Nơi tiếp tục, nơi dừng vì vướng quy định dạy thêm
Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, sở chưa có thống kê về số trường THCS, THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ghi nhận thực tế cho thấy, việc dạy học 2 buổi/ngày có xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục bài bản hầu hết chỉ ở trường tư và trường công chất lượng cao, công lập tự chủ... Ở các trường công lập còn lại, việc dạy học buổi 2 thực chất là tổ chức dạy thêm các môn phục vụ kỳ thi vào lớp 10 và thu tiền theo quy định tại nghị quyết của HĐND TP với mức thu 15.000 đồng/học sinh (HS)/tiết dạy và chăm sóc bán trú 235.000 đồng/HS/tháng (nếu có bán trú).

Trước đó, nhiều ý kiến cũng chỉ trích một số trường THCS có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để giãn thời khóa biểu cho HS nhưng vẫn chỉ dạy 1 buổi chính khóa, buổi còn lại trong ngày chỉ để dạy thêm. Việc lấy cơ sở vật chất của Nhà nước đầu tư để dạy thêm thu tiền của HS, tăng nguồn cho một bộ phận GV các môn toán, văn, ngoại ngữ gây ra nhiều tranh cãi và bất công với các môn học bị xem là "môn phụ" khác.
Chính vì vậy, khi Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều ý kiến của phụ huynh và nhà trường đều băn khoăn về việc các trường trung học có tiếp tục được tổ chức dạy buổi 2 và thu tiền của HS hay không. Một phụ huynh Trường THCS Mỗ Lao (Q.Hà Đông, Hà Nội) từng lên mạng xã hội "tố" nhà trường yêu cầu phụ huynh ký giấy đăng ký tự nguyện học buổi 2 (có thu tiền) từ sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Hiệu trưởng nhà trường sau đó phân trần đó là động thái nhà trường lấy ý kiến của phụ huynh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chứ không phải dạy thêm, học thêm. Nếu phụ huynh đồng ý sẽ thực hiện, nếu không sẽ dừng hẳn buổi 2. Vị hiệu trưởng này cũng viện dẫn Công văn 7291 năm 2010 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học, trong đó quy định: "Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi HS có nhu cầu, cha mẹ HS tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương".
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông (Hà Nội), cho rằng đối với các trường học trên địa bàn quận có điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch dạy học như trước. Tuy nhiên, nhà trường phải xây dựng lại thời khóa biểu không quá 7 tiết/ngày, trong đó buổi sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Ngoài các nội dung kiến thức theo chương trình, nhà trường có thể tăng cường thêm các tiết học về kỹ năng sống cho HS.
Tuy nhiên, nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội lại hiểu theo cách dạy học buổi 2 có thu tiền của HS là vi phạm quy định tại Thông tư 29 nên đã dừng toàn bộ buổi 2 chờ hướng dẫn mới. Mặt khác, từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, số địa phương dạy học 2 buổi/ngày, áp dụng lịch làm việc 5 ngày/tuần, nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần tăng lên. Học kỳ 2 của năm học này có thêm một loạt các tỉnh tổ chức thí điểm như Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái…
3 điều kiện chưa đảm bảo, chưa thể bắt buộc
Khi xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vấn đề tại sao không thiết kế dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT (như ở tiểu học) đã từng được đặt ra, bàn thảo. Tuy nhiên, do không thể đảm bảo tính khả thi về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ… nên khi ban hành chương trình, việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ bắt buộc ở cấp tiểu học; cấp THCS, THPT chương trình được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày.
Do vậy, khi có thông tin dẫn phát biểu từ đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày ở THCS, THPT, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT và các nhà trường coi đây là thông tin "gây chấn động". "Ý kiến đó dù tốt đẹp nhưng tính khả thi không cao. Nếu Bộ đưa vào tầm nhìn của ngành giáo dục đến năm 2035 hoặc 2045 thì có lý hơn và có thời gian đầu tư cả về cơ sở vật chất, đội ngũ và đặc biệt là xây dựng, thiết kế lại chương trình", một nhà giáo nhận xét.
Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai, Nghệ An), đánh giá tinh thần hướng tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là đúng đắn. Tuy nhiên, để thực hiện trong điều kiện hiện tại khá khó khăn. "Trước hết, phải đảm bảo cơ sở vật chất của các nhà trường, đặc biệt là số phòng học, trong khi nhiều trường đang thiếu. Như trường tôi có 34 lớp nhưng chỉ có 17 phòng học. Trường đang luân phiên cho 17 lớp học buổi sáng, 17 lớp học buổi chiều. Như vậy, bản chất là học 2 ca, mỗi HS học 1 buổi/ngày và cũng đã kín tuần, chứ chưa nói đến dạy học 2 buổi/ngày", ông Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, để thực hiện, theo ông Tuấn Anh, điều kiện cốt lõi là phải xây dựng được một chương trình dạy học 2 buổi/ngày thật phù hợp, đúng nghĩa. "Bởi câu chuyện không chỉ đơn giản là mở cửa trường cho HS được tự do vui chơi, trải nghiệm, tận dụng cơ sở vật chất của các nhà trường. Nếu không tính kỹ, việc tổ chức buổi học 2 sẽ dễ biến tướng thành những hoạt động dạy thêm, học thêm trá hình", ông Tuấn Anh nói.
Tại hội nghị giữa Bộ GD-ĐT và 63 sở GD-ĐT mới đây, nhiều giám đốc sở đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn mới về việc dạy học 2 buổi/ngày ở THCS, THPT để đồng bộ với quy định mới về dạy thêm, học thêm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày phải hội đủ 3 yếu tố. Thứ nhất, đủ cơ sở vật chất. Ở đây là mỗi lớp 1 phòng học. Trường đủ điều kiện cho HS bán trú, ở lại ăn và nghỉ trưa tại trường. Cần đủ sân chơi, bãi tập, các hoạt động giáo dục thể chất và các kỹ năng khác. Thứ hai, đủ số lượng GV. Thứ ba, có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi HS.

Trong khi đó, ông Thưởng cho biết, theo khảo sát đánh giá của Bộ GD-ĐT, yêu cầu THCS, THPT bắt buộc học 2 buổi/ngày chưa phù hợp vì chưa đủ 3 điều kiện tối thiểu trên. Đặc biệt, nhu cầu của HS THCS, THPT đa dạng, phân hóa cao, tổ chức của riêng nhà trường chưa đáp ứng được.
Ông Thưởng nêu thực trạng hiện nay, dạy học 2 buổi/ngày dù bắt buộc nhưng với tiểu học đạt gần 100% chứ chưa phải 100%. Còn với THCS, THPT, đến thời điểm này số trường, lớp dạy 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 10 năm trước. Tuy nhiên, ông Thưởng cũng nêu một số bất cập trong tổ chức thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Ví dụ, buổi 2 có nơi dạy văn hóa là chính, chủ yếu là kiến thức, chưa phải kỹ năng, các nội dung khác, nên tạo áp lực với HS.
"Đến thời điểm này, Bộ mới đang khảo sát nghiên cứu, chưa có yêu cầu khối THCS, THPT bắt buộc phải học buổi 2. Nơi có điều kiện thì tổ chức nhưng bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu như đã nói. Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chỉ đạo", ông Thưởng nhấn mạnh.
Dự kiến tháng 5 sẽ có hướng dẫn
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD-ĐT đang tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động này, trên cơ sở đó có hướng dẫn chung toàn quốc, thực hiện với từng cấp học. Dự kiến trong tháng 5 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
TP.HCM: 93% cơ sở giáo dục cấp THCS, THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ở năm học 2023 - 2024, số lượng các cơ sở giáo dục cấp THCS, THPT đủ điều kiện và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 93%.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết: "Để thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ HS từ lớp 6 tới lớp 12, điều quan trọng nhất là cơ sở vật chất đầy đủ và chương trình giảng dạy được đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Tức là, các trường học đang rất mong chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về dạy học 2 buổi/ngày được ban hành, để việc dạy học 2 buổi/ngày trong các trường dễ dàng được tổ chức thực hiện. Có như vậy, các trường mới yên tâm thực hiện, phụ huynh cũng an tâm cho con học mà không băn khoăn là việc dạy học này có vi phạm Thông tư 29 hay không".
Thúy Hằng
Theo Tuệ Nguyễn (TNO)