Đẩy mạnh liên kết phát triển toàn diện TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 3-1, tại tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024; đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan và doanh nghiệp.

Dự hội nghị, về phía tỉnh Gia Lai có ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Những tác động mạnh mẽ

Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây nguyên được ký kết vào tháng 12-2022 tại Lâm Đồng với 5 lĩnh vực hợp tác, đầu tư phát triển gồm: Du lịch; kết nối cung-cầu; xúc tiến đầu tư-thương mại; khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực y tế, giáo dục; nông nghiệp.

1-ht.jpg
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên điều hành hội nghị. Ảnh: LĐ online

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho rằng: Hội nghị là dịp để khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; đồng thời đánh giá, đề ra các chương trình hợp tác thời gian tới để đẩy mạnh liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đây cũng là dịp để các doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, phân phối hàng hóa,…

Trong năm 2024, chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh, thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung theo bản Thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương… Nổi bật là các hoạt động tổ chức triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia…

2-ht.jpg
Ông Võ Văn Hoan-Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LĐ online

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức 18 sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia. Đồng thời, thống nhất triển khai 23 nội dung, hoạt động hợp tác song phương giai đoạn 2024-2025. Trong năm 2024, có 23 nội dung của hoạt động hợp tác song phương đã được tổ chức triển khai đồng loạt, trong đó có 9 nội dung được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2025.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, đất đai, khoáng sản quý hiếm của vùng Tây Nguyên là lợi thế quan trọng và cần thiết để đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, mà trung tâm là TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên góp phần thúc đẩy nỗ lực không ngừng của chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế; thu nhập của người dân được cải thiện; mang đến một diện mạo mới cho chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hệ thống trường học và bệnh viện được đầu tư hiện đại…

3ht.jpg
30 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác và lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên được nhận Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LĐ online

Ông Võ Văn Hoan-Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh-thông tin: Chúng tôi có hợp tác với 6 vùng trong cả nước. Mỗi vùng đều có lãnh đạo UBND thành phố và một sở chủ trì, trong đó, liên kết vùng Tây Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách. TP. Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức các sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung ký hợp tác song phương với các địa phương, gồm 9 nội dung tiếp tục của năm 2024 và 10 nhiệm vụ mới cho năm 2025…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn: Năm 2025, tất cả doanh nghiệp cùng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên tham gia tích cực vào hoạt động liên kết, phối hợp. TP. Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ tối đa để tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác song phương giữa thành phố với các địa phương-đây được xem là con đường tốt nhất để vừa mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

4-ht.jpg
Lãnh đạo các địa phương trao bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: LĐ online

Để tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất các nội dung cơ bản để triển khai thực hiện trong năm 2025 như: Tổ chức sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia trên một số lĩnh vực; triển khai các nội dung, hoạt động hợp tác song phương; tiếp tục triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực an sinh xã hội…

hội mới, tầm nhìn mới”

Trong khuôn khổ chương trình sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024, hội nghị đối thoại về chủ đề hợp tác-đầu tư “TP. Hồ Chí Minh-Tây Nguyên: Cơ hội mới, tầm nhìn mới” đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

1td.jpg
Quang cảnh hội nghị đối thoại về chủ đề hợp tác-đầu tư “TP. Hồ Chí Minh-Tây Nguyên: Cơ hội mới, tầm nhìn mới”. Ảnh: LĐ online

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã gợi mở các nội dung thảo luận như: Chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương; đầu tư cho hệ thống phân phối; đề xuất, kiến nghị đối với địa phương về các chính sách hỗ trợ đầu tư; đề xuất liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên; tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên; xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP...

“Với tinh thần lắng nghe, xây dựng, cầu thị, cùng nhau hợp tác cùng nhau phát triển, tất cả các đại biểu, doanh nghiệp chia sẻ một cách cởi mở để chính quyền các địa phương biết cần làm gì để hỗ trợ tốt hơn cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và các hệ thống phân phối của TP. Hồ Chí Minh cần gì để cung-cầu gặp nhau…”-ông Võ Văn Hoan kỳ vọng.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế và lĩnh vực thế mạnh của địa phương mình; đồng thời, mời gọi và giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư vào các tỉnh vùng Tây Nguyên.

2-td.jpg
Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: LĐ online

Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-nhấn mạnh: Với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Tỉnh hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học-công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.

“Mục tiêu phấn đấu trên phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Gia Lai khi địa phương có diện tích tự nhiên lên tới 15 ngàn km2, lớn nhất khu vực và lớn thứ 2 cả nước, tài nguyên thiên nhiên phong phú với 44 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỉnh không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định.

Với diện tích đất nông nghiệp hơn 840.000 ha, tổng trữ lượng nước mặt khoảng 23 tỷ m3, Gia Lai thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả, các loại rau màu. Gia Lai cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến. Theo quy hoạch, có 31 cụm công nghiệp, trong đó có 14 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 542 ha.

Để phát huy tiềm năng thế mạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Tỉnh đã tích cực quảng bá tiềm năng của địa phương thông qua nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2024, Gia Lai đã tham dự nhiều hội nghị và diễn đàn như: Hội nghị gặp gỡ Indonesia năm 2024 tại tỉnh Khánh Hòa; hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên tại TP. Hồ Chí Minh; hội nghị doanh nghiệp và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên tại tỉnh Đăk Lăk; chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ, Canada, Australia; hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Úc tại TP. Hồ Chí Minh…”.

3-td.jpg
Doanh nghiệp kiến nghị về chính sách hỗ trợ đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng điện xanh. Ảnh: LĐ online

Năm 2025, công tác xúc tiến đầu tư của Gia Lai sẽ có nhiều đổi mới trong quy trình lập danh mục dự án đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và áp dụng các chính sách một cách linh hoạt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cải cách hành chính toàn diện tạo niềm tin người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đa dạng hoá hình thức thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chung, phân khu, chi tiết để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá cao nội dung đối thoại hợp tác-đầu tư “TP. Hồ Chí Minh-Tây Nguyên: Cơ hội, tầm nhìn mới”. "Chúng ta muốn vươn xa, vươn ra thế giới phải đi theo những quy định, quy chuẩn của thế giới, phải thay đổi về chất và chia sẻ với nhau về cách làm mới, cách làm hiện đại, với các tiêu chí mà xã hội đặt ra để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ… phù hợp với tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, chứng chỉ cacbon…”- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chính vì vậy, làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam rất nhiều với nguồn vốn lớn trên nhiều lĩnh vực. Việc điều hành doanh nghiệp của thế giới đã có quản trị xanh, tín dụng xanh, kinh tế xanh… đặt ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các tỉnh Tây Nguyên đang có điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu, nhân công, hạ tầng giao thông… để phát triển giao thương. Vì vậy, các doanh nghiệp Tây Nguyên phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn cùng với tầm nhìn tiên tiến, tận dụng và phát huy lợi thế của mình, tìm kiếm các cơ hội đầu tư để hợp tác, phát triển và lớn mạnh”.

4-ttht.jpg

Cũng trong khuôn khổ hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng dân tộc thiểu số

(GLO)- Sáng 30-12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.