Đẩy mạnh quyết toán dự án hoàn thành giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được quyết toán và vi phạm quy định. Do đó đòi hỏi các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác này để giúp nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Từ ngày 11-9 đến 3-10-2024, Đoàn giám sát tình hình quyết toán các công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai giám sát trực tiếp 9/17 huyện, thị xã và ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh,làm việc với các sở, ngành (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh); khảo sát thực tế tại 23 công trình, dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán, đồng thời xem xét báo cáo của 8 huyện, thị xã, thành phố còn lại.

Chậm trễ nộp hồ sơ, thẩm tra và phê duyệt quyết toán

Qua giám sát cho thấy, vẫn còn tình trạng một số công trình, dự án hoàn thành chậm nộp hồ sơ quyết toán. Trong đó, dự án thuộc cấp tỉnh quản lý có: đường liên xã Tân An đi Yang Bắc, Phú An, huyện Đak Pơ; kè chống sạt lở bờ sông Ba qua địa bàn huyện Ia Pa, huyện Krông Pa (đoạn qua xã Ia Tul, Ia Broái, huyện Ia Pa); Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa; sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thuỷ lợi Adơk và thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa; thủy lợi Ia Púch, xã Ia Púch, huyện Chư Prông; đường 6C, huyện Chư Pưh; dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai…

img-7285-6077-7818-5538.jpg
Đường liên xã Tân An đi 2 xã Yang Bắc và Phú An (huyện Đak Pơ). Ảnh: Hà Duy

Ở cấp huyện cũng có nhiều dự án hoàn thành chậm nộp hồ sơ quyết toán, đáng chú ý là khá nhiều dự án thuộc huyện Chư Păh, như: Dự án thiết lập đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông các xã: Hà Tây, Ia Khươl, Ia Ka, Đăk Tơ Ver; lập quy hoạch sử dụng đất 2021-2030; Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; hệ thống điện chiếu sáng thị trấn Phú Hòa; trụ sở UBND xã Hòa Phú; đường quy hoạch khu dân cư xã Ia Ka; trụ sở UBND xã Nghĩa Hòa;…

Thời gian thẩm tra hồ sơ quyết toán của một số dự án cũng chưa đảm bảo, chủ yếu ở cấp huyện quản lý, như: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đỗ Trạc cơ sở 1, thị xã An Khê; san nền trong khu tái định cư di tích Tây Sơn Thượng Đạo, thị xã An Khê; Nghĩa trang liệt sỹ thị xã An Khê; Trường THCS Nguyễn Du, thị xã An Khê; sân vận động huyện Đak Pơ; Trường Tiểu học Trần Phú, huyện Đak Pơ; đường quy hoạch khu dân cư xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh;…

Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng chưa đảm bảo thời gian phê duyệt quyết toán theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP. Trong đó, một số dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt như: đường liên xã Tân An đi Yang Bắc, Phú An, huyện Đak Pơ; đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất nghề trọng điểm quốc gia và khu vực-Trường Cao đẳng nghề Gia Lai; sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn cụm công trình thủy lợi trạm bơm điện Tân Hội, An Quý và hồ Hà Tam, huyện Đak Pơ; nâng cấp Trung tâm Công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường; chỉnh trang đô thị thành phố Pleiku; chỉnh trang đô thị huyện Chư Sê; đường 6C, huyện Chư Pưh; đường nối từ quốc lộ 19 đến tỉnh lộ 669 (thị xã An Khê)... Còn các dự án thuộc cấp huyện phê duyệt như: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đỗ Trạc cơ sở 1, thị xã An Khê; đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Quang Trung đến ngã 5 Ngô Mây), thị xã An Khê;…

Đặc biệt, nhiều địa phương còn tồn đọng nhiều hồ sơ vi phạm về thời gian nộp hồ sơ quyết toán. Theo bà Lê Thị Kiều Trinh-Trưởng Phòng Tài chính đầu tư (Sở Tài chính), tại huyện Chư Sê, năm 2021 có 33 dự án vi phạm, năm 2022 có 14 dự án, năm 2023 có 21 dự án (gồm các công trình, dự án đầu tư công thuộc giai đoạn trước chuyển sang thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện). Còn ở huyện Đak Đoa, năm 2021, 2022 có 33 dự án, năm 2024 chưa cung cấp hồ sơ để Sở Tài chính kiểm tra theo yêu cầu. Còn huyện Chư Pưh, năm 2021 có 9 dự án, năm 2022 có 13 dự án, năm 2023 có 10 dự án, năm 2024 có 5 dự án.

