cổ tích bên ánh lửa bập bùng.
Có 2 thời khắc tuyệt đẹp trên đỉnh núi Nemrut cao 2.134m là bình minh và hoàng hôn. Nhóm chúng tôi chọn thời điểm hoàng hôn, do sáng sớm những ngày đầu đông thời tiết quá lạnh. Được những người tốt bụng cho quá giang nên chúng tôi không tốn nhiều mồ hôi khi leo núi để đến được bảo tàng Commagene. Từ đây, chúng tôi bắt xe trung chuyển với giá 5 lira (2 chiều) để đến chân núi Nemrut và tiếp tục leo dốc. Sự kỳ diệu của những pho tượng cổ cùng việc háo hức được ngắm hoàng hôn đầy sắc màu đã khiến chúng tôi quên đi nỗi mệt nhọc dù nhịp tim vẫn đập nhanh sau mỗi bậc thang vòng lên cao.
Bình minh hay hoàng hôn trên xứ Thổ đều rất đặc biệt, luôn được nhắc tới trong những cuốn sách của giới lữ hành. Nemrut nằm trong danh sách 10 điểm ngắm bình minh hay hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Mãi đến sau này, các nhà khoa học mới giải thích được hiện tượng đó xuất phát từ sự tán sắc của tia nắng mặt trời qua các viên khoáng bé nhỏ có rất nhiều trong lòng đất Nemrut, tạo nên những sắc màu khác nhau trên bầu trời, hay cả tạo sức sống kỳ lạ trên khuôn mặt pho tượng cổ qua từng khoảnh khắc.
Hơn 2.000 năm đã đi qua, thiên đường riêng của vua Antiochus I vẫn còn đó và gây tò mò bởi lăng mộ trong lòng núi Nemrut chưa được khai quật. Thời gian đã bào mòn thiên đường bằng những trận động đất phá hủy đi những pho tượng cổ quý giá, nhưng những tác phẩm mỹ thuật tinh tế còn sót lại luôn mê hoặc ánh mắt của bao người. Sự ám ảnh vẻ đẹp của những pho tượng cổ khiến tôi không ngừng chụp tới lui hàng trăm tấm hình và tự nhủ, phải quay lại một lần nữa vào thời khắc bình minh. Không chỉ có tôi hay những bạn trẻ còn đủ sức tự leo núi, ước mơ được một lần đến thiên đường cũng hiện hữu trong lòng những người có tuổi và họ phải thuê lừa cưỡi lên núi với tâm niệm: “Lần đầu tiên cũng là cuối cùng trong một kiếp người”. |
Nguyễn Chí Linh (sggp)