Nâng cao trách nhiệm cán bộ

Theo thông tin từ Sở Tài chính, từ năm 2021 đến nay, số công trình, dự án hoàn thành do cấp tỉnh phê duyệt đã phê duyệt quyết toán là 164 dự án, giá trị đề nghị quyết toán gần 6.129 tỷ đồng, giá trị phê duyệt quyết toán hơn 6.119 tỷ đồng. Có 3 dự án hoàn thành nhưng chưa thẩm tra quyết toán và có 5 dự án đã lập hồ sơ quyết toán nhưng chưa đủ điều kiện để thẩm tra và phê duyệt quyết toán.

cong-trinh-duong-lien-xa-a-dok-di-ia-pet-huyen-dak-doa-anh-ha-duy-1975.jpg
Công trình đường liên xã A Dơk đi Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy

Đối với các công trình, dự án hoàn thành do cấp huyện phê duyệt quyết toán, từ năm 2021 đến nay, phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện đã thẩm tra, trình UBND cấp huyện phê duyệt quyết toán 1.587 dự án, giá trị đề nghị quyết toán gần 3.677 tỷ đồng, giá trị phê duyệt quyết toán gần 3.397 tỷ đồng.

Theo ông Võ Thanh-Trưởng Phòng kiểm soát Chi-Kho bạc nhà nước tỉnh: "Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chủ động đôn đốc, nhắc nhở lập biên bản xử phạt các chủ đầu tư chậm quyết toán vốn đầu tư công các công trình, dự án hoàn thành. Tuy nhiên, cũng có một số kho bạc cấp huyện chưa đôn đốc dẫn đến việc các chủ đầu tư chậm quyết toán, nhưng tình trạng này cũng rất ít. Chúng tôi sẽ phân công thêm cán bộ để theo dõi, đôn đốc trong công tác tạm ứng, giải ngân”.

Về phía cấp huyện, theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản tuân thủ, bám sát theo các quy định về thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán, công tác theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán được chú trọng hơn, do đó, những năm gần đây công tác quyết toán ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra về lĩnh vực quyết toán công trình, dự án hoàn thành đối với cấp xã trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP. Đa số các địa phương trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm đối với các công trình thuộc thẩm quyền của cấp xã.

Là địa phương có nhiều công trình, dự án hoàn thành chưa được phê duyệt quyết toán, còn tồn đọng nhiều hồ sơ vi phạm về thời gian nộp hồ sơ quyết toán, ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa chia sẻ: “Khó khăn của huyện là số lượng hồ sơ dự án nhiều, nhưng nhân lực của huyện quá ít. Cán bộ thực hiện công tác quyết toán đồng thời cũng thực hiện công việc theo chức năng. Số lượng công việc được giao thêm ngày một tăng, biên chế cơ quan giảm nên lượng công việc trên 1 chuyên viên quá nhiều, không thể phân thêm cho các chuyên viên thuộc mảng công việc khác đảm nhiệm việc thẩm định quyết toán nên không đảm bảo được tiến độ thẩm định hồ sơ. Trong khi đó, việc hợp đồng thêm nhân lực, theo ý kiến của Thanh tra tỉnh là không đúng quy định nên huyện không thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, để làm tốt công tác quyết toán các công trình, dự án đầu tư công, đối với các cơ quan tài chính như Sở Tài chính, phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện, nên thực hiện các biện pháp xử lý hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán theo quy định tại Khoản 3 Điều 19, Điều 23, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đối với các chủ đầu tư và xử lý theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các văn bản hướng dẫn thi hành đối với đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có hành vi vi phạm trong chậm lập hồ sơ quyết toán. Kho bạc Nhà nước cấp huyện cần phải lập biên bản, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước đối với các chủ đầu tư chậm lập hồ sơ thanh toán tạm ứng.

doan-giam-sat-di-giam-sat-thuc-te-du-an-sua-chua-mat-duong-duong-phan-chu-trinh-thi-xa-an-khe-anh-ha-duy-6494.jpg
Gia Lai tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

“Ủy ban nhân dân cấp huyện cần chỉ đạo rà soát, có biện pháp xử lý, khắc phục đối với những công trình, dự án chậm thẩm tra, phê duyệt, xử lý dứt điểm các dự án hoàn thành chưa quyết toán thuộc cấp mình quản lý. Các huyện nên nghiên cứu thành lập tổ quyết toán vốn các công trình, dự án thuộc thẩm quyền của cấp huyện nhằm tránh tồn đọng vốn, đồng thời tổ này hướng dẫn công chức phụ trách công tác thẩm tra hồ sơ quyết toán vốn công trình, dự án hoàn thành tại cấp xã, nhất là các công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia”-ông Phương đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